Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển, không phải mọi thời điểm đều áp dụng bình ổn đối với mọi mặt hàng có trong danh mục mà căn cứ vào những thời điểm bất thường về giá, cơ quan có thẩm quyền sẽ lựa chọn hàng hóa, dịch vụ cần thiết phải bình ổn. Ông Hiển cho rằng, nên đưa 3 mặt hàng sắt, thép, xi măng ra khỏi danh mục bình ổn giá vì Nhà nước không can thiệp vào giá 3 mặt hàng này và đề nghị giữ nguyên phân urê và thức ăn chăn nuôi gia súc ở danh mục bình ổn giá.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng sắt, thép, xi măng là các mặt hàng thiết yếu trong xây dựng, mặt hàng đầu vào quan trọng của nền kinh tế. Đặc biệt là với những công trình nhà công vụ, xã hội sử dụng vốn ngân sách nhà nước thì liệu có nên bỏ ra khỏi danh mục hay không.
Ông Hiển lập luận, những công trình này đã được hưởng nhiều ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, do vậy, việc không đưa 3 mặt hàng này vào danh mục bình ổn giá là hợp lý.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cũng thống nhất loại khỏi danh mục hàng bình ổn giá đối với mặt hàng sắt, thép, xi măng và cho biết thêm: Chúng ta đang thực hiện cơ chế giá thị trường đối với một số mặt hàng. Riêng với mặt hàng sữa cần phải đăng ký giá với cơ quan có thẩm quyền. Theo ông Hiếu, đây là một trong những biện pháp bình ổn giá mà các nước ASEAN đều làm.
Sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Dự trữ quốc gia. Theo quy định của dự thảo luật thì phạm vi hàng dự trữ quốc gia bao gồm các loại vật tư, hàng hóa thiết yếu và tiền. Tuy nhiên, đa số các ý kiến đề nghị chỉ nên dự trữ bằng hàng hóa, vật tư thiết yếu.
Hải Phong