Dân Việt

VFA - Viện Lúa: Số liệu quá khác biệt

12/04/2012 14:25 GMT+7
(Dân Việt) - Sau khi NTNN có bài “Thu mua tạm trữ, giá lúa vẫn giảm: VFA tính sai sản lượng thực tế?”, ngày 11.4, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đã chính thức có phản hồi về vấn đề này.

VFA khẳng định không tính sai?

Về thông tin trước đó VFA công bố hiện trong dân chỉ còn tồn 1,5 triệu tấn gạo, ông Phạm Văn Bảy- Phó Chủ tịch VFA lý giải: Vụ lúa đông xuân 2011-2012 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm nay đạt sản lượng khoảng 6 triệu tấn gạo. Sau khi cân đối, lượng gạo để lại tiêu thụ trong nước là 2,5 triệu tấn, thì lượng gạo hàng hóa còn lại để xuất khẩu là 3,5 triệu tấn, trong đó, quý I năm nay, Việt Nam mới xuất khẩu được 1,087 triệu tấn gạo.

img
Hiện nay, lúa đông xuân tồn đọng trong nhà dân với số lượng rất lớn.

Về tiến độ thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo, ông Bảy cho biết: “Đến ngày 6.4, các doanh nghiệp đã thu mua được 700.000 tấn, cộng số lượng doanh nghiệp thu mua ngoài thì lượng gạo hàng hóa trong dân còn lại 1,5 triệu tấn (không phải 1,5 triệu tấn lúa-PV)”. Do đó, ông Bảy khẳng định, VFA sẽ thu mua hết lượng gạo còn lại, vì tình hình thị trường xuất khẩu đang thuận lợi và vụ đông xuân là vụ có chất lượng gạo tốt nhất trong năm.

Về thông tin giá lúa đang giảm, VFA cho rằng, giá lúa có thể chỉ giảm cục bộ ở một vài nơi, còn nhìn chung toàn thị trường ĐBSCL không giảm, đang có chiều hướng tăng lên. Tuy nhiên, về việc VFA “hứa” sẽ thu mua gạo tạm trữ trong dân với giá thấp nhất là 5.000 đồng/kg, nhưng trên thực tế người nông dân chỉ bán được có 4.800 đồng/kg, thậm chí thấp hơn, ông Phạm Văn Bảy khẳng định: “Các doanh nghiệp VFA luôn luôn mua trên 5.000 đồng/kg, song thực tế người dân chỉ bán được có 4.800 đồng/kg là do họ không đem lên kho doanh nghiệp để bán mà bán qua thương lái”.

Còn tồn 5-6 triệu tấn lúa

Để làm rõ hơn giải thích của VFA về việc tính sản lượng lúa còn tồn ở ĐBSCL, chiều 11.4, phóng viên NTNN đã trao đổi với TS Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL. TS Bảnh cho biết: “Vụ lúa đông xuân năm nay, toàn vùng ĐBSCL thu hoạch được trên 11 triệu tấn lúa, trừ số dân để lại ăn và làm giống, sẽ còn dư ít nhất 7-8 triệu tấn lúa hàng hóa. Trong khi đó, đợt thu mua tạm trữ này, chúng ta chỉ đặt ra mục tiêu mua 1 triệu tấn quy gạo (tương đương gần 2 triệu tấn lúa). Điều đó, có nghĩa là, sản lượng lúa thực tế còn tồn trong dân ở ĐBSCL hiện nay là 5-6 triệu tấn (tương đương 3-4 triệu tấn gạo), chứ không phải như con số mà VFA công bố”.

Theo TS Bảnh, hiện ĐBSCL đã thu hoạch hết lúa đông xuân, nên ngoài mua tạm trữ, các doanh nghiệp cần tiếp tục thu mua lúa cho nông dân, mới tiêu thụ được hết lúa hàng hóa.

Theo TS Bảnh, thực tế việc thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo chỉ có tác động an dân là chính, còn giá chỉ lên chút xíu. “Tôi có hỏi một số doanh nghiệp vì sao chưa mua lúa vào, họ cho biết, dù được hỗ trợ vốn không tính lãi suất (trong 3 tháng) để thu mua tạm trữ, nhưng Chính phủ lại quy định, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm kinh doanh, lời ăn, lỗ chịu, mà đầu ra thì chưa có nên họ không dám mua vào” - TS Bảnh thông tin.

Riêng về việc giá lúa vẫn giảm trong thời kỳ thu mua tạm trữ, TS Bảnh cho biết: “VFA đã căn cứ trên tính toán của Bộ Tài chính để đưa ra mức giá thu mua tối thiểu là 5.000 đồng/kg, nhằm đảm bảo cho nông dân có lãi từ 30% trở lên, mức giá trên được áp dụng tại các kho của VFA, nhưng nông dân không thể trực tiếp mang lúa đến kho của VFA mà phải bán qua thương lái, nên giá vẫn không được cao”.