Dân Việt

Những lễ hội nổi tiếng nhất ở miền Bắc trong tháng Giêng

Triệu Quang 08/02/2019 09:55 GMT+7
Nhiều lễ hội đặc sắc diễn ra trong tháng Giêng là dịp để người dân miền Bắc vui chơi, du ngoạn và dâng hương cầu tài lộc cho gia đình trong năm mới.

 “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Câu nói ấy đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân bởi, sau Tết Nguyên đán, rất nhiều lễ hội lớn nhỏ diễn ra ở khắp nơi.

Lễ hội nhằm tưởng nhớ các vị Thành hoàng làng, những người có công với mảnh đất diễn ra lễ hội ấy. Đây cũng là dịp để người dân dâng hương cầu may mắn, lộc tài, bình an cho gia đình, người thân và tranh thủ vui chơi, tận hưởng những ngày nghỉ an lành.

Mỗi lễ hội lại có sắc thái, ý nghĩa riêng. Dưới đây là một số lễ hội đặc sắc mà người dân không thể bỏ qua:

Lễ hội chùa Hương

Đây là lễ hội gắn liền với khu danh thắng Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo thông lệ, lễ khai hội từ mồng 6 âm lịch và kéo dài hết tháng 3.

img

 Lễ hội chùa Hương thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.

Lễ hội chùa Hương được xem là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Xuân về.

Hội Lim

Hội Lim là một trong những lễ hội lớn đầu năm của vùng Kinh Bắc, diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm tại Thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

img

Hội Lim là một trong những lễ hội nổi tiếng của vùng Kinh Bắc.

Trong ngày này, các Liền anh, Liền chị có cơ hội được giao lưu hát giao duyên, thể hiện giọng ca quan họ truyền thống ở Bắc Ninh. Bên cạnh đó, tại lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian hấp dẫn như: đấu vật, đấu võ, đấu cơ, nấu cơm, dệt cửi, đu quay…

Khai ấn đền Trần Nam Định

Lễ hội diễn ra từ 13 đến 15 tháng Giêng hàng năm tại đền Trần thuộc phường Lộc Vượng, TP. Nam Định. Đây là một trong những lễ hội đầu xuân nổi tiếng nhất Việt Nam nhằm tri ân công đức các vị vua Trần ở đền Trần.

img

Lễ hội đền Trần nhằm tri ân công đức của các vua Trần.

Hội mở đầu bằng lễ khai ấn, bắt đầu từ giờ Tý (giữa đêm), nhiều người tới hành lễ tại đền Trần vào dịp hội để xin tờ ấn với mong muốn được thăng tiến trong sự nghiệp. Ấn được phát tại 3 nhà là nhà Giải Vũ, nhà trưng bày đền Trùng Hoa và một điểm trong khu vực vườn cây đền Trần.

Hội Gióng

Hội đền Gióng được tổ chức tại đền Sóc thuộc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội nhằm tưởng nhớ đến Thánh Gióng, vị anh hùng thiếu niên của dân tộc ta. Hội bắt đầu từ mồng 6 tháng Giêng đến 12 tháng 4 Âm lịch.

img

Lộc hoa tre trong lễ hội đền Gióng (Sóc Sơn).

Trong lễ hội có những nghi thức độc đáo như: Lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng. Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hội chợ Viềng

Hội chợ Viềng diễn ra vào mùng tối mồng 7 đến rạng sáng mồng 8 tháng Giêng Âm lịch hàng năm tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định.

img

Chợ Viềng thường diễn ra vào giữa đêm, bày bán các nông cụ và nông sản.

Lễ hội bày bán các loại nông sản và nông cụ. Người dân dự hội với mong muốn mua may bán rủi, cầu mong một năm được mùa màng bội thu.

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử gắn liền với khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, Quảng Ninh. Lễ khai hội bắt đầu vào ngày 10 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch.

img

 Lễ hội Yên Tử thu hút rất đông du khách thập phương.

Ngoài những nghi lễ truyền thống như dâng hương, lễ cầu quốc thái dân an, biểu diễn các tiệt mục nghệ thuật truyền thống, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử… sẽ có thêm nhiều hoạt động mới hấp dẫn. Những năm gần đây, Yên Tử trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, sinh thái, thắng cảnh… thu hút du khách trong và ngoài nước tìm đến quanh năm.

Hội phết Hiền Quan

Hội Phết Hiền Quan là một lễ hội của xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tôn vinh tinh thần thượng võ và tưởng nhớ hai vị thành hoàng là Thiều Hoa công chúa, một nữ tướng dưới thời Hai Bà Trưng có công đánh giặcvà Mộc Trang đại vương thời nhà Đinh có công dẹp loạn 12 sứ quân.

img

Tranh nhau cướp phết lấy may tại Hội Phết Hiền Quan.

Có 3 quả Phết và 3 quả Chúi để những người tham gia lễ hội cùng giành lấy. Hai thứ này được làm từ củ tre sơn đỏ, trong đó quả Phết có đường kính khoảng 6–7 cm và quả Chúi nhỏ hơn, khoảng 4–5 cm.

Người dân quan niệm rằng, nếu ai giành được quả Phết và Chúi hay chỉ chạm được tay vào là cả năm sẽ rất may mắn. Vì vậy, trong lễ hội luôn có cảnh tranh giành, giẫm đạp lên nhau để cướp Phết.

