Dân Việt

Cho gà ở chuồng lạnh, lớn nhanh lại đẻ sòn sòn, lãi 2 tỷ đồng/năm

Hoàng Huyền 26/01/2019 19:30 GMT+7
Từ khi áp dụng mô hình chăn nuôi gà trong phòng lạnh khép kín, trang trại gà đẻ thương phẩm của ông Hoàng Ngọc Đoàn (50 tuổi, ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá, Đông Anh, Hà Nội) tiết kiệm được hơn 100 triệu đồng chi phí/tháng và thu lãi 2 tỷ đồng/năm.

Bén duyên với mô hình chăn nuôi hiện đại

Xuất phát từ một hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, qua tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm của nhiều trang trại, năm 2011, ông Hoàng Ngọc Đoàn quyết định đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà trong chuồng lạnh khép kín trên diện tích 1,1ha đất đấu thầu.

Sau 8 năm phát triển, đến nay trang trại của ông nuôi tới 40.000 con gà đẻ trứng, 10.000 con gà dự bị, cung cấp cho thị trường khoảng 34.000 quả trứng mỗi ngày.

img

Ông Hoàng Ngọc Đoàn đang kiểm tra tình trạng của đàn gà. Ảnh: Hoàng Huyền

Công nghệ nuôi chuồng lạnh khép kín có thể giúp người nuôi chủ động kiểm soát, ngăn chặn tối đa mầm bệnh và các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, trứng gà thu được to, sạch và bán được giá cao hơn so với nuôi chuồng hở. Nhiều năm qua, trang trại của ông Hoàng Ngọc Đoàn luôn có tỷ lệ hao hụt thấp so với các mô hình chăn nuôi khác.

Nhớ lại những ngày đầu, ông Đoàn chia sẻ: "Đàn gà đầu tiên khiến vợ chồng tôi khốn đốn. Bao nhiêu vốn liếng dành dụm được cùng với vay thêm ngân hàng, tôi dồn hết vào đàn gà, nhưng do chủ quan trong quy trình vệ sinh và sát trùng chuồng trại nên đàn gà chết gần hết vì dịch bệnh.

Vì vậy, tôi đã phải đi rất nhiều các trang trại khác nhau ở Hà Nội, Thái Nguyên để học hỏi kinh nghiệm, vùng với đó là giám sát thật chặt quy trình chăn nuôi, nhờ đó mới hạn chế được rủi ro ở những lứa sau. Chăn nuôi là ngành có rất nhiều rủi ro, nếu không vì say nghề thì tôi cũng đã bỏ chuồng, bỏ trại lâu rồi".

Đi tham quan những dãy chuồng nuôi được xây dựng khá quy mô, khang trang và hiện đại, chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Mỗi chuồng nuôi có diện tích 1.000m2, được xây dựng kiên cố và thiết kế hiện đại với số vốn đầu tư lên tới 1,2 tỷ đồng.

Bên trong được lắp đặt đầy đủ đèn chiếu sáng, quạt thông gió, giàn mát giúp điều hòa nhiệt độ và giảm lượng khí độc lưu thông trong chuồng. Cùng với đó là hệ thống máng nước và máy cho ăn tự động, giúp giảm chi phí nhân công.

img

Công nhân đang thu hoạch trứng gà trong trang trại. Ảnh: Hoàng Huyền

"Mô hình này tuy đầu tư chi phí khá lớn nhưng lại rất bền vững, có thể yên tâm sản xuất lâu dài. Khi nuôi trong chuồng lạnh khép kín, gà lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ đẻ lại cao, trứng to và sạch hơn so với nuôi trong chuồng hở. Đặc biệt là tiết kiệm được chi phí thuốc men và nhân công do hệ thống cho ăn và uống nước đều tự động. Chất lượng của sản phẩm cũng đáp ứng được nhu cầu thị trường, nhờ đó thu được hiệu quả cao" – ông Đoàn cho hay.

