Vào những ngày này, khi chạy dọc theo các tuyến đường ven ấp Kênh 6, chúng ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân tất bật thu hoạch tôm càng xanh để bán ra thị trường.
Người dân dùng máy quậy bùn để bắt tôm càng
Theo người dân lớn tuổi ở địa phương, huyện Thới Bình được xem là "thủ phủ" tôm càng xanh của tỉnh Cà Mau. Trong đó, các xã có diện tích nuôi nhiều như: Tân Bằng, Biển Bạch, Biển Bạch Đông… Nhờ nuôi tôm càng xanh trên đất trồng lúa mà cuộc sống người dân được cải thiện và làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Bắt tôm càng xanh dễ dàng hơn sau khi dùng máy quậy bùn
Bà Nguyễn Thị Hún (56 tuổi; ngụ ấp Kênh 6), chia sẻ rằng gia đình bà có hơn 1 ha nuôi tôm càng xanh. Hằng năm, vào cuối tháng 5 đến đầu tháng 6 (âm lịch), bà mua con giống về thả với giá dao động từ 120 -150 đồng/con. Sau 6 tháng nuôi, nay gia đình bà thu hoạch được khoảng 250 kg tôm thương phẩm và thu lãi khoảng 20 triệu đồng.
Thương lái vận chuyển vào nhà để rửa sạch và chạy oxy cho tôm
"Trước khi thu hoạch tôm, tôi dùng máy bơm nước ra sông khoảng 4-5 ngày thì tiến hành cắt lúa. Sau đó, nhờ hàng xóm đến bắt tôm tiếp chứ không thuê người như một số địa phương khác. Thu hoạch vào những ngày cuối năm nên tôi và nhiều hộ khác ở đây có thêm khoản tiền để lo cho gia đình có cái Tết đầy đủ hơn", bà Hún hồ hởi nói.
Mọi người cùng lựa tôm sau khi được vận chuyển vào
Để bắt tôm, người dân dùng máy bơm quậy bùn nhằm làm cho tôm bị "mệt" và nổi dạt lên 2 bên mé kênh để bắt được dễ dàng hơn. Hiện, tôm càng xanh thương phẩm được thương lái đến tận ruộng thu mua với giá từ 100.000 -130.000 đồng/kg (tùy loại). Nhiều thương lái cho biết giá tôm càng có thể tăng mạnh vào những ngày cận Tết do nhu cầu của thị trường tăng mạnh.
Bà Hún cười tươi bên phi đựng tôm càng khi được bắt vào
Ông Huỳnh Văn Dũng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Kênh 6, cho biết đây là mô hình đạt hiệu quả cao nên được nhiều hộ dân áp dụng. Nguồn tôm giống được người dân mua ở trong tỉnh và các tỉnh như: Cần Thơ, An Giang…