Dân Việt

Nông dân làm giàu nhờ nuôi dê từ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân

Hải Hà 02/02/2019 14:30 GMT+7
Tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ cho nông dân vay vốn, phối hợp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật... là những hoạt động mà Hội ND huyện Long Phú (Sóc Trăng) luôn chú tâm thực hiện từ nhiều năm nay. Qua đó, hội đã giúp nhiều nông dân khởi nghiệp, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình.

Từ hộ nghèo vươn lên hộ khá giả

Nhờ biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật, ông Đặng Văn Sang ở xã Long Đứ (Long Phú) làm giàu với 4ha trồng nhãn. Nếu như nhiều hộ khác phải cưa bỏ những gốc nhãn lâu năm đang cho trái vì bệnh chổi rồng thì ông Sang vận dụng kinh nghiệm trong trồng trọt và những kiến thức có được từ các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội ND huyện Long Phú phối hợp tổ chức để phòng ngừa và xử lý loại bệnh khó trị này.

img

Vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân đã giúp ông Ông Văn Chiến ở thị trấn Long Phú (Long Phú) theo đuổi nghề mua bán dê, vươn lên khá giả.  Ảnh: H.H

Từ thành công này, ông Sang thường chia sẻ những kinh nghiệm trong làm vườn cho nhiều bà con nông dân ở địa phương. Ông Sang cho biết: “Khoảng 3 năm trở lại đây, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nên năng suất nhãn 1 năm đạt khoảng 30 tấn, tăng gần gấp đôi so với nhiều năm trước”.

Hiện nay, ông Sang là một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện Long Phú, khi lợi nhuận từ việc trồng nhãn giúp ông mỗi năm có được khoảng 250 triệu đồng, chưa kể thêm thu nhập từ việc trồng các loại rau màu xen canh trong vườn nhãn.

Được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND đã tiếp sức cho tôi tiếp tục với nghề và đầu tư mua con giống để phát triển đàn dê”.

Ông Ông Văn Chiến

Cũng thuộc vào “top” những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, huyện nhiều năm liền, ông Ông Văn Chiến ở thị trấn Long Phú được nhiều người biết đến khi lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng. Từ những ngày đi làm thuê mà ông cùng vợ tích cóp vốn và đầu tư vào nghề mua bán dê.

“Trong nhiều năm mua bán dê, tôi cũng gặp không ít khó khăn khi thị trường biến động, cần nguồn vốn xoay xở. Thời điểm đó, được vay 20 triệu đồng từ Quỹ HTND đã tiếp sức cho tôi tiếp tục với nghề và đầu tư mua con giống để phát triển đàn dê” – ông Chiến kể. Với lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng/năm, ông Chiến được xem là điển hình tiêu biểu vươn lên thoát nghèo…

Nhân rộng điển hình

Những điển hình trên là kết quả nổi bật mà Hội ND huyện Long Phú đạt được trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Bằng nhiều giải pháp hỗ trợ của Hội ND huyện Long Phú và ý chí vươn lên của các hộ nông dân.

Long Phú đã xuất hiện ngày càng nhiều gương điển hình trong sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong năm 2018, toàn huyện có 16 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, cấp tỉnh là 245 hộ và cấp huyện là 1.206 hộ. Qua phong trào đã thu hút đông đảo các hộ nông dân tham gia, tạo cho người nông dân có ý chí vươn lên làm giàu, chịu khó học hỏi, tìm tòi ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tác động trực tiếp và có chuyển biến tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh đó, Hội ND huyện Long Phú còn chủ động liên kết với các ngành, đơn vị để giúp hội viên mở rộng sản xuất, kinh doanh và từng bước vươn lên trong cuộc sống.

Bà Dương Thị Hồng Diễm - Chủ tịch Hội ND huyện Long Phú cho biết, trong năm 2018, Hội ND huyện đã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được hơn 2,6 tỉ đồng, đến nay dư nợ hơn 64 tỷ đồng, với 3.228 hộ tham gia vay vốn ủy thác.

Vốn Quỹ HTND cũng được Hội ND các cấp huyện Long Phú đầu tư đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực cho nông dân. Ngoài ra, Hội ND huyện và hội cơ sở phối hợp Phòng NNPTNT mở được 26 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi; đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn, như: trồng bắp, giảm lượng giống gieo sạ, luân canh cây trồng trên đất lúa…

Bà Dương Thị Hồng Diễm cho biết thêm, trong thời gian tới, Hội ND huyện sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến, tiêu thụ nông sản theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp.