Trận đấu kết thúc rồi, nhưng vẫn khó chợp mắt quá. Có hai chữ "nếu" cứ lởn vởn trong đầu: Nếu Văn Toàn có cảm giác bóng tốt hơn một chút thôi... Và nếu vẫn còn một trung phong đúng nghĩa như Anh Đức ở AFF Suzuki Cup cách đây một tháng...
Khi người ta "nếu" là khi người ta "tiếc". Đấy là sự thực.
Công Phượng và đồng đội đã có một trận đấu rất hay trước Nhật Bản tại tứ kết Asian Cup 2019.
Nhưng còn một sự thật căn cơ này nữa: Đá với "người khổng lồ" Nhật Bản mà vẫn có thể tiếc thì có nghĩa chúng ta đã thực sự lớn hơn chính chúng ta rất, rất nhiều rồi. Còn nhớ trận cuối vòng bảng Asian Cup 2007 trên sân Mỹ Đình, Việt Nam thậm chí còn có bàn mở tỷ số vào lưới Nhật Bản, nhưng sau đó vỡ nặng 1-4. Vỡ trong trạng thái tâm phục khẩu phục, mà tuyệt đối không có chút kêu ca, phàn nàn, tiếc nuối gì.
Đêm nay, cách người Nhật chơi bóng vẫn khiến chúng ta phục. Nhưng bên cạnh việc phục họ, ta còn tiếc cho ta. Phục người, tiếc mình rồi sau đó là niềm tự hào có thật về mình - đại diện duy nhất của Đông Nam Á tại tứ kết Asian Cup năm nay, và sẽ không quá lời nếu bảo chúng ta sẽ là một trong những đội bóng "đáng yêu" nhất tại giải đấu này.
Cái cách mà chúng ta chơi bóng với "người khổng lồ" Nhật Bản toát lên những bài học quan trọng về việc một tập hợp con người nhỏ bé và yếu thế vẫn có thể "binh" sòng phẳng với những tập hợp lớn mạnh khủng khiếp hơn mình.
Muốn "binh" được như thế, chắc chắn phải có 2 vũ khí: Sự quả cảm về tinh thần và tính mưu trí trong chiến thuật. Quả cảm và mưu trí, đó là hai phẩm chất mà người ta có thể cảm nhận rõ nét từ đội tuyển Việt Nam đêm nay. Quả cảm và mưu trí, đấy cũng là hai phẩm chất mà khán giả trung lập có thể thấy rõ ở các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo, từ VCK U.23 châu Á, Asiad và bây giờ là VCK Asian Cup rất đáng nhớ này.
Một khi chúng ta quả cảm thì chắc chắn chúng ta không đớn hèn. Một khi chúng ta mưu trí thì chắc chắn chúng ta không bị động trước sức mạnh khủng khiếp của đối phương. Và một khi chúng ta vừa quả cảm vừa mưu trí thì chắc chắn chúng ta sẽ không bị đối phương coi thường.
Đặng Văn Lâm đã có những pha cứu thua xuất thần, làm nản lòng các chân sút Nhật Bản trong trận tứ kết Asian Cup 2019.
Những rung cảm mà các học trò của ông Park Hang-seo tạo nên trong liên tiếp các giải đấu lớn vừa qua không chỉ gói gọn ở phạm vi chuyên môn bóng đá. Những rung cảm ấy gợi ra những cách nhìn, những cách nghĩ, những cách tư duy cho sự tồn tại và phát triển của một dân tộc.
Dân tộc chúng ta nhỏ hay lớn?
Nếu xét ở các khía cạnh địa lý và dân số, lại đặt trong sự đối chiếu với những dân tộc ngay ở sát sườn mình, khách quan mà nói, chúng ta là dân tộc nhỏ. Nhưng cách mà tiền nhân của chúng ta chèo lái một dân tộc nhỏ thì vừa quả cảm, vừa mưu trí.
Chính nhờ quả cảm mà chúng ta không bị khuất phục trước bất cứ kẻ thù nào. Chính nhờ mưu trí mà chúng ta đã từng thực hiện những chính sách "ngoại vương - nội đế" một cách khéo léo, để có thể phát triển bên cạnh những dân tộc lớn vốn không bao giờ thực tâm muốn chúng ta phát triển.
ĐTVN tri ân người hâm mộ tại Asian Cup 2019.
Trong bối cảnh hôm nay, khi chủ nghĩa dân tộc đang có nhiều chiều hướng quay trở lại, thay thế chủ nghĩa đa phương thì bài học về sự quả cảm và mưu trí mà tiền nhân để lại càng có giá trị hơn bất cứ khi nào.
Hôm nay, chúng ta đã nhìn rõ bài học ấy trong bóng đá, từ đôi chân và khối óc của những con người thuộc một THẾ HỆ MỚI với một CÁCH TỒN TẠI MỚI trong dòng chảy một nền bóng đá vốn có không biết bao nhiêu căn bệnh, bao nhiêu góc tối.
Nhưng chúng ta mong muốn còn được tiếp tục nhìn rõ bài học ấy không chỉ trong phạm vi bóng đá, mà còn trong nhiều phạm vi khác của đời sống. Làm được như thế, chúng ta chắc chắn sẽ tìm ra một cửa để "lách" lên trong một cuộc chơi mà chúng ta thừa hiểu tính chất khốc liệt và bạo tàn của nó.
Quả cảm và mưu trí, đó là hai phẩm chất mà phải trải qua một quá trình tôi luyện bền bỉ mới may ra có được.
Quả cảm và mưu trí, đó là hai phẩm chất cần phải được bồi đắp từ thế hệ này đến thế hệ kia, và phải luôn được dẫn dắt bởi những thủ lĩnh có tầm vóc đích thực.
Khó! Khó lắm! Khó kinh khủng!
Nhưng nếu không giải được những bài toán khó thì xét cho cùng, chúng ta tồn tại để làm gì?