Sau khi qua đời, thi hài của diễn viên huyền thoại người Anh Charlie Chaplin (1889-1977), nổi tiếng với công chúng yêu điện ảnh qua biệt danh “Vua hề Sác-lô” đã được an táng trọng thể tại một thị trấn ở phía tây Thụy Sĩ. Nhưng chưa đầy 3 tháng sau, quan tài của ông đã “không cánh mà bay”. Sự kiện động trời đã nhanh chóng lan truyền khắp thế giới, thúc giục giới chức nhanh chóng truy tìm, bắt giữ và trừng phạt thủ phạm đã mạo phạm thi hài nghệ sĩ huyền thoại.
Bia mộ danh hài Charlie và vợ ở thị trấn Corsier -sur- Vevey, Thụy Sĩ. Ảnh: jerre.com
Vụ việc xảy ra cách đây đúng 40 năm, vào đêm ngày 1 rạng sáng 2.3.1978 tại nghĩa trang thị trấn Corsier-sur-Vevey, ven bờ hồ Geneva, Thụy Sĩ. Đến sáng sớm người quản trang tình cờ phát hiện một ụ đất mới đắp phủ lên ngôi mộ trống, còn chiếc quan tài bên dưới đã "không cánh mà bay". Sự việc được cấp báo cho cảnh sát, các hướng điều tra nhanh chóng được tiến hành.
Cảnh sát Liên bang Thụy Sĩ cũng yêu cầu Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol), có trụ sở đặt tại thành phố Lyon (Pháp), phối hợp mở rộng truy lùng thủ phạm trên địa bàn các quốc gia lân cận.
Nhiều giả thuyết được đưa ra
Giả thuyết thứ nhất, vụ trộm được quy cho sự cuồng tín của người hâm mộ bộ môn nghệ thuật thứ 7 ở Anh, bởi “Vua hề Sác-lô” sinh ra ở London nên có thể họ muốn ông được chôn cất ở quê nhà.
Giả thuyết khác là sự trả đũa của các tổ chức tân phát xít, do Chaplin đạo diễn kiêm thủ vai chính trong bộ phim câm The Great Dictator (Nhà độc tài kệch cỡm), phát hành năm 1940 nhằm chế giễu trùm phát xít Đức Adolf Hitler.
Một cảnh trong phim The Great Dictator. Ảnh: MoMA
Cùng với 4 bộ phim khác cũng của “Vua hề Sác-lô”, The Great Dictator đã được bình chọn là một trong những bộ phim vĩ đại nhất mọi thời đại.
Giả thuyết khác là trào lưu bài xích dân Do Thái, hệ quả trực tiếp của tư tưởng Đức quốc xã thời bấy giờ, và Chaplin là người gốc Do Thái.
Chaplin cùng vợ và 6 người con. Ảnh: prabook.com
Vào nửa đêm ngày 1.3.1978, lợi dụng trời mưa chúng đã cùng nhau đào bới huyệt mộ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, khiêng quan tài lên xe tải nhỏ chở đi giấu trong một cánh đồng ngô gần làng Noville, bên kia bờ hồ Geneva, cách hiện trường khoảng 20km.
Sau 11 tuần ròng điều tra không ngừng nghỉ, cuối cùng sự thật đã được hé lộ. Cảnh sát đã bắt được 2 đối tượng là dân tị nạn đến từ Đông Âu; Roman Wardas 24 tuổi, người Ba Lan và Gantcho Ganev 38 tuổi, người Bun-ga-ri. Vượt biên thành công sang Thụy Sĩ, hai người tìm được việc trong một cơ sở sửa chữa động cơ xe hơi, rồi không may lâm vào cảnh thất nghiệp, túng bẫn.
Qua báo giới bọn chúng biết được, rằng sau khi qua đời “Vua hề Sác-lô” đã để lại cho người vợ thứ 4 Oona Chaplin (1925-1991), cùng 8 người con số tài sản khổng lồ trị giá tới 120 triệu bảng Anh. Bọn tội phạm liền lên kế hoạch đào trộm mộ để tống tiền gia đình ông.
