Một cây ATM của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank), trên đường Phạm Văn Hai (Q.Tân Bình) bị "đứng hình" dịp sát tết (Ảnh: Quốc Hải)
Để chủ động ứng phó với tình hình “không giao dịch được”, “máy đang bảo trì”… cả phía các ngân hàng lẫn người dân đã tự lên phương án thích ứng tốt nhất để khỏi rơi vào tình trạng phát khóc vì ATM “đứng hình” dịp tết.
Ngân hàng tự tin “không có nghẽn”
Là tỉnh có nhiều khu công nghiệp, vấn đề “kẹt tiền”, “chết máy” ATM dịp Tết luôn là mối lo lắng của người dân Đồng Nai. Tuy nhiên, ông Nguyễn Huy Trinh, Giám đốc Agribank Đồng Nai khẳng định, nhiều năm nay, Agribank Đồng Nai chưa bao giờ để xảy ra tình trạng hết tiền tại các trụ ATM trên địa bàn.
Theo ông Trinh: “Thứ nhất, trong dịp tết chúng tôi luôn tổ chức một bộ phận cán bộ thường trực để sẵn sàng ứng khó với những tình huống có thể xảy ra; thứ 2 là chúng tôi có kết nối tất cả các máy ATM với bộ phận điều hành nên khi máy chuẩn bị hết tiền sẽ báo về trung tâm điều hành và bộ phận quản lý, khi đó chúng tôi sẽ chỉ đạo nhân viên trực luôn sẵn sàng có các hộp tiền dự phòng để thay thế kịp thời với những cây ATM hết tiền”.
Trong khi đó tại TP.HCM, bà Trần Tiểu Bình, Giám đốc Truyền thông Sacombank, khẳng định, tại các cây ATM của Sacombank mấy năm nay không xảy ra tình trạng “không giao dịch được” hay “máy đang bảo trì”… vì hết tiền dịp tết. Bà cho biết có nhiều nguyên nhân, thứ nhất là Sacombank có tiền mới, tiền nhiều và không để tiền bị thiếu; hơn nữa mạng lưới ATM cũng được Sacombank, đầu tư rất nhiều nên người dân có thể rút được tiền ở nhiều địa điểm trong TP. Đặc biệt, một điểm mới vượt trội của Sacombank là khách hàng có thể rút tiền bằng QR. Nghĩa là dù người dân có quên thẻ ở nhà nhưng nếu có xài ứng dụng Sacombank Pay trên điện thoại thì có thể rút tiền.
“Sacombank là ngân hàng đầu tiên tại Việt Nam hỗ trợ khách hàng rút tiền mặt bằng mã QR tại ATM một cách nhanh chóng và an toàn bảo mật mà không cần sử dụng thẻ nhựa. Khách hàng có thể dùng chức năng rút tiền nhanh bằng QR trong ứng dụng để rút tiền tại bất cứ điểm ATM nào của Sacombank”, bà Bình khẳng định.
Cảnh công nhân, người dân chen chúc nhau chờ rút tiền tại một cây ATM của Vietcombank ở quận Tân Bình tối 25.1 (Ảnh: Quốc Hải)
Còn tại HDBank, lãnh đạo ngân hàng này tự tin cho biết, như hàng năm, HDBank luôn chú trọng công tác chuẩn bị sớm để ứng phó với tình trạng kẹt tiền ở ATM dịp tết; đồng thời tăng cường kiểm tra kỹ thuật bảo đảm tất cả các máy hoạt động tốt, hạn chế tối đa sự cố kỹ thuật và nâng hạn mức tiếp quỹ nhằm đảm bảo lượng tiền trong máy phục vụ cho nhu cầu người dân trong dịp tết, tổ chức tiếp quỹ thường trực bảo đảm không để ATM hết tiền hoặc thiếu tiền.
“Đối với khu vực chi lương dành cho đối tượng là công nhân các khu công nghiệp, HDBank nâng hạn mức rút tiền mặt trong những ngày cao điểm, phối hợp với các doanh nghiệp bố trí việc cung ứng tiền theo lịch chi lương/thưởng, tăng cường phương tiện rút tiền khác như tại quầy, POS, tổ chức quầy tại xí nghiệp để phục vụ tại chỗ cho công nhân lãnh lương/thưởng. HDBank cũng thông báo các địa điểm thuận tiện có thể rút tiền nhằm giảm bớt quá tải cục bộ do lượng công nhân dồn về một vài địa điểm, tăng cường đội ngũ trực ngay tại chỗ hỗ trợ xử lý những sự cố về rút tiền nhanh chóng để bảo đảm không có trường hợp công nhân rút tiền không được và không lãnh được lương/thưởng do sự cố giao dịch”, bà Bùi Thị Mai, đại diện truyền thông HDBank, thông tin.
