Vấn đề xử lý rác bằng công nghệ hiện đại đã được Hà Nội bàn từ cả hai chục năm nay. Hết dự án nọ dự án kia, hết công nghệ này được đưa ra đến công nghệ kia được hoan nghênh, hết cuộc họp hội đồng năm nay đến cuộc họp hội đồng năm sau, nhưng cho đến giờ rác thải vẫn là bức xúc của người dân Hà Nội, người dân sống gần các khu xử lý rác, và có lẽ là của cả lãnh đạo các cấp ở thành phố.
Rác thải tồn đọng nhiều ngày không được thu gom.
Mỗi ngày đêm Hà Nội xả ra tới 6.000 tấn rác sinh hoạt, trong đó chỉ khoảng hơn 70% được thu gom, xử lý, và hầu như chỉ bằng cách chôn lấp, vừa lãng phí tài nguyên đất đai, vừa có nguy cơ ô nhiễm nước ngầm. Chất thải công nghiệp, chất thải y tế không được xử lý triệt để. Dân số Hà Nội tăng lên không ngừng, và nếu không có giải pháp quyết liệt, chắc chắn khủng hoảng rác sẽ còn dày đặc hơn, đe dọa môi trường sống hàng ngày.
Nhưng trong lúc chờ các giải pháp đồng bộ, có lẽ người Hà Nội cũng cần nhìn lại mình, cách chúng ta sinh hoạt, tiêu dùng và vô tư xả rác.
Các nhà quản lý ngành lâu nay cứ than, và chính chúng ta cũng thấy, một khó khăn khi xử lý là việc phân loại rác tại nguồn. Rác hữu cơ, rác vô cơ, chất thải tái chế bị vứt lẫn lộn. Mới đây, TPHCM đã ra quy định buộc người dân từ 24.11.2018 phải phân loại rác tại nguồn, nếu không công nhân thu gom rác có quyền từ chối. Sau khi người dân phân loại rác thải, thành phố sẽ tổ chức thu gom riêng.
Tôi nhớ Hà Nội trước đây cũng đã có cuộc vận động 3R tương tự, những thùng rác công cộng màu xanh, màu vàng được đặt ở nhiều đường phố, địa điểm chung, tivi phát các đoạn băng tuyên truyền vào đúng giờ nấu cơm chiều, hình như chương trình do Nhật tài trợ. Rầm rộ thế nhưng cuối cùng cũng chẳng đi đến đâu. Thói quen cố hữu vẫn cứ là bỏ chung, tiện nhất và nhanh nhất. Thật ra có những tranh luận rằng, phân loại rác tại nguồn xong lại thu gom chung thì cũng không ích gì. Nhưng tại sao chúng ta, những người đang xả rác đều đặn hàng ngày để đóng góp thành con số 6.000 tấn đó, lại cầu toàn đến thế? Hay là chúng ta đang đổ lỗi? Tại sao không phân loại được đến đâu thì làm đến đó?
Ít nhất, như một bà cô tôi đã dặn tôi, từ nhiều năm nay, từ trước các cuộc vận động này khác: Đằng nào thì cũng có những người phải bới rác kiếm sống, cô chia riêng túi nylon, chai nhựa, các loại tái chế được ra để họ khỏi phải bới nhiều, họ cũng đỡ cực. Một chút trắc ẩn để quan tâm đến đồng loại nhiều hơn. Và nhìn rộng ra thì rõ ràng điều đó có lợi về mặt môi trường. Nghĩa là chúng ta không đổ lỗi.
Xe rác tập kết thành hàng dài cạnh khu chung cư suốt mấy ngày
Một điều nữa được báo động lâu nay là việc chúng ta sử dụng quá nhiều túi nylon, các loại đồ nhựa dùng một lần. Con số của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc đưa ra tại một hội thảo tháng 12.2018 nói Việt Nam là nước xả rác thải nhựa ra đại đương nhiều thứ tư thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Chưa cần ra đến biển, thử nghĩ lại thói quen của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày, ở Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng hay bất kỳ đâu khác.
Anh bán thuốc tây gần nhà tôi bảo: Lọ nhỏ mắt bé tý mà khách cũng phải lấy một cái túi nylon rồi mới bỏ vào túi áo túi quần. Không cho thì họ bảo là “ki bo”.
Chị bán bánh kẹo đường sữa tạp hóa than: Nhiều khách kỹ lắm em ơi, gói bánh một túi, chai dầu gội một túi, rồi xin thêm cái nữa cho khỏi bung, mà chị mua túi cũng đắt chứ.
Đi chợ hàng ngày mới khủng khiếp là nhiều túi nylon, nhìn phát sốt ruột. 20 – 30 năm trước không có túi nylon thì chúng ta vẫn sống được cơ mà. Thật ra cuộc sống thay đổi, thói quen thay đổi, nhưng việc hạn chế túi nylon không phải là quá khó.
Rồi đồ nhựa dùng một lần. Mỗi sáng con bạn, con tôi một hộp xôi thì sẽ vứt đi bao nhiêu cái hộp xốp mỗi ngày, trong khi chúng ta có thể mang hộp nhựa ở nhà ra mua rồi chịu khó đem về rửa? Mỗi ngày đến phòng tập, cuối tuần đi chơi, đi tham quan chúng ta mua một chai La Vie, trong khi hoàn toàn có thể mang bình nước uống từ nhà đi. Tôi biết nhiều người đã mang bình nước riêng từ nhà đi làm, nhưng sao chúng ta không làm điều đó khi đi tập, đi chơi, đi tham quan?
Không phải đến những ngày khủng hoảng rác, mà ngày nào cũng có thể gặp một bãi rác ở góc phố, chân cột điện...
Trong năm qua Châu Âu đã mạnh tay cấm đồ nhựa dùng một lần. Ở Việt Nam cũng có những chuyển biến dù mang tính đơn lẻ. Từ tháng 6.2018, Bộ Tài nguyên Môi trường chủ trương chỉ sử dụng bình nước kim loại dùng nhiều lần trong các cuộc họp. Đầu tháng 12.2018, UBND tỉnh Nam Định kêu gọi người dân nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đó là những điều rất thiết thực, dễ dàng làm được. Hộp xốp, túi nylon, chai nước nhựa, tăm bông nhựa, dao dĩa một lần, ống hút nhựa… Chiếc ống hút nhựa trông bé nhỏ, nhưng ở Châu Âu người ta đã thống kê mỗi năm có tới 36 tỉ chiếc ống hút nhựa bị vứt đi ở các nước này.
Tất cả đều có thể thay đổi trong thói quen hàng ngày của mỗi người. Tôi tin rằng bằng việc thay đổi ý thức, chúng ta không chỉ làm nhà mình sạch hơn, mà đường phố sạch hơn, Hà Nội sạch hơn, biển sạch hơn, để tự mình ngăn chặn những cuộc khủng hoảng rác.