Nửa đêm ngày 1.3.1978 lợi dụng trời mưa tầm tã, tầm nhìn bị che khuất, đường phố vắng vẻ, bọn chúng đã tiến hành đào bới huyệt mộ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, khiêng quan tài lên xe tải nhỏ chở đến giấu trong một cánh đồng ngô bên kia bờ hồ Geneva, cách đó khoảng 20 km.
Đến đầu tháng 5, gia đình Chaplin liên tiếp nhận được các cú điện thoại nặc danh, đòi 400.000 bảng Anh, tương đương 600.000 USD để chuộc lại thi hài người cha, người chồng quá cố. Theo hướng dẫn của cảnh sát, ban đầu bà quả phụ O. Chaplin nhất định không thỏa hiệp trả tiền chuộc. Sau một thời gian thương lượng, cuối cùng chúng chấp nhận giảm tiền chuộc xuống 250.000 bảng Anh, đồng thời cũng đe dọa lấy tính mạng 2 đứa con út của bà O. Chaplin nếu yêu cầu không được chấp thuận.
Trong thời gian này cảnh sát đã bí mật theo dõi tất cả 200 bốt điện thoại trong khu vực, rốt cục đã tìm được tung tích những kẻ thủ ác. Lúc 9h30 ngày 17.5, Wardas đã bị bắt giữ khi đang gọi điện thoại thông báo địa điểm giao nhận tiền với người vợ quá cố của Chaplin, tên còn lại cũng bị bắt giữ không lâu sau đó.
Nhưng thật không may khi 2 tên trộm mộ quên mất nơi chúng chôn giấu chiếc quan tài, do không thông thuộc địa hình, khiến cảnh sát phải mất thêm một khoảng thời gian nữa để xác định vị trí chính xác. Sau cùng, thi hài “Vua hề Sác-lô” đã được đưa trở lại an táng tại nghĩa trang.
Ngay sau đó, hai kẻ trộm vốn là những người nhập cư “vô công rồi nghề” đã viết thư xin lỗi gửi tới gia đình bà Oona Chaplin để tranh thủ sự khoan hồng.
Bà Oona đã viết lại ngắn gọn rằng: “Tất cả đều được tha thứ”.
Tháng 12 cùng năm, tòa án thành phố tuyên phạt kẻ chủ mưu Wardas 4 năm rưỡi biệt giam, kẻ đồng phạm Ganev 18 tháng tù.
Diễn xuất từ khi còn nhỏ cho đến 1 năm trước khi mất, Chaplin đã có một sự nghiệp kéo dài liên tục hơn 7 thập kỷ, ông đã có đóng góp to lớn cho kho tàng điện ảnh thế giới. Năm 1918 khi chưa đầy 30 tuổi, “Vua hề Sác-lô” đã được tạp chí Forbes của Mỹ vinh danh là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế giới. Những bộ phim hài của ông vẫn rất có sức ảnh hưởng cho đến ngày nay, khi được đông đảo công chúng đón nhận.
Ngoài danh hiệu “Vua hề” ra, C. Chaplin còn là đạo diễn, nhà sản xuất phim, biên kịch, biên tập viên và sáng tác nhạc phim chuyên nghiệp.
Sau khi ly dị 3 người vợ đầu, "Vua hề Sác-lô" cưới bà Oona O'Neill là con gái của nhà viết kịch nổi tiếng người Mỹ gốc Ireland Eugene O'Neill (1888-1953). Họ có với nhau 8 mặt con. Bà O. Chaplin qua đời vì ung thư tuyến tụy vào cuối tháng 9.1991, thọ 66 tuổi. Mộ của bà được chôn cạnh chồng trong nghĩa trang thị trấn Corsier-sur-Veve.