Dân Việt

Muôn nẻo trở về với mảnh đất hình chữ S

Trà Li 09/02/2019 06:00 GMT+7
Những tưởng Việt kiều về nước không còn là chuyện mới mẻ… Song thực sự, với mỗi Việt kiều, đặc biệt là thế hệ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, hành trình hồi hương của mỗi người đều là những trải nghiệm đầy thú vị, đưa lại cảm xúc không chỉ cho bản thân họ mà cho rất nhiều người…

Những Việt kiều “cũ” nặng lòng về khoa học, y tế…

Trong cộng đồng Việt kiều, có lẽ cái tên Bùi Kim Hải không còn xa lạ. Bà là một bác sĩ người Bỉ gốc Việt có những đóng góp vô cùng quan trọng cho sự phát triển trong lĩnh vực y tế của nước nhà.

Từ năm 1989, bác sĩ Bùi Kim Hải đã thường xuyên có những chuyến trở về Việt Nam trong vai trò là đại diện cho một số tổ chức từ thiện ở nước ngoài để giúp đỡ người nghèo. Bà đã vận động ngành y tế Bỉ đầu tư cho nhiều chương trình tập trung vào chăm sóc, nâng cao sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam. Cụ thể như chương trình cung cấp trang thiết bị cho Bệnh viện Thái Nguyên, chương trình cấy ghép thận trị giá 300.000 Euro với hơn 50 bệnh nhân được điều trị, hay chương trình cấy ốc tai cho trẻ khiếm thính. 

img

   Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ  bà con Việt kiều tại Canada, tháng 6.2018. ảnh: Thống Nhất

Bác sĩ Bùi Kim Hải còn cống hiến không hề nhỏ trong việc tạo ra đội ngũ bác sĩ gia đình chuyên nghiệp khi bà đã kêu gọi thành công sự giúp đỡ của Bộ Hợp tác Phát triển Bỉ. Sau đó, cơ quan này đã đồng ý tài trợ cho một chương trình đào tạo cho các bác sĩ gia đình Việt Nam từ năm 2008-2012 với ngân sách 100.000 Euro/năm. Cuối năm 2008, bác sĩ Hải còn thành lập Quỹ Cứu trợ toàn cầu của Phật giáo và Quỹ Sức khoẻ toàn cầu Hoa Kỳ để giúp đỡ người nghèo ở Việt Nam.

Mang theo ước mơ sinh viên đi học không phải đóng học phí trở về Việt Nam, Giáo sư Dương Nguyên Vũ - cố vấn khoa học cấp cao kiêm Chủ nhiệm Hội đồng Khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu không lưu châu Âu (Eurocontrol) đã quyết định thành lập Viện John von Neumann, Đại học Quốc gia TP.HCM.

Từ chỗ duy trì chật vật bằng nguồn vốn eo hẹp, nay Viện John von Neumann đã thực sự trở thành môi trường khoa học chuyên nghiệp, nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ cấp thiết, xây dựng các chương trình đào tạo sau đại học chuẩn quốc tế. Phần lớn sinh viên của viện được tạo điều kiện để có học bổng miễn giảm học phí và có năng lực nghiên cứu những đề tài khoa học cấp quốc gia. 

Luôn hướng về quê hương

Bên cạnh bác sĩ Bùi Kim Hải, một cái tên Việt kiều khác của thế hệ cũ cũng được nhiều người biết đến, đó là họa sĩ người Mỹ gốc Việt Nguyễn Đại Giang. Có mặt tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng (TP.Đà Nẵng) vào dịp giữa tháng 11.2018, người xem như được đắm chìm trong thế giới ảo giác lộn ngược của triển lãm “Nghệ thuật đảo ngược - Upsidedownism” của vị họa sĩ tài ba này.

img

  Giáo sư Dương Nguyên Vũ (trái) trò chuyện cùng anh em, bạn bè trong buổi họp mặt kiều bào xuân Canh Dần tổ chức tại TP.HCM. ảnh: Vũ Lê

