Dân Việt

Xuất khẩu thịt gà đi Nhật: Bỏ lối chăn nuôi cũ mới có cơ hội

Ngọc Minh 23/01/2019 09:21 GMT+7
Năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam có bước tiến mới khi kim ngạch xuất khẩu đạt nửa tỷ USD, trong đó nổi bật là xuất khẩu thịt gà vào thị trường Nhật Bản. Giới chuyên môn đánh giá rằng, đây là thị trường rất triển vọng, giúp ngành chăn nuôi Việt Nam mở toang cánh cửa ra thế giới.

Thị trường đầy triển vọng

Theo Bộ NNPTNT, hiện nay Nhật Bản là thị trường nhập khẩu thịt gà lớn thứ ba trên thế giới (sau Trung Quốc và Liên bang Nga). Mỗi năm, Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu khoảng 1 triệu tấn thịt gà. Những nước cung ứng thịt gà lớn nhất hiện nay cho thị trường Nhật Bản là Brazil (khoảng 420.000 tấn/năm), Thái Lan (320.000 tấn/năm), Trung Quốc (165.000 tấn/năm)…

img

  Quy trình sản xuất, chế biến trứng, thịt gà khép kín theo công nghệ châu Âu nhằm phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản và Hong Kong của Công ty Ba Huân. Ảnh: N.M

Theo ông Montri Suwanposri - Tổng Giám đốc Công ty C.P Việt Nam, nhà máy ở Bình Phước được C.P Việt Nam đầu tư dây chuyền xuất khẩu thịt gà còn hiện đại hơn cả hệ thống của C.P Thái Lan và giá thành chăn nuôi của Việt Nam không kém Thái Lan nên ông Montri tin tưởng thịt gà Việt Nam có thể cạnh tranh tốt ở thị trường này.

Trước nhu cầu lớn của thị trường này, trong vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư lớn vào việc xây dựng các chuỗi chăn nuôi công nghệ cao, sản xuất thịt gà khép kín, hiện đại để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng như các thị trường tiềm năng khác như Singapore, Trung Quốc, Hongkong, các nước Trung Đông…

Điển hình có thể kể đến là Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam đang xây dựng nhà máy hiện đại tại Bình Phước để phục vụ cho xuất khẩu các sản phẩm thịt gà sang Nhật. Tổ hợp khép kín hoàn toàn từ nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, trại gà bố mẹ, trại chăn nuôi gà thịt, nhà máy giết mổ, nhà máy chế biến. Giai đoạn đầu, vốn đầu tư lên đến 250 triệu USD, với công suất 50 triệu con/năm; giai đoạn 2 tăng lên 100 triệu con.

Ông Lê Xuân Huy - Phó Tổng Giám đốc Công ty C.P cho biết, trước khi xây dựng nhà máy, công ty đã đàm phán, ký kết với nhiều khách hàng nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm gia súc, gia cầm. Dự kiến, giai đoạn đầu mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng vài ngàn tấn sản phẩm chế biến các loại, sau đó tăng dần lên vài chục ngàn đến cả trăm ngàn tấn/tháng. Và kế hoạch này sẽ bắt đầu thực hiện trong năm 2019 với thị trường Nhật Bản.

Tương tự, Công ty CP Ba Huân cũng đã xây dựng chuỗi sản xuất thịt gà, trứng gà khép kín công nghệ cao theo tiêu chuẩn châu Âu để phát triển thị trường xuất khẩu. Ông Phạm Thanh Hùng - Phó Giám đốc Công ty CP Ba Huân cho biết, qua Tết âm lịch 2019, Ba Huân sẽ bắt đầu những chuyến hàng thịt và trứng gà đầu tiên xuất khẩu qua thị trường Nhật và Hongkong.

Hay Công ty Koyu&Unitek -  doanh nghiệp duy nhất trong năm 2018 xuất khẩu thịt gà vào Nhật cũng vừa đưa vào sản xuất thêm hai dây chuyền chế biến thịt gà, nâng công suất mỗi tháng lên 300 tấn sản phẩm.

Ông Trần Văn Quang - Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, Công ty Koyu&Unitek năm qua đã nghiên cứu, sản xuất và xuất khẩu thành công sản phẩm sử dụng nguyên liệu ức gà (thay vì chỉ có bộ phận đùi, cánh) và được khách hàng Nhật Bản chấp nhận. “Đây là thành công quan trọng, vì bộ phận ức gà lâu nay vẫn dư thừa ở Việt Nam” - ông Quang nhận định.

Nông hộ nhỏ gặp khó

Theo ông Trần Văn Quang, yếu điểm của ngành chăn nuôi Việt Nam là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nay giá giảm thì dẹp chuồng, mai giá lên thì tái đàn. Điều này rất khó để các nông hộ tham gia vào chuỗi sản xuất sản phẩm xuất khẩu vì nuôi nhỏ lẻ nguy cơ dịch bệnh cao, năng suất thấp, giá thành cao, sản phẩm không đủ sức cạnh tranh và không đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Hiện nay các doanh nghiệp đều muốn mở rộng trang trại vệ tinh liên kết để đủ nguồn nguyên liệu xuất khẩu thịt gà nhưng điều này rất khó. Muốn xuất khẩu nông sản vào Nhật, sản phẩm phải đảm bảo vượt qua hơn 250 tiêu chí của Nhật. Một trong những tiêu chuẩn rất khắt khe, đó là sản phẩm phải không tồn dư kháng sinh. Mà để xây dựng được chuồng trại đủ tiêu chuẩn xuất khẩu chi phí rất lớn, hơn 2,5 tỷ đồng cho một trang trại nuôi 10.000 con gà, nông hộ nhỏ không có đủ chi phí đầu tư” - ông Quang cho biết.

Nhưng một khi có tiền đầu tư cho hệ thống chuồng trại rồi, nông dân vẫn vướng tiêu chí: Phải có vùng đệm môi trường dịch tễ sản xuất an toàn, cách li xung quanh đến 3km. Nhiều nông hộ chạy lên “khóc” với Chi cục Thú y Đồng Nai về điều kiện này, vì xung quanh nhà họ rất nhiều nhà khác đang nuôi chó, bò, gà vịt… “Và giải pháp chỉ có một: Họ phải chuyển trang trại ra các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh mà tỉnh đã và đang xây dựng” - ông Quang nói.

Hiện tỉnh Đồng Nai đã xây dựng được nhiều vùng đệm, bảo đảm an toàn dịch bệnh ở 2 huyện Trảng Bom và Thống Nhất. “Với các doanh nghiệp, khi họ có nhu cầu, kế hoạch cụ thể, tỉnh đều sẵn sàng hợp tác hỗ trợ. Ví dụ, để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu thịt gà của Công ty Koyu&Unitek, tỉnh đã xây dựng vùng đệm an toàn dịch bệnh tại 10 xã ở các huyện Long Thành, Xuân Lộc, Tân Phú và Cẩm Mỹ.

Hay vùng đệm 7 xã ở Thị xã Long Khánh, huyện Định Quán và huyện Vĩnh Cữu cho chương trình xuất khẩu trứng gà của Công ty Lâm Thanh Đức. Nói chung, tỉnh đã bỏ quy hoạch chăn nuôi cũ không còn phù hợp với tình hình phát triển thực tế và đang xây dựng quy hoạch mới dựa trên nhu cầu thực tế xuất khẩu của doanh nghiệp và thị trường” – ông Quang cho biết.