Dân Việt

Tương nếp đựng chum sành, thơm ngon nức tiếng xứ chè Thái Nguyên

Hà Thanh 27/01/2019 14:04 GMT+7
Tương ngon là tương khi mang ra nếm thử có vị ngọt, thơm, màu đỏ đều màu và đẹp. Tương để thời gian càng lâu sẽ càng ngon, đậm và ngọt.

Từ bao đời nay, người dân ở xã Úc Kỳ (Thái Nguyên) đã gắn bó với nghề làm tương nếp. Nếu như trước đây, người dân làm tương nếp chỉ để ăn và làm quà biếu khách thì bây giờ, nghề làm tương nếp đã trở thành nghề truyền thống, giúp cuộc sống của người dân khấm khá, ổn định hơn.

Dẫn chúng tôi đi thăm làng nghề tương nếp truyền thống của xã Úc Kỳ, một cán bộ phòng nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Nghề làm tương ở Úc Kỳ đã có từ lâu đời, tuy nhiên phải đến hiện nay sản phẩm này mới được khẳng định thương hiệu và đến với khắp các vùng miền của đất nước. Trước đây, người dân làm tương chủ yếu phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Từ vài năm trở lại đây, nghề làm tương ở Úc Kỳ đã phát triển thành sản phẩm hàng hoá, quy mô sản xuất mở rộng với nhiều hộ gia đình tham gia.  

img

Cơ sở sản xuất tương truyền thống của gia đình chị Dương Thị Hương và anh Dương Văn Dân ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ.

PV Dân Việt đã có dịp đến thăm cơ sở sản xuất tương truyền thống của gia đình chị Dương Thị Hương và anh Dương Văn Dân ở xóm Nam 1, xã Úc Kỳ. Theo chị Hương chia sẻ, gia đình chị bắt đầu làm tương từ năm 1988. Với bí quyết truyền lại từ cha ông, anh chị quyết định nối nghiệp gia đình để giữ gìn nghề truyền thống và lưu truyền cho con cháu sau này.

img

Chị Hương đang kiểm tra chất lượng tương trước khi mang ra đóng chai.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Hương cho biết: Khoảng 3– 4 năm trở lại đây, gia đình anh chị mới có ý tưởng làm tương với quy mô lớn để xuất bán và coi nghề làm tương là nghề mang lại thu nhập chính cho gia đình. Ban đầu, chị mạnh dạn làm thử nhờ học hỏi từ các cụ nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên tương làm ra bị hỏng rất nhiều. Không vì thế mà chị nản lòng và bỏ cuộc, chị vẫn quyết định làm những mẻ tương tiếp theo và rút kinh nghiệm thực tế sau mỗi lần làm.

Đến nay, cơ sở sản xuất tương của gia đình chị là một trong những cơ sở có quy mô lớn nhất của xã. Những mẻ tương của gia đình chị thơm ngon có tiếng, xuất bán với giá trung bình từ 25.000 – 30.000 đồng/lít, mang về thu nhập  gần 100 triệu đồng mỗi năm. 

img

Sản phẩm tương sau khi đã đóng chai để xuất bán ra thị trường.

Theo chị Hương, hiện tại gia đình chị đang sản xuất hai loại tương chính làm từ nếp cái hoa vàng và nếp con. Để tạo thành thương phẩm tương ngon, ngọt xuất bán ra thị trường thì các công đoạn làm tương đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ vô cùng. Trong quá trình ủ phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo tương lên màu đẹp và không bị hỏng. Thời gian tính từ lúc ủ lên men đến khi tương sử dụng được là 2 tháng vào mùa hè và 3 tháng vào mùa đông.

Ngoài ra theo chị Hương, việc làm tương phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố thời tiết, nếu trời lạnh thì tương rất khó để lên men.

img

Tương ngon là tương khi đem ra sử dụng có màu đỏ, lên màu đều, vị thơm và ngọt.

Chị Hương cho biết thêm, để có được sản phẩm tương ngon và ngọt, ngoài việc lựa chọn nguyên liệu đảm bảo chất lượng, quá trình sản xuất tỉ mỉ, đúng kỹ thuật và thời tiết ủng hộ thì còn cần phải lựa chọn được vật dụng đựng tương là những chiếc chum sành nung già, không rò rỉ. Tương ngon là tương khi mang ra nếm thử có vị ngọt, thơm, màu đỏ đều màu và đẹp. Tương để thời gian càng lâu sẽ càng ngon, đậm và ngọt.

img

Để tương đạt chất lượng, tương phải được đựng trong những chiếc chum sành nung già, đậy nắp và bịt kín nilon.

Điểm khác biệt so với những loại tương ở các vùng miền khác là tương ở đây khi sử dụng cái tương không bị nát mà vẫn còn nguyên hạt. Tương chủ yếu được xuất bán ra thị trường huyện Phú Bình, Đại Từ của tỉnh Thái Nguyên và một số thị trường xa hơn như Vĩnh Phúc, Nghệ An… thậm chí là vào tận TP.HCM.

Trao đổi với Dân Việt, ông Dương Văn Dương – Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ cho biết: Một vài năm trở lại đây, số hộ làm tương đã ngày càng phát triển, sản phẩm đã đi vào lòng người khắp các miền xa gần, góp phần tăng thu nhập cho bà con trong vùng.

Cũng theo ông Dương, hiện tại toàn xã có khoảng 60 hộ sản xuất tương với số lượng lớn và làng nghề sản xuất tương Úc Kỳ đã được công nhận là làng nghề truyền thống từ năm 2015. Bởi vậy, nghề làm tương hôm nay không chỉ đơn thuần để cung cấp cho nhu cầu của gia đình mà còn giúp cho người dân nơi đây làm giàu, có thu nhập cao và ổn định. Có nhiều hộ đã mua nhà, mua xe từ nghề làm tương. Nhờ đó, đời sống của bà con không ngừng được nâng cao, trở nên khấm khá.