Dân Việt

Cận Tết, gần trăm người lao động từ Thanh Hoá “kéo nhau” lên Hà Nội đòi lương

Trần Kháng 24/01/2019 15:26 GMT+7
Sáng ngày 23.1, hàng chục người lao động thuộc Công ty CP xây dựng Hancorp 2 (địa chỉ tại TP Thanh Hóa, Thanh Hoá) đã tập trung trước cổng trụ sở Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội – CTCP (Hancorp) số 57 Quang Trung (Hà Nội) yêu cầu trả tiền lương, phụ cấp…

Đại diện 92 người lao động Xí nghiệp gạch Đông Văn thuộc Công ty CP xây dựng Hancorp 2 (địa chỉ tại xã Quảng Thịnh, TP.Thanh Hóa) đã có đơn kêu cứu với nội dung: Hàng tháng chúng tôi trích nộp Bảo hiểm đầy đủ nhưng công ty đã chiếm dụng không nộp cho chúng tôi kể từ tháng 7.2012 đến nay; Tiền ốm, thai sản của người lao động không được chi trả; Tiền lương từ tháng 3.2018 đến nay công ty không trả; Xí nghiệp gạch Đông Văn đã ngừng hoạt động từ tháng 2.2018 cho đến nay không có khả năng khôi phục lại và công ty không có khả năng trả lương cho người lao động.

“Cuộc sống người lao động của xí nghiệp bị thất nghiệp rất lao đao, đặc biệt trong khi Tết Nguyên đán đang gần kề. Tôi thay mặt 92 công nhân kính mong Tổng công ty xem xét và chỉ đạo công ty tri trả tối thiểu 1 tháng lương tạm tính bằng 284 triệu đồng cho công nhân ăn Tết”, ông Lê Xuân Trường – Chủ tịch CĐ Xí nghiệp gạch Đông Văn cho biết. 

img

Người lao động tại Xí nghiệp gạch Đông Văn bắt xe từ Thanh Hoá lên trụ sở Hancorp tại Hà Nội để đòi lương ăn Tết. 

Liên quan đến phản ánh của người lao động, trao đổi với Dân Việt, ông Đậu Văn Diện Tổng giám đốc Hancorp cho biết, hôm qua (23.1), phía Tổng Công ty đã cho Hancorp 2 vay tiền để trả cho người lao động.

Trao đổi thêm với PV, ông Đào Xuân Hồng - Phó Tổng Giám đốc Hancorp, Tổng Giám đốc Hancorp 2 cho biết, công ty này đã thực hiện chi trả lương thưởng cho người lao động tại Xí nghiệp gần 300 triệu đồng. “Về tiền bảo hiểm phải đợi tỉnh làm”, ông Hồng nói. 

Trước đó, vào khoảng thời gian từ tháng 3-5.2018, người lao động Xí nghiệp gạch Đông Văn đã 3 lần ra Hà Nội để cầu cứu về tình trạng Công ty Hancorp 2 bị bảo hiểm xã hội chiếm dụng cũng như bị nợ lương nhiều tháng…

Được biết, Hancorp (thuộc Bộ Xây dựng), đơn vị từng thi công nhiều công trình “khủng” như: Bảo tàng Hồ Chí Minh, hội trường Ba Đình mới, khách sạn Daewoo, tháp Hà Nội, tòa nhà Keangnam, Royal City... từng bị bộ Tài chính cảnh báo nguy cơ mất vốn Nhà nước do đầu tư ngoài ngành kém hiệu quả. 

img

Hancorp vướng phải nhiều lùm xùm tại Ngoại giao đoàn. 

Trong số những công ty liên kết mà Hancorp rót vốn có công ty CP Xây dựng Hancorp 2 (Hancorp 2) đang có “sức khỏe” tài chính èo uột hơn cả. Hancorp 2 được cấp phép và đi vào hoạt động từ năm 2004, địa chỉ tại xã Quảng Thịnh, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa. Đây là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, kinh doanh bất động sản, khách sạn... có một văn phòng đại diện, một chi nhánh xây dựng đặt tại Hà Nội, còn lại trụ sở và 2 nhà máy sản xuất gạch tuynel đều hoạt động ở Thanh Hóa.

Hancorp 2 đã hoạt động không hiệu quả trong một thời gian dài. Đầu tháng 7.2017, hơn 100 công nhân công ty này đã đình công vì bị chậm lương 3 tháng và bị chậm đóng bảo hiểm từ 5 năm (từ năm 2012) mặc dù vẫn thu tiền bảo hiểm của người lao động.

Trở lại với Hancorp, cuối năm 2017, hàng trăm hộ dân mua căn hộ tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) vừa tiếp tục căng băng rôn phản đối. Lý do là chủ đầu tư - Tổng công ty Xây dựng Hà Nội thay đổi quy hoạch theo hướng chuyển lô đất đầu mối kỹ thuật (xây dựng trạm biến thế) sang đất xây bệnh viện tư nhân có tên gọi Bệnh viện Ung bướu Quốc tế Việt - Nhật xôn xao dư luận suốt thời gian dài.

Theo Báo cáo tài chính quý 3.2018 của Tổng công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), kết quả lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm này đạt gần 38 tỷ đồng. Con số này chỉ bằng một nửa so với con số 74 tỷ đồng mà Hancorp đạt được trong 9 tháng 2017.

Cụ thể, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.002 tỷ đồng, giảm 21,5% so với cùng kỳ 2017. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm 16%, từ 2.303 tỷ đồng xuống còn 1.929 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận gộp giảm mạnh 70% so với 9 tháng 2017, đạt 73 tỷ đồng. Về hoạt động tài chính, chênh lệch giữa doanh thu và chi phí hoạt động này 9 tháng 2018 đạt 18,4 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2017 con số này là âm 49 tỷ đồng. 

Sau khi trừ đi các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và cộng với lợi nhuận khác, Hancorp đạt 42,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế và 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.