Bỏ nghề đóng gạch thủ công, trồng nấm sạch
Người dân xã Nghĩa Hưng vốn có nghề truyền thống đào đất đóng gạch, đốt bằng lò thủ công. Vào lúc cao điểm, xã có gần 100 lò gạch ngày đêm xả bụi, khói khiến không khí luôn ngột ngạt vì ô nhiễm.
Anh Hiệp kiểm tra sự phát triển của các loại nấm trong trang trại. Ảnh: N.T
Ông Nguyễn Văn Khương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, huyện Lạng Giang đã hỗ trợ gia đình anh Hiệp 350 triệu đồng xây nhà xưởng và sẽ chỉ đạo các phòng, ban cấp chứng nhận VietGAP cho mô hình trồng nấm theo hướng ứng dụng công nghệ cao. |
Từ năm 2012, thực hiện chủ trương của Nhà nước về xóa bỏ lò vôi, lò gạch thủ công, nhiều gia đình trong xã chuyển mô hình kinh tế khác, đặc biệt là phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Như nhiều nông dân khác, anh Đồng Văn Hiệp cũng từ bỏ nghề đóng gạch và loay hoay tìm hướng đi mới. Cuối cùng, anh chọn mô hình trồng nấm sạch.
Anh Hiệp kể, sau khi bỏ nghề cũ, anh và nhiều hộ trong thôn được xã cho tham gia các lớp dạy nghề nông thôn do huyện tổ chức. “Chẳng biết duyên số thế nào tôi lại đăng ký học mô hình trồng nấm ăn, dù trong xã chưa ai từng trồng và cũng chẳng ai tham gia học. Càng học, tôi càng mê vì trước đây ăn cọng nấm rơm, hái cây mộc nhĩ đều trong tự nhiên. Nay mình có thể tự tay trồng thì hay quá. Đồng thời, nguyên, vật liệu trồng nấm cũng chẳng khó kiếm, mà lại rẻ” - anh Hiệp tâm sự.
Trở về nhà với vốn kiến thức, anh Hiệp bàn với gia đình gom vốn và vay mượn thêm bạn bè để biến khu lò gạch cũ thành 4 dãy nhà gần 1.000m2. Anh tận dụng rơm, rạ, mua mùn cưa để làm giá thể. Còn nấm giống, anh được huyện hỗ trợ.
Ngay từ lần đầu trồng 2.000 cây nấm sò và mộc nhĩ, anh Hiệp đã thành công và thu lãi gần 100 triệu đồng nhờ kết hợp lý thuyết vào thực tiễn sản xuất.
Khéo trồng, nấm có “mã” đẹp
Tuy bước đầu có thu nhập nhưng anh Hiệp vẫn băn khoăn vì năng suất nấm chưa cao, cây nhỏ và có “mã” không đẹp. Anh không ngại đi Quảng Ninh, lên Hòa Bình, Hà Nội để tìm hiểu. Cuối cùng, anh kết luận nguyên nhân do nấm thiếu chất dinh dưỡng, ngoài ra còn do nhiệt độ, ánh sáng chưa hợp lý.
Để khắc phục, anh Hiệp trộn thêm cám gạo, bột ngô, đỗ tương vào mùn cưa, rơm, rạ với tỷ lệ hợp lý, cân đối lại độ ẩm, sau đó, cho vào máy hấp, sấy để tiệt trùng và tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng cho nấm. Đặc biệt, anh cũng chú ý kiểm soát nhiệt độ. Nhờ đó, nấm mọc đều, sinh trưởng nhanh, cho cây to và đạt trọng lượng hơn trước rõ rệt.
Anh Hiệp đầu tư mua máy trộn mùn cưa, chất phụ trợ, lò hấp và máy đóng giá thể để sản xuất lớn. Anh tập trung sản xuất các loại nấm sò với giá bình quân 40.000 - 60.000 đồng/kg; mộc nhĩ giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg nấm khô...
Anh Hiệp cho biết, những ngày đầu, anh phải đến các nhà hàng, cửa hàng thực phẩm để tiếp thị tìm đầu ra. Nhưng chỉ sau vài vụ, nhiều thương lái đã tự tìm đến đặt hàng.
Ông Nguyễn Văn Khương - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hưng cho biết, để đẩy mạnh phát triển mô hình nấm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, năm 2017, huyện Lạng Giang đã hỗ trợ gia đình anh Hiệp 350 triệu đồng xây dựng nhà xưởng có hệ thống điều hòa nhiệt độ, giàn phun, tưới tự động... Huyện cũng xác định, nấm sạch Nghĩa Hưng là một trong những sản phẩm nằm trong chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Lạng Giang. Trước mắt, UBND huyện sẽ chỉ đạo các phòng, ban cấp chứng nhận VietGAP cho mô hình.