Tháng 8.1988, sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh-Nghệ An), tôi nhận quyết định vào công tác tại tỉnh An Giang theo diện tăng cường cho ngành giáo dục miền Tây Nam Bộ. Đây cũng là năm tôi đón một cái tết đầu tiên trong tình trạng xa nhà…
Năm ấy, sau khi được nghỉ tết, anh chị em đồng nghiệp người ở địa phương thì tíu tít về quê đón tết cùng gia đình; còn lại hai anh bạn đồng hương với tôi đều có người thân ở đây nên họ cũng đi ăn tết nơi khác. Chỉ còn lại mình tôi ở lại trong một ngôi trường cũ kỹ, xung quanh cây cối um tùm, lại có thêm nhiều ngôi mộ của người dân địa phương cũng nằm rải rác quanh trường nên không khí vốn đã vắng lặng lại càng vắng lặng hơn, vắng lặng đến…rợn người.
Đặc biệt, ngôi trường nơi tôi dạy học trong chiến tranh biên giới Tây-Nam từng là trạm quân y tiền phương của một đơn vị bộ đội ta, nơi tiếp nhận thương binh, liệt sĩ đưa từ chiến trường biên giới về lại càng làm cho không gian khu vực trường trở nên vắng lặng và bí hiểm hơn…
Căn phòng tôi ở vốn là một phòng học được trưng dụng làm phòng nghỉ cho giáo viên. Đó là một căn phòng có cửa chính; một phía tường có cánh cửa sổ nhưng không có khung cửa, còn một vách có khung nhưng không có cánh cửa; bên ngoài sân là những cây xoái có tán lá um tùm, những cây me tây (người địa phương gọi là cây Còng) to cả mấy người ôm uy nghi làm cho không gian trở nên u tối hơn, bí hiểm hơn.
Thêm vào đó, lúc bấy giờ chưa có điện lưới, chúng tôi phải sử dụng đèn dầu thắp sáng mỗi khi đêm xuống. Ánh sáng của chiến đèn dầu ấy chỉ là ánh sáng leo lét, lập lòe khi có gió thổi qua, không đủ sáng căn phòng, càng tăng thêm vẻ u ám của không gian…
Một mình ở trong một căn phòng như vậy, dù rất bình tĩnh nhưng đôi khi tôi vẫn phải nín thở bởi…sợ. Đặc biệt, ở trong căn phòng đó, tôi càng nhớ về tết quê mình nhiều. Giờ này, ở quê, mọi người đã chuẩn bị xong mọi thứ cho tết, còn mình thì….
Ngoài một thùng bánh do Hội Cha mẹ học sinh tặng và 70.000 đồng của tỉnh hỗ trợ, tôi chẳng biết làm gì để đón tết vì ngày đi dạy chúng tôi ăn cơm tập thể, bây giờ cấp dưỡng nghỉ tết, tôi phải tự mình lo bữa ăn cho mình nên không thiết tha gì việc chuẩn bị tết cả. Tất nhiên, để có không khí tết, tôi cũng ra chợ mua mấy nén nhang, bày biện thùng bánh lên bàn để thắp hương tưởng nhớ về tổ tiên ông bà.
Chiều 30 tết, pháo nổ đì đùng đâu đó càng làm tôi nôn nao nhớ nhà hơn. Để giải buồn, tôi chỉ biết lấy mấy cuốn sách truyện ra đọc. Nhưng tay cầm sách, mắt nhìn chữ mà đầu óc cứ để ở đâu đâu. Càng về gần giao thừa, pháo nổ rộn ràng hơn, tôi lại thấy buồn, thấy tủi, thấy nhớ nhà hơn. Nếu như được ở nhà, giờ này tôi đang cùng cha mẹ, chị em chuẩn bị đón tết….
