Chiều 17.1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 – Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.
Việt Nam phải trở thành “con hổ mới” của kinh tế châu Á.
Phát biểu tại khai mạc tại phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, kinh tế Việt Nam có một năm thành công và đáng ghi nhận. Lần đầu tiên kể từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08%, trong nhóm các nước tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, và vượt qua mọi con số dự báo trước đó.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng thiết lập những kỷ lục mới; trong đó xuất khẩu đạt gần 245 tỷ USD, tăng 13,7% và vượt xa mức kỷ lục 214 tỷ USD của năm 2017. Nhờ đó xuất siêu cũng xác lập kỷ lục mới với 6,89 tỷ USD, tăng 147% so với năm trước.
Trong năm 2018, Việt Nam thu hút được gần 35,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ giải ngân tiếp tục đạt mức tăng trưởng ấn tượng 9,1% với kỷ lục mới về số vốn giải ngân đạt 19,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
“Tuy nhiên, khi đang đứng ở trên thành công chính là lúc chúng ta cần tĩnh tâm tư duy để xác định các vấn đề lớn mang tính cốt yếu, chiến lược, tạo nền tảng để phát triển cho giai đoạn tới. Bên cạnh những thành tựu, chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của nền kinh tế”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Theo ông Bình, một quốc gia muốn hóa rồng, hóa hổ thì trước tiên phải duy trì được tốc độ tăng trưởng cao và ổn định. Việt Nam hiện đã đạt đến một trình độ phát triển kinh tế mà để tiếp tục tiến bước trở thành một nước có thu nhập cao hơn, cần phải có một sự đột phá trong chính sách.
“Chúng ta cần làm gì để Việt Nam không chỉ là “một còn mèo nhỏ” mà phải trở thành “một con hổ mới” của kinh tế châu Á, như cách so sánh của Giáo sư Jay Rosengard, Đại học Harvard đã từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ nhất, tháng 6.2017” Ông Bình đặt câu hỏi?
Quá trình đi lên thịnh vượng, luôn có thăng trầm
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: Với độ mở lớn trong khu vực, quản lý kinh tế vĩ mô của Việt Nam sẽ khó khăn hơn trong bối cảnh tình trạng suy giảm kinh tế toàn cầu. Chúng tôi mong muốn đồng hành cùng Việt Nam để nâng cao các khuôn khổ vĩ mô để chống các cú sốc,
"Chúng ta không chỉ phát triển theo bề rộng nền kinh tế, bởi nói sẽ không đem lại chất lượng thực sự cho nền kinh tế, đảm bảo cho trung hạn và bền vững. Việt Nam cần nâng cao hiệu suất tăng trưởng, hài hòa hóa sự tham gia của tư nhân vào nền kinh tế và khuôn khổ chính sách đầu tư theo chuẩn quốc tế", ông Eric nói.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam
Theo Giám đốc ADB, Việt Nam cần đảm bảo dự trữ và tiết kiệm nguồn lực, tiền của để đảm bảo khả năng tự cường và dẻo dai của nền kinh tế. Đảm bảo Chính phủ quản lý thay vì một nhà sản xuất. Phải tạo ra động lực mới với mức tăng trưởng cao.
Ông Eric cho rằng: "Quá trình đi đến quốc gia thịnh vượng sẽ có những thăng trầm nhưng chúng ta cần đảm bảo không có những cú sốc đối với nền kinh tế".