Anh Nguyễn Văn Hưng (Xuân La, Tây Hồ) cho biết, năm nào cũng thế, cứ vào ngày 15 âm lịch là anh lại ra chợ hoa để chọn cho gia đình một cành đào đẹp nhất.
“Quê tôi ở Tây Bắc nên từ ngày xuống Hà Nội sinh sống, làm việc tết năm nào tôi cũng gửi bạn bè mua cho một cành đào rừng từ quê mang xuống. 4 năm trở lại đây, thấy đào rừng được đốn hạ mang về Thủ đô nhiều quá nên cũng không phải gửi bạn cầm về xuôi nữa mà ra chợ hoa mua luôn” - anh Hưng nói.
Khá nhiều khách đã ra chợ hoa Lạc Long Quân chọn những cành đào rừng, mận rừng để chơi tết. Bảo Phương
Theo anh Hưng, hiện nay bạn bè anh ở Hà Nội cũng rất thích cắm đào rừng mỗi độ tết về bởi đào rừng có nét đẹp mộc mạc, mảnh mai. Thêm vào đó, cành già, nhìn rất đẹp, bắt mắt, cánh hoa mỏng, nụ nhiều, nở chậm nên độ bền hoa cao hơn hẳn các loại cành khác, cành chơi được rất lâu. Cũng chính bởi lý do này mà nhiều năm trở lại đây “mốt” chơi đào rừng đã được phổ biến rộng tại Thủ đô lẫn các tỉnh phía Bắc.
Nói về xu hướng chơi đào rừng đang dần phổ biến, ông Nguyễn Văn Kim (Xuân Thuỷ, Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, do đào rừng mang tính chất độc đáo, ít phổ biến hơn so với đào Nhật Tân nên khách hàng thường thích cắm đào này. Với nhiều người thì cứ đồ gì lạ, độc đáo là thích chứ cũng ít chú ý tới yếu tố thẩm mỹ hay góc độ liên quan tới chuyện tận diệt đào rừng, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái.
“Chúng tôi ở đây (ở Hà Nội) chỉ nghĩ đào nào đẹp, rẻ thì mua cắm chứ không nghĩ xa tới việc triệt hạ đào rừng mất giống cây quý hay ảnh hưởng tới kết cấu rừng. Tôi vẫn nghĩ đào rừng là đào núi, được dân trồng chứ không nghĩ đào mọc ở trong rừng già” – ông Nguyễn Văn Kim nói.
Còn theo chủ buôn đào rừng tên Long ở chợ hoa Lạc Long Quân, Hà Nội thì nhiều năm trở lại đây phong trào chơi đào rừng lên cao. Cũng bởi vậy mà cánh buôn đào rừng như anh cũng làm nên ăn ra. Có điều để chọn mua được những cành đào đẹp, nụ nhiều, nở trúng tết thì không phải ai cũng mua được. Thường phải những tay buôn đào rừng có thâm niên mới thẩm định được.
“Buôn đào rừng nhiều khi cũng may rủi lắm vì nếu trúng thì trúng đậm, còn nếu cành không nở hoa đúng tết thì coi như lỗ vốn” – anh Long cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên một cành đào rừng cao tầm 1,5-2m, cành tán rộng khoảng 0,9-1,5m có giá khá đắt. Giá của một cành đào đá, đào rừng dao động từ 1 - 1,5 triệu đồng, đắt gần như gấp đôi thậm chí là đắt gấp cả chục lần so với đào ta. Riêng với những gốc đào cổ thụ, đào già gốc đào to, đào cổ, bán kính tầm 20cm giá đào có thể cao hơn nhiều lần. Giá những cành như vậy giá lên tới chục triệu, thậm chí là 20-30 triệu đồng.