Sinh năm 1944 tại Hà Nội, hiện họa sĩ Đại Giang cư trú tại Mỹ. Ông có cả bằng cử nhân nghệ thuật tại Liên Xô cũ và Đại học Washington ở Seattle, Mỹ. Ông được công nhận là nhà phát minh của nghệ thuật Upside-Down Art và nhận về vô số danh hiệu cùng giải thưởng danh giá khác. Với thành công của mình trên con đường nghệ thuật mà ông đã bắt đầu khi mới 7 tuổi, họa sĩ Đại Giang từng là chủ đề của nhiều bài viết trên các tạp chí chuyên nghiệp và được liệt kê trong các ấn phẩm tiểu sử quốc gia và quốc tế.

Thành danh và định cư lâu năm ở nước ngoài, nhưng tâm tư, tình cảm của họa sĩ Đại Giang vẫn luôn hướng về quê hương Việt Nam. Ông luôn muốn mang những tác phẩm để đời của mình về quê hương để truyền cảm hứng cho những người yêu nghệ thuật. Vị họa sĩ già từng nhấn mạnh: “Tranh của tôi là sự tiếp nối truyền thống của Việt Nam, một truyền thống rất nhân văn. Tất cả cũng vì tình yêu quê hương. Đam mê, cống hiến của bản thân tôi không có gì ngoài mục đích đưa bản sắc văn hóa Việt đến gần hơn với bạn bè thế giới”.

Cũng trong lĩnh vực nghệ thuật nhưng ở mảng phim ảnh, những cái tên Việt kiều đã thực sự để lại những đóng góp không hề nhỏ cho điện ảnh nước nhà, đưa nền điện ảnh Việt Nam đến gần hơn với bạn bè quốc tế, điển hình như đạo diễn Lưu Huỳnh. Là một người Mỹ gốc Việt và được biết đến là thế hệ đạo diễn Việt kiều đầu tiên, đạo diễn Lưu Huỳnh không chạy theo xu thế thị trường mà chọn hướng làm phim đậm tính nghệ thuật, mang dấu ấn cá nhân như phim “Áo lụa Hà Đông” (2006) - giành giải Khán giả bình chọn tại Liên hoan phim quốc tế Busan và 5 giải Cánh diều năm 2006; phim “Huyền thoại bất tử” - giành 6 giải thưởng Cánh diều vàng; phim “Lấy chồng người ta” từng tham dự Liên hoan phim quốc tế Toronto 2012...

Khát vọng từ thế hệ Việt kiều trẻ

Sau khi tốt nghiệp ngành toán học và Khoa học thống kê tại Đại học California (UCLA), tham gia thành lập 3 công 

Ông Lương Thanh Nghị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, năm 2018, cả nước có gần 3.000 doanh nghiệp của kiều bào với số vốn khoảng 4 tỷ USD. Mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước đóng góp chuyên môn, tham gia các chương trình hợp tác, nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo ở trong nước.

ty hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý tài chính, doanh nhân Việt kiều John Le - top 40 doanh nhân thành đạt dưới 40 tuổi tại Mỹ - quyết định trở về Việt Nam khởi nghiệp. Năm 2015, anh đưa mô hình công nghệ bất động sản Propzy về Việt Nam với mong muốn đem đến sự minh bạch trong thông tin thị trường nhà đất ở TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.

Chia sẻ về lợi ích mà dự án của mình mang về quê hương, anh John Le cho biết: “Điều tích cực nhất tôi có thể tự hào là thông qua dự án này, khách hàng giao dịch bất động sản có thể chạm đến được những chuẩn mực an toàn, được bảo vệ và được tiếp cận thông tin xác thực nhất”.

Là thế hệ thứ ba trong một gia đình người Việt ở Mỹ, anh Trần Hùng John (sinh năm 1989) đã đưa ra một quyết định được cho là “điên rồ” và bị gia đình kịch liệt phản đối khi từ bỏ công việc có mức lương tương đương 200 triệu đồng/tháng tại Mỹ để về Việt Nam lăn lộn với đủ nghề kiếm sống như viết báo, làm quản lý nhà hàng, truyền thông...