Đang miên man nghĩ ngợi, tôi chợt nghe có tiếng người ở ngoài sân. Lúc đầu tôi cũng thấy sợ bởi nơi đây vốn là trạm quân y thời chiến tranh biên giới. Chẳng lẽ linh hồn những người đã khuất trò chuyện với nhau hay sao? Nghĩ tới đó tôi lại thấy lạnh ở sống lưng.
Nhưng tiếng trò chuyện mỗi lúc một rõ hơn, có cả tiếng nam và tiếng nữ. Một lát sau có tiếng gõ vào cánh cửa. Tôi vặn to ngọn đèn và hỏi thì ngoài kia vang lên tiếng cười. Hóa ra đó là mấy em học sinh lớp 11 tôi đang dạy. Tôi vội mở cửa ra. Các em ùa vào, có em cầm trên tay mấy cành hoa Mai, còn em khác có hai đòn bánh tét.
Phương Linh, thay mặt nhóm nói: “Thầy ơi, tụi em tới chúc thầy năm mới mạnh khỏe, thành công trong sự nghiệp. Tụi em gửi thầy mấy cành hoa Mai và đòn bánh tét để thầy ăn lấy thảo”.
Nghe các em nói, tôi rất xúc động. Đêm 30 tết đang tĩnh mịch bây giờ trở nên rộn rã hơn bởi tiếng nói cười của mấy thầy trò. Ngọn đèn dầu cũng như sáng hơn rất nhiều, soi rõ từng khuôn mặt thân yêu của các em.
Tới gần giao thừa, các em xin phép tôi ra về để cùng gia đình đón giao thừa. Tôi tiễn các em ra đến ngoài sân rồi trở vào tìm một cái bình để cắm mấy cành Mai, lấy một cái dĩa bày hai đòn bánh tét rồi đặt tất cả lên bàn làm việc của mình. Đúng lúc đó, tiếng pháo rộ lên khắp nơi, giao thừa đã đến. Một năm mới đã bắt đầu. Tôi vội vàng đốt hương. Mùi hương ở miền Tây Nam Bộ tuy không có mùi thơm giống như hương trầm quê tôi nhưng đêm nay tôi thấy rất thơm, một mùi thơm mang nét đặc biệt của vùng sông nước Cửu Long.
Nhìn cành hoa Mai đang nở những bông hoa năm cánh dưới ánh sáng của chiếc đèn dầu, bất chợt tôi thấy lòng mình thêm ấm. Nhìn ra ngoài, trời như sáng hơn bởi ánh chớp lóe lên từ những dây pháo đại của các gia đình ở gần trường đốt đón mừng năm mới. Không gian trở nên rộn ràng hơn, không khí trở nên ấm áp hơn…
Đã 25 năm trôi qua, đã 25 cái tết xa quê, và cũng gần 20 năm tôi rời ngôi trường cũ chuyển đến một địa phương khác cách xa hàng trăm cây số. Nhưng cái tết đầu tiên năm ấy đối với tôi là một kỷ niệm không bao giờ quên được. Hình ảnh cành hoa Mai và đòn bánh tét năm ấy vẫn còn mãi trong ký ức của tôi. Đó chính là tình cảm rất chân thành, mộc mạc mà các em đã dành cho tôi.
Mỗi lúc xuân về, tôi lại nhớ tới cành hoa Mai, đòn bánh tét năm đó. Bây giờ, các em đã trưởng thành, tôi cũng đã bước sang tuổi ngũ thập tri thiên mệnh. Tết bây giờ, dù vẫn còn đón tết xa quê, nhưng tôi đã được đón tết cùng những người thân trong gia đình nhỏ của mình với có đủ hoa Mai, bánh tét, bánh kẹo đủ loại. Dù vậy, hình ảnh cành hoa Mai, đòn bánh tét của các em ngày xưa vẫn còn đó. Một kỷ niệm mãi mãi không bao giờ phai trong ký ức tôi…
Xin cảm ơn các em thật nhiều.
Cao Xuân Lương
THPT Hoàng Diệu-Sóc Trăng
ĐT: 0903040105