Hiện, xã Sín Chải có hơn 3.000 cây chè shan tuyết cổ thụ, đang được bà con đồng bào Mông ở đây bảo vệ và chăm sóc. Theo người dân xã Sín Chải, mùa đông ở vùng núi đá này có khí hậu rất khắc nghiệt khiến cây chè bị tuyết trắng bao phủ nhưng chúng vẫn chống chọi được và vươn mình đâm chồi nảy lộc vào mùa xuân.
Những rừng chè shan tuyết cành lá sum sê, cao cả chục mét, muốn hái được những búp chè tươi ngon về uống, bà con người Mông phải vác thang, đeo gùi trèo lên tận ngọn.
Những gốc chè shan tuyết có độ tuổi hàng trăm năm, thân cành trắng mốc, phủ đầy rêu phong tạo thành những hình thù uốn lượn xù xì phải cần từ 2 -3 người lớn ôm mới xuể.
Sở dĩ những cây chè ở đây được gọi là chè shan tuyết vì những búp chè sau khi thu hái, bên ngoài phủ một lớp lông tơ mịn màu trắng nên người dân gọi nó là chè tuyết.
Trò chuyện với chúng tôi, lão nông Hạng A Chứ, thôn Hấu Chua, xã Sín Chải, người đang sở hữu số lượng chè shan tuyết nhiều nhất ở Sín Chải, phấn khởi: Mấy năm trở lại đây, những cây chè này đã đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều hộ gia đình nên bà con gọi đó là những cái máy "in" tiền. Cây này sức sống rất khỏe, không cần phải bón phân, phun thuốc trừ sâu, cứ đến tháng 3 hàng năm là thu hái bán lấy tiền thôi. Đấy các anh xem, tất cả mọi thứ trong gia đình này từ cái ăn, cái mặc, nhà cửa… đều nhờ nó cả đấy (chè shan tuyết). Hàng năm, từ cây chè gia đình tôi thu 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí thuê nhân công lãi khoảng 250 triệu đồng.
Nhờ đem lại nguồn thu lớn cho người dân Sín Chải, nên ngoài bảo vệ và chăm sóc những cây chè cổ thụ, bà con còn tích cực mở rộng diện tích để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thào A Nhè – Bí thư Đảng ủy xã Sín Chải, cho biết: Bước đầu, cây chè shan tuyết đã giúp chúng tôi giải quyết được bài toán xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong những năm tới, cấp ủy, chính quyền xã sẽ tiếp tục định hướng bà con phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm để từng bước đưa cây chè trở thành cây chủ lực cho phát triển kinh tế ở cơ sở.