Cái khó... ló cái mới

Theo ông Đoàn, để quả trứng đảm bảo an toàn khi xuất ra thị trường, không chỉ cần đầu tư khu chuồng trại chăn nuôi hiện đại mà khâu chọn lựa thức ăn cho đàn gà cũng đặc biệt quan trọng.

Vài năm trước, khi những vụ việc về sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi liên tục bị phát hiện khiến người tiêu dùng hoang mang, chăn nuôi cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn, ông Đoàn đã quyết tâm học hỏi, tham khảo công thức phối trộn của các chuyên gia đầu ngành và dần chuyển hẳn sang tự chế biến thức ăn chăn nuôi cho chính đàn gà của trang trại.

img

Nuôi trong chuồng lạnh khép kín, gà lớn nhanh, ít dịch bệnh, tỷ lệ đẻ lại cao, trứng to và sạch hơn so với nuôi trong chuồng hở. Ảnh: Hoàng Huyền

Ông Đoàn cho hay: "Tự chế biến thức ăn chăn nuôi giúp mình chủ động trong việc điều chỉnh hàm lượng các thành phần có trong cám cho phù hợp với đàn gà ở từng giai đoạn và có thể kiểm soát chất lượng nguyên liệu. Vậy nên tôi có thể hoàn toàn yên tâm và tự tin khẳng định chất lượng của sản phẩm khi xuất ra thị trường".

Hiện tại, trang trại của ông Đoàn đang có 1 máy nghiền cám và 1 máy trộn với công suất 0,5 tấn/mẻ cám. Ông Đoàn cho biết: "Đàn gà của trang trại hiện tiêu thụ hết 5,5 tấn cám mỗi ngày. Việc tự chế biến thức ăn như hiện nay sẽ tiết kiệm hơn so với việc nhập cám của các công ty là 870 đồng/kg. Như vậy, mỗi ngày chúng tôi có thể giảm được gần 5 triệu đồng chi phí đầu vào".

Mô hình nuôi gà trong chuồng lạnh không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình ông Đoàn mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động. Hiện, trang trại của ông có 9 công nhân chuyên làm nhiệm vụ nhặt trứng, vệ sinh máng ăn, quét dọn chuồng nuôi và chế biến thức ăn cho đàn gà. Phân chuồng cũng không phải dọn dẹp thường xuyên trong quá trình nuôi vì trang trại sử dụng men vi sinh tự phân hủy và không gây mùi hôi, đảm bảo vệ sinh môi trường.

img

Mỗi ngày trang trại của ông Đoàn cung cấp cho thị trường khoảng 34.000 quả trứng. Ảnh: Hoàng Huyền

Nhờ việc áp dụng công nghệ tiên tiến, tuân thủ quy trình chăn nuôi vệ sinh nghiêm ngặt mà trang trại của ông Đoàn đã nhận được giấy chứng nhận VietGAP do Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội cấp. Chính vì vậy, 34.000 quả trứng thương phẩm mỗi ngày trang trại xuất ra đều được thương lái đến thu mua liên tục, chủ yếu cung cấp cho các nhà hàng, trường học, siêu thị, bếp ăn công nghiệp trên địa bàn Hà Nội...

Với 40.000 con gà đẻ thương phẩm như hiện nay, sau khi trừ hết chi phí, mỗi năm trang trại của gia đình ông Đoàn thu lãi gần 2 tỷ đồng.

Chia sẻ về bí quyết nuôi gà, ông Đoàn nói: "Muốn đàn gà nuôi luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh thì phải theo dõi thật sát sao trong quá trình nuôi. Nhiệt độ trong chuồng phải luôn giữ ở mức 28-30 độ C khi mùa hè và 20-22 độ C vào mùa đông để đàn gà phát triển ổn định. Đặc biệt là phải hạn chế người ngoài trại ra vào chuồng nuôi, rải vôi và phun thuốc sát trùng đều đặn để hạn chế tối đa dịch bệnh".