Lễ hội rước pháo Đồng Kỵ (Bắc Ninh)

Đây là một trong những lễ hội sớm nhất ở miền Bắc. Lễ hội được diễn ra từ 4-6 tháng Giêng tại xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn (Bắc Ninh) nhằm tưởng nhớ Thánh Thiên Cương - vị tướng sau này được dân tôn thờ làm thành hoàng làng, người ra lệnh xuất quân đánh giặc.

img

Rước pháo Đồng Kỵ là một trong những lễ hội tổ chức sớm nhất ở miền Bắc sau năm mới.

Tiết mục được quan tâm nhất của lễ hội là màn rước 2 quả pháo Nhất (dài 6m) và pháo Nhì (dài 5,8m), đường kính hơn 1m từ nhà ông đám trưởng (Trưởng Ban Khánh tiết) ra đình làng.

Sau khi pháo rước về đình, các trai tráng khênh pháo sẽ tiếp tục thực hiện phần kiệu 4 ông đám diễn múa ở giữa sân đình. Các ông đám chít khăn mỏ quạ, trang điểm giả gái diễn trò mua vui cho du khách.  

Lễ hội rước “của quý”

Lễ hội rước “của quý” hay còn gọi là Lễ hội Ná Nhèm của người Tày, được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hằng năm tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức thánh Cao Sơn Quý Minh, Đức vua Miêu Tĩnh và Đức vua Cao Quyết đã có công đánh giặc giữ làng.

img

Màn rước “của quý” táo bạo nhất Việt Nam trong lễ hội Ná Nhèm.

Trong lễ hội, có màn rước sinh thực khí nam (Tàng thinh) và sinh thực khí nữ (Mặt nguyệt) từ trong đình làng Mỏ ra miếu Xa Vùn (thờ Đức Thánh Cao Sơn Quý Minh). Ý nghĩa của việc này là ước mong sinh sôi nảy nở, con cháu đầy đàn và cầu cho cuộc sống đầy đủ, đời sống ấm no.

Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng

Lễ hội chém lợn là một lễ hội được diễn ra tại làng Ném Thượng (phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) Việt Nam. Đây là một trong những lễ hội truyền thống được tổ chức hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng ở Bắc Ninh. Lễ hội nhằm tưởng nhớ vị thành hoàng làng (là sứ quân Nguyễn Thủ Tiệp hoặc tướng quân Đoàn Thượng) đã chém lợn để nuôi quân đồng thời cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

img

Cảnh chém lợn giữa sân đình trong lễ hội làng Ném Thượng đã không còn.

Nghi thức được chú ý nhất trong lễ hội là chém lợn giữa sân đình. Lợn sẽ bị đao phủ chém đứt đôi ngay trước mặt mọi người. Sau nhiều tranh cãi, từ năm 2016, lợn đã được đưa vào nhà kín, quây bạt để chém.

Lễ hội rước lợn La Phù

Cứ vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, người dân làng La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội lại tổ chức lễ rước "Ông lợn". Theo sử sách ghi lại thì hội rước lợn ở làng La Phù là để tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang thời Hùng Duệ Vương thứ Sáu.

img

Những “ông ỉn” được trang trí bắt mắt dâng lên làm lễ tại đình làng La Phù.

“Ông lợn” được dâng tế do các xóm tuyển chọn và nuôi dưỡng chu đáo, chăm sóc cẩn thận, sạch sẽ và tắm rửa hàng ngày từ trước đó cả năm. Đến ngày hội làng, lợn được làm thịt, trang trí đẹp và đưa lên kiệu đợi giờ đẹp để rước ra đình làm lễ dâng tế.

Lễ hội Linh tinh tình phộc

Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hằng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và Lễ Mật tại miếu Trò (còn gọi là miếu Đụ Đị) - xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

img

Nõ và Nường trong lễ hội Linh tinh tình phộc.

Nõ – Nường (biểu tượng linh vật của “người nam” và “người nữ”) được làm bằng gỗ mít sơn màu đỏ. Đúng thời khắc linh thiêng, cụ thủ từ hô vang “linh tinh tình phộc” thì Nõ và Nường đâm vào nhau 3 lần.

Lễ hội mang ý nghĩa tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp với ước mong vạn vật sinh sôi nảy nở. Năm 2017, lễ hội Trò Trám chính thức được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc Gia.

Lễ hội chọi trâu Hải Lựu

Diễn ra tại Lập Thạch, Vĩnh Phúc từ ngày 16 đến 17 tháng Giêng âm lịch.

img

 Lễ hội cổ truyền chọi trâu Hải Lựu.

Đây là một trong những lễ hội văn hóa dân gian cổ xưa nhất (tương truyền có từ thời Hùng Vương) còn lưu giữ được dáng vẻ nguyên sơ, không có những toan tính cay cú ăn thua của con người, không có việc trâu bị tiêm thuốc kích thích, không có cá cược…

Những hình ảnh “không ngờ” tại lễ phát ấn đền Trần 2018

Người dân đến xin ấn tại đền Trần (Nam Định) dù rất đông nhưng không có cảnh chen lấn, xô đẩy hay tranh cướp ấn.