Trước đó, vào năm 2010, khi đang học ngành tâm lý tại Đại học Berkeley, anh Hùng John lần đầu tiên được trở về Việt Nam. Sau đó, chuyến đi bộ xuyên Việt được thực hiện và cuốn “John đi tìm Hùng” ra đời với 7 lần tái bản. Từ đó, anh quyết định ở lại Việt Nam để có thể chủ động tham gia và đóng góp nhiều hơn cho quê nhà. Hiện tại, anh Hùng John sống ở Hà Nội và làm tới 3 công việc cùng lúc. Tuy nhiên, với anh, đó vẫn chưa bao giờ là điểm dừng. Anh cho hay, điều mong muốn của mình trong tương lai sẽ thành lập một trung tâm tư vấn tâm lý cho trẻ tuổi vị thành niên. 

Cũng thuộc thế hệ Việt kiều trẻ sinh ra và lớn lên tại nước ngoài, vì muốn thử tìm kiếm cơ hội mới, nhà sản xuất Jenni Trang Lê (SN 1980) đã nhận lời mời làm việc ở hãng phim Chánh Phương trong vòng một năm. Tuy nhiên, cô không thể ngờ rằng một năm đó đã thay đổi sự nghiệp của cô và cô quyết định gắn bó với mảnh đất quê hương. Tại Việt Nam, nhà sản xuất Jenni là cái tên đứng sau hàng loạt “bom tấn” Việt gây ấn tượng như Cô dâu đại chiến, Bẫy Rồng, Để Mai Tính hay phim Em chưa 18 xô đổ hàng loạt kỷ lục phòng vé.

Jenni Trang Lê từng chia sẻ: “Nhiều người bạn Việt kiều của tôi ở Mỹ hầu như không biết nhiều về tình hình Việt Nam. Họ chỉ thỉnh thoảng biết khi xem qua phim ảnh. Do vậy trở về Việt Nam để làm phim cũng là cách để tôi nói cho họ biết quê hương đã phát triển và thay đổi như thế nào”.

Lĩnh vực thể thao cũng là lĩnh vực thu hút nhiều Việt Kiều trẻ, đặc biệt là sau thành công của U23 và Đội tuyển Việt Nam trong năm 2018 ở các giải đấu U23 Châu Á, AFF Cup..., trong đó có cái tên nổi bật là thủ thành Đặng Văn Lâm – chàng trai sinh ra và lớn lên ở Nga (bố là người Việt). Có thể kể đến trường hợp Martin Lò (sinh năm 1997) - sinh ra và lớn lên tại Australia, sở hữu bản hợp đồng chuyên nghiệp đáng mơ ước tại Australia, nhưng lại quyết trở về Việt Nam. Anh chia sẻ anh muốn được thi đấu trong không khí cổ vũ tuyệt vời và được khoác lên mình chiếc áo đội tuyển quốc gia để cống hiến cho bóng đá quê hương.

Một chàng trai trẻ khác cũng nuôi ước mơ được trở về quê hương Việt Nam, thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia là Andrey Hungovich Nguyen. Chàng trai 20 tuổi sinh ra ở Nga, có bố là người Việt, mẹ là người Nga đã làm quen với trái bóng tròn từ năm lên 6 và từng lọt vào danh sách được theo dõi của liên đoàn bóng đá Nga RFS.

Năm 2015, Andrey từng về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội gia nhập một CLB nào đó nhưng mọi chuyện chưa  như mong muốn và Anh quay lại Nga. Tuy nhiên, thông tin về chiến thắng của đội tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2018 vừa qua một lần nữa thôi thúc Andrey trở về Việt Nam để tìm kiếm cơ hội cống hiến tại V.League cũng như khoác áo đội tuyển quốc gia như đàn anh Đặng Văn Lâm.