Một loạt các ngân hàng khác như DongA Bank, NamA Bank, OCB, SaigonBank… cũng cho biết đã chủ động xây dựng kế hoạch tiếp quỹ cho ATM, bố trí tổ tiếp quỹ dự phòng. Ngoài ra, một số ngân hàng cũng chủ động phối hợp với các doanh nghiệp xác định thời điểm chi trả lương, thưởng để phục vụ tốt nhất; bảo trì và thay thiết bị cho các ATM trước đợt chi lương, thưởng Tết; trang bị phần mềm giám sát an ninh giao dịch trên ATM, nhằm phát hiện kịp thời những giao dịch bất thường…
Người dân chủ động hơn
Mặc dù các ngân hàng đã khẳng định sẽ cung ứng đủ tiền, đảm bảo hệ thống ATM không “đứng hình” dịp tết, tuy nhiên, đa số người dân TP.HCM và công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất tại TP.HCM cho biết sẽ chủ động các phương án ứng phó với tình trạng ATM “bảo trì” dịp sát tết.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Trâm (Q.Tân Bình) cho biết, cách nay mấy hôm, chị có ra ATM của Ngân hàng Agribank trên đường Phạm Văn Hai rút vài triệu đồng để gửi về quê biếu ba mẹ nhưng cột ATM này báo đang bảo trì, chạy vòng vòng kiếm trụ ATM của Agribank khác nhưng không tìm được, cuối cùng phải vào ATM của Ngân hàng ACB rút với mức phí cao hơn… “Kinh nghiệm mấy năm trước, cứ thời điểm sát tết thì tôi rút ra khoảng chục triệu đồng để chi trả tiền chợ, lì xì cho sắp nhỏ, còn lại thì tôi thanh toán qua thẻ hết, kể cả đi ăn uống ở tiệm hay đi siêu thị thì cũng thanh toán qua thẻ cho tiện lợi và an toàn chứ cầm tiền mặt cũng không tiện”, chị Trâm, bộc bạch.
Cũng từng có kinh nghiệm “xương máu” những năm trước vì không rút được tiền khi cần, chị Trần Ngọc Phương Anh (Q.Gò Vấp), cho biết: “Năm nay tôi cũng chủ động rút trước một ít tiền tiêu dùng cho dịp tết, còn lại thì thanh toán tiền qua ví điện tử hoặc qua thẻ tín dụng, Internet banking cho tiện lợi, đỡ phải cầm nhiều tiền mặt. Chứ mấy năm trước cứ ỷ y trong ví có thẻ ATM, đi đâu mà chẳng rút được tiền, ai dè lúc cần thì cột ATM bảo trì hoặc người ta chen chúc đông quá nên không kịp rút tiền”.
Nói về thói quen này của người dân, phó Giám đốc một ngân hàng thương mại tại TP.HCM chia sẻ, dù ngân hàng đã cố hết sức để tránh tình trạng kẹt tiền, hết tiền ở các trụ ATM nhưng do dịp sát tết, nhu cầu rút tiền mặt của người dân đông, cùng với tình trạng kẹt tắc đường nên nhiều khi việc lắp thùng tiền bổ sung không kịp thời khiến người dân bức xúc. Hơn nữa, với hầu hết người dân, ATM được coi là… “ví tiền di động” nên việc sử dụng tiền mặt để thanh toán mọi chi phí hằng ngày không chỉ gây khó khăn cho những người sử dụng vào dịp cao điểm, mà còn khiến chi phí in ấn, kiểm đếm, vận chuyển, lưu kho… của ngân hàng tăng lên rất lớn…
“Chúng tôi đang cố gắng nâng cao dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật… để khuyến khích người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt. Phương án này không chỉ giúp đẩy nhanh mục tiêu của Chính Phủ là tiến tới xã hội không dùng tiền mặt, kiểm soát tốt dòng tiền… mà còn giúp người dân sử dụng tốt nhiều dịch vụ tiện ích của thẻ ATM hơn nữa”, phó Giám đốc ngân hàng này, nêu quan điểm.