Dân Việt

Tết Việt có tội gì đâu?!

11/02/2013 08:26 GMT+7
Dân Việt - Đúng là Tết truyền thống còn kéo theo nhiều chuyện phiền lòng, ví dụ như rất sợ những bàn nhậu nhẹt cờ bạc, rất sợ kiểu quà cáp biếu xén tốn kém vụ lợi... Nhưng tại con người chứ có phải tại Tết đâu?!

Ngồi bên này nhìn báo Tết ở quê nhà, lòng tôi chộn rộn, xốn xang! Những giai phẩm (theo ý nguyện của người làm báo) năm ngoái phô bày hình rồng thì năm nay chuyển sang vẽ rắn! Rồng và rắn nhìn na ná nhau, đều uốn lượn giương oai! Chưa đọc nội dung nhưng nhìn thì xúc động! Vì những hình ảnh này báo hiệu Tết Việt. Thế mà có một giáo sư nào đó lại gợi ý Việt Nam nên chuyển sang đón Tết Tây như thế giới, bỏ hẳn Tết Ta cho đỡ lạc nhịp, lãng phí?!

img
Người Việt tại Rotselaar, Bỉ đón mừng năm mới. Ảnh: NVCC

Nếu bảo đón Tết theo lịch âm rồi ăn chơi hội hè lai rai cả tháng khiến cho nền kinh tế chậm phát triển cũng không hẳn! Hồi trước tôi còn làm báo ở Việt Nam, 29 Tết mới xong việc về quê sum họp đại gia đình, chiều tối Mùng 3 Tết đã xấp ngửa lên Hà Nội để Mùng 4 Tết còn làm số báo tân niên. Săn tin tức tối tăm mặt mũi, làm gì có chuyện ăn chơi lai rai!

Đúng là Tết truyền thống còn kéo theo nhiều hủ tục và những chuyện phiền lòng, ví dụ như rất sợ những bàn nhậu nhẹt cờ bạc thâu đêm suốt sáng rồi lè nhè mắng chửi nhau, đập vỡ bát đĩa, rất sợ những cuộc buôn chuyện dông dài chỉ để mổ xẻ phán xét đời tư người này người kia, rất sợ kiểu quà cáp biếu xén tốn kém vụ lợi... Nhưng tại con người chứ có phải tại Tết đâu?!

Tết là để sum họp, thuần trao gửi yêu thương và thỏa nỗi nhớ nhung. Tết là để thắp hương tưởng nhớ tổ tiên, Tết là để nghỉ ngơi xả stress nữa! Tết trong sáng là vậy! Và nói như một chị bạn của tôi, Tết Việt là Tết Ấm- sự ấm áp của tình yêu thương sum vầy quanh nồi bánh chưng và chảo mứt giữa cái giá lạnh se sắt mùa đông phương Bắc.

Sống ở bên này rồi tôi mới thấu hiểu một điều rằng, không phải cái gì theo Tây cũng là tân tiến, là kịp thời đại! Tết Dương lịch, chồng tôi được nghỉ một ngày rồi hôm sau dậy sớm đi làm. Có khác gì ngày cuối tuần đâu!

Nhưng cũng đừng vì thế mà nói bên này không nghỉ lễ nhiều. Có đấy! Một tờ báo tuần vẫn đều đặn xuất hiện trong hòm thư nhà tôi vào thứ Tư, giữa tháng Mười Hai vừa rồi cũng xin phép độc giả “cho chúng tôi ngủ đông hai tuần”, tức là nghỉ Giáng sinh và Tết Dương lịch 2013.

Rồi ngẫm ra làm giáo viên bên này thật sướng, nghỉ hẳn hai tháng hè (tháng Bảy và tháng Tám, nghỉ là nghỉ chứ không bắt học sinh đến trường ngoại khóa, học thêm linh tinh), tháng Mười nghỉ lễ một tuần, Tết nghỉ hai tuần, tháng Tư nghỉ tiếp hai tuần mừng Lễ Phục Sinh, chưa kể một vài ngày nghỉ lẻ tẻ trong các tháng khác.

Nếu không có chế độ một người đi làm đủ sức nuôi cả nhà thì con cái nghỉ học nhiều thế, ai trông cho? Đã có con nhỏ thì một người phải làm bán thời gian hoặc hi sinh sự nghiệp, ở nhà nội trợ. Thường là người vợ chọn cách này để toàn tâm toàn ý phục vụ con cái. Nếu cô vợ cũng đòi đi làm mà lương không cao thì thu nhập chẳng bù đắp nổi tiền gửi trẻ.

Đấy, ai bảo Tây không nghỉ lễ nhiều, quá nhiều là đằng khác. Chỉ có điều, họ nghỉ ra nghỉ, làm ra làm. Đối với nền kinh tế, đình công có khi không thiệt hại bằng lãng công!

Tết Việt có tội gì đâu!

Từ Rotselaar, Bỉ