Tại Thới Bình - “thủ phủ” tôm càng xanh của tỉnh Cà Mau, nuôi tôm càng xanh tập trung nhiều ở các xã Tân Bằng, Biển Bạch, Biển Bạch Đông…Đây là thời điểm nông dân bước vào vụ thu hoạch rộ tôm càng xanh trên đất lúa.
Ông Nguyễn Hữu Cảnh (ấp Kênh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình) vừa thu hoạch 10 công (ha) tôm càng xanh nuôi trên đất lúa. Theo ông Cảnh, từ khoảng tháng 5 âm lịch, nông dân bắt đầu thả giống. Nuôi tôm càng xanh trên đất lúa không tốn nhiều công chăm sóc và chi phí. Chi phí lớn nhất là tiền con giống, khi thả xuống ruộng lúa thì tôm ăn thức ăn tự nhiên, nông dân có thể bổ sung thêm một ít thức ăn.
“Vụ tôm càng xanh năm nay tôi thu hoạch được khoảng 250kg, lãi khoảng 20 triệu đồng. Trước đó tôi cũng thu hoạch lúa, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 10 triệu đồng. Tổng thu nhập từ mô hình là khoảng 30 triệu đồng. Vụ tôm càng xanh Tết hằng năm đem lại thu nhập khá cho gia đình và nhiều nông dân tại địa phương” - ông Cảnh chia sẻ.
Giáp Tết, nông dân phấn khởi thu hoạch “con tôm ôm gốc lúa”. Ảnh: Chúc Ly.
Theo anh Trần Thanh Bảnh, cán bộ khuyến nông xã Tân Bằng, mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa có hiệu quả cao, lại dễ thực hiện và bền vững nên nông dân áp dụng nhiều. Trung bình mỗi vụ tôm càng xanh trên đất lúa khoảng 5-6 tháng, năng suất trung bình khoảng 150-200kg/ha.
Ông Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Thới Bình, thông tin: “Hiện nay mô hình nuôi tôm càng xanh trên đất lúa là mô bình bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu rất tốt. Năm nay, năng suất trung bình của tôm càng xanh trên đất lúa tại địa phương đạt 190kg/ha/vụ, cá biệt có hộ đạt 500-600kg. Hiện huyện có diện tích tôm càng xanh khoảng 16.500ha”.
Cũng theo ông Lâm, sau nhiều năm sản xuất mô hình, nông dân trong huyện ngày càng có thêm kinh nghiệm, nên hiệu quả ngày càng cao. Bà con hiểu rõ phải kết hợp với cây lúa thì tôm mới có năng suất cao và nhẹ chi phí.
“Hiện nay, ngoài tiêu thụ trong nước, khoảng 30-40% tôm càng xanh của huyện Thới Bình còn được bán sang Campuchia qua đường tiểu ngạch. Nhờ đó giá cả những ngày cận Tết, giá tôm khá ổn định, giúp nông dân phấn khởi” - ông Lâm thông tin thêm.
Dân Việt xin gửi đến bạn đọc hình ảnh nông dân phấn khởi thu hoạch “con tôm ôm gốc lúa” những ngày giáp Tết:
Thới Bình có diện tích tôm càng xanh lớn nhất tỉnh với khoảng 16.500ha. Ảnh: Chúc Ly.
Nông đân địa phương sử dụng phương pháp quậy bùn để thu hoạch tôm càng xanh. Sẽ có 2 cách quậy bùn, nếu diện tích ít thì một số người dùng tay quậy; còn với diện tích lớn nông dân dùng máy bơm để quậy bùn. Ảnh: Chúc Ly.
Khi nước đục, con tôm càng xanh sẽ nổi dạt vào bờ, người dân chỉ cần đi theo vớt tôm. Ảnh: Chúc Ly.
Ở những đoạn gần cuối ruộng, nông dân bố trí thêm lú bát quái để thu hoạch sạch tôm. Ảnh: Chúc Ly.
Tôm được vận chuyển ngay lên bờ để đưa vào nhà chạy oxi, nhằm giữ tôm còn sống. Ảnh: Chúc Ly.
Thương lái sẽ vào tận ruộng để mua tôm càng xanh nuôi trên đất lúa. Ảnh: Chúc Ly.
Sau đó nhanh chóng vận chuyển tôm đi tiêu thụ. Hiện nay ngoài thị trường trong nước, tôm càng xanh của huyện Thới Bình còn xuất qua Campuchia. Ảnh: Chúc Ly.
Những con tôm nhỏ được nông dân thả lại ruộng lúa cho vụ sau, hoặc bán cho người có nhu cầu mua về thả giống. Ảnh: Chúc Ly
Tôm càng xanh được thương lái thu mua với giá từ 100.000-120.000 đồng/kg tùy thời điểm. Ảnh: Chúc Ly.
Nhờ thu hoạch tôm càng xanh những ngày giáp Tết, nông dân có cái tết ấm no. Ảnh: Chúc Ly.