Dân Việt

Năm Kỷ Hợi, làng Ném Thượng có bỏ lễ hội chém lợn?

Nguyễn Đức 09/02/2019 09:55 GMT+7
Trưởng ban tổ chức lễ hội Ném Thượng chia sẻ nhiều thông tin liên quan đến nghi lễ rước hai “ông ỉn” và nghi lễ chém lợn.

Mỗi dịp đầu xuân, vào ngày mùng 5 và mùng 6 Tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP.Bắc Ninh lại tổ chức hội đình nhằm tôn vinh đức thánh Đoàn Thượng, một danh tướng thời Lý có công với dân, với nước.

img

Từ chiều 5/1 Âm lịch, hai “ông ỉn”, mỗi ông nặng khoảng 1,5 tạ sẽ được tắm sạch sẽ và  bôi thêm son đỏ khắp người, ngự ở sân đình.

Ông Nguyễn Văn Hiển, Phó Chủ tịch UBND phường Khắc Niệm, TP. Bắc Ninh (Trưởng ban tổ chức lễ hội Ném Thượng) cho biết, song song với lễ hội, nghi lễ chém lợn cũng được người dân địa phương khôi phục và gìn giữ từ nhiều năm nay.

Tuy nhiên kể từ năm 2015, nhiều chuyên gia, người dân phản đối nghi lễ này vì cho rằng việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lì cảm xúc của người xem khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa ổn định và dễ bị ảnh hưởng.

“Chúng tôi đã vận động, tuyên truyền giải thích cho người dân hiểu và khuyên người dân từ bỏ việc chém lợn giữa sân đình gây. Trong các năm 2016, 2017, 2018, chúng tôi vẫn thực hiện nghi lễ rước hai “ông ỉn” từ đình đi quanh làng, nhưng không thực hiện việc chém lợn ở giữa đình nữa. Việc làm này nhận được sự đồng tình của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, người dân ở làng Ném Thượng”, ông Hiển chia sẻ.

Xung quanh lễ hội này, nhiều ý kiến cho rằng, trước đó năm Dậu, nhiều người đã kiêng cúng gà. Năm 2019 Kỳ Hợi, là năm con lợn, vậy tại sao làng không bỏ lễ hội này trong năm nay. Ông Hiển nói thêm: “Đây là tục lệ, tín ngưỡng bao đời nay của làng Ném Thượng nên không thể bỏ, kể cả năm nay là năm Kỷ Hợi. Thêm nữa, kể cả chúng tôi vận động, thuyết phục, các cụ bô lão, người dân trong làng cũng không đồng ý. Tôi cho rằng, quan trọng là ở tâm mỗi gia đình. Vào năm Dậu, có gia đình không cúng gà, nhưng có gia đình vẫn cúng gà bình thường đó thôi”.

img

Đoàn tế rước di chuyển hai “ông ỉn” xung quanh làng để người dân được nhìn ngắm “ông ỉn” và lấy may trong năm mới.

Vị Trưởng ban tổ chức lễ hội Ném Thượng cho biết thêm, lễ hội Ném Thượng năm 2019 sẽ diễn trong hai ngày 9-10/2/2019 (tức ngày  5 và 6 Âm lịch). “Về cơ bản lễ hội năm nay không có nhiều thay đổi, nghi lễ rước hai “ông ỉn” đi quanh làng vẫn diễn ra. Và cũng không có màn chém lợn giữa sân đình. Sau khi hành lễ xong, hai “ông ỉn” sẽ được đưa vào khu vực làm cỗ ngọc tế Thánh. Khu vực này được quây kín và lực lượng công an bảo vệ nghiêm ngặt, chỉ những người trong ban tổ chức mới được vào trong”, ông Hiển thông tin.

Ông Hiển cho hay, mỗi năm, việc chọn hai “ông ỉn” nuôi để phục vụ cho nghi lễ trong lễ hội Ném Thượng được người dân chú trọng. Những người măn mắn được chọn nuôi là phải là những người ở độ 49 tuổi. Bởi vì người xưa quan niệm ở độ này mới được phép hầu các cụ bô, lão. Những người ít tuổi hơn muốn nuôi “ông ỉn” cũng không  được.

“Điểm mới của năm nay là hai hộ gia đình may mắn được nuôi hai “ông ỉn” là hộ ông Nguyễn Đăng Học (SN 1970) và ông Nguyễn Văn Thăng (SN 1970) ở khu phố Thượng, phường Khắc Niệm. Bắt đầu từ tháng 8 Âm lịch, hai hộ gia đình này sẽ đi mua lợn giống về nuôi. Lợn giống phải là loại giống tốt, có một màu trắng, không có đốm. Trong quá trình nuôi, không cho lợn ăn cám, chỉ cho ăn rau, bèo và nấu cháo hoa. Việc làm này nhằm mục đích để có được một con lợn sạch mang đi thực hiện nghi lễ”, ông Hiển kể.

Theo ông Hiển, từ chiều 5/1 Âm lịch, hai “ông ỉn”, mỗi ông nặng khoảng 1,5 tạ sẽ được tắm sạch sẽ và bôi thêm son đỏ khắp người, ngự ở sân đình. Đúng 8 giờ sáng 6/1 Âm lịch, đoàn tế rước di chuyển hai “ông ỉn” đi xung quanh làng để người dân được nhìn ngắm “ông ỉn” và lấy may trong năm mới.

Đến khoảng 11h trưa, hai “ông ỉn” được đưa quay trở lại đình Ném Thượng để chuẩn bị cho việc thực hiện nghi lễ. Sau khi có hiệu lệnh của Ban tổ chức, hai chiếc xe rước “ông ỉn” di chuyển vào khu vực làm cỗ ngọc tế thánh. Tại đây, hai đao phủ sẽ thực hiện việc giết mổ hai “ông ỉn” và ban tổ chức sẽ lấy một phần thịt làm cỗ ngọc tế thánh.

Lễ hội chém lợn ở thôn Ném Thượng (nay là khu phố Thượng), phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) bắt nguồn từ truyền thuyết một vị tướng thời Lý tên là Đoàn Thượng khi đánh trận chạy đến vùng núi này đồn trú và chém lợn rừng nuôi quân.

Từ đó, hàng năm người dân mở hội chém lợn để tưởng nhớ đến người có công khai khẩn vùng đất hoang vu này. Hai người được dân làng chọn từ rằm tháng 8 là những người khỏe mạnh, gia cảnh sung túc, tuổi đúng 49 để nuôi hai “cụ ỉn” làm lễ vật tế thánh.

Lợn được rước từ nhà gia chủ ra sân đình từ chiều 5 Tết. Sáng mùng 6, đúng ngày hội chính, bà con trong làng sẽ thực hiện lễ rước lợn vòng quanh làng. Hai chú lợn thờ bị chém đứt đôi trước sự chứng kiến của nhiều người.

Theo phong tục cổ xưa của nhân dân phường Khắc Niệm, ý nghĩa sâu kín của lễ chém lợn tế thánh liên quan đến tín ngưỡng phồn thực: máu được đồng nhất với tia sét, với tia nắng... có khả năng làm thụ thai, làm cho sự sống sinh sôi. Tế thần bằng máu có nghĩa là cầu mong sức sống tràn trề cho tất cả mọi người trong làng.

Báo quốc tế nói gì về lễ hội chém lợn của Việt Nam?

Lễ hội chém lợn ở VN đã thu hút sự chú ý của truyền thông thế giới vì những tranh cãi xung quanh nó.