Dân Việt

Các cường quốc xuất khẩu gạo châu Á cạnh tranh trong “cuộc đua” mới

Anh Thơ 28/01/2019 15:06 GMT+7
Ngay trong tháng đầu của năm 2019, thị trường xuất khẩu gạo đã vô cùng sôi động với sự tham gia của 166 doanh nghiệp Philippines sau chính sách gỡ bỏ hạn ngạch nhập khẩu gạo của nước này. Áp lực cạnh tranh đang lớn dần khi châu Á đang trong cuộc đua xuất khẩu gạo giữa nhiều cường quốc.

Sôi động ngay từ đầu năm

Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT), lượng gạo xuất khẩu năm 2018 ước đạt 6,1 triệu tấn, trị giá 3,04 tỷ USD, tăng 4% về khối lượng và tăng 15,3% về giá trị so với năm 2017.

Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 23,7% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,31 triệu tấn và 670,3 triệu USD, giảm 42,9% về khối lượng và giảm 34,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trong khi đó, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Indonesia (gấp 61,6 lần), Iraq (tăng 94%), Philippines (tăng 56,4%) và Hongkong (tăng 46,1%).

img

Năm 2019, áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu gạo ngày càng lớn. Ảnh: I.T

Điều đáng ghi nhận là gạo trắng, gạo chất lượng cao đang ngày càng chiếm ưu thế. Theo đó, trong 11 tháng đầu năm 2018, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 50% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5%.

Báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cũng cho thấy, nhu cầu nhập khẩu gạo trong quý I.2019 tăng nhẹ tại các thị trường truyền thống như Phillipines, Indonesia do hai nước này vừa bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Bên cạnh đó, sau khi Phillipines gỡ bỏ chính sách hạn chế nhập khẩu, đã có 166 công ty Phillipines nộp đơn xin mua 1 triệu tấn gạo, trong đó có nhiều đơn hàng gạo Việt Nam.

Theo chính sách mới của Phillipines, tất cả gạo nhập khẩu sẽ được đánh thuế ở mức 35% nếu có nguồn gốc từ ASEAN và 50% với các nước ngoài ASEAN.

Bà Chu Diễm Hằng - Trưởng phòng Trung tâm Thông tin (Bộ NNPTNT) cho rằng, đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tiếp tục tìm kiếm cơ hội ở thị trường truyền thống.

Tăng áp lực cạnh tranh

Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Philippines “cởi trói” chính sách nhập khẩu gạo với sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp có thể giúp việc xuất khẩu gạo dễ dàng hơn nhưng Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu gạo khác trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan. Đó là chưa kể, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc - thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch.

Có thể thấy, châu Á đang trong một cuộc đua xuất khẩu gạo đang ngày càng khốc liệt khi giờ đây Việt Nam, Thái Lan không còn ở vị trí độc tôn, những nhân tố mới nổi của thị trường như Ấn Độ, Campuchia, Myanmar đang có những bước đi bài bản với tham vọng đẩy mạnh xuất khẩu để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Đơn cử như Thái Lan, sau hơn 3 thập kỷ đứng trên “ngôi vương” với danh hiệu nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cũng đang phải đau đầu khi sản lượng xuất khẩu giảm sâu. Báo cáo của Bộ Thương mại Thái Lan cho thấy, xuất khẩu gạo của nước này đã giảm xuống còn 11 triệu tấn trong năm 2018 (năm 2017 con số này là 11,6 triệu tấn), dự báo năm 2019, sản lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan chỉ còn khoảng 9 triệu tấn.

Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu gạo của Campuchia tăng dần qua từng năm, từ 378.856 tấn năm 2013 tăng lên 635.679 tấn vào năm 2017; 11 tháng đầu năm 2018 đã được 497.240 tấn. Điều đặc biệt, tại cuộc thi gạo lần thứ 10 diễn ra tại Hà Nội, gạo thơm Campuchia đã đoạt giải nhất gạo ngon nhất thế giới năm 2018.

Ở Ấn Độ, hai tháng trước chính phủ công bố trợ cấp gạo 5% cho xuất khẩu gạo không phải basmati loại phổ biến (gạo basmati là loại gạo dài đặc trưng của Ấn Độ và Pakistan). Chương trình này hết hạn vào cuối tháng 3, là một nỗ lực để mở rộng xuất khẩu gạo và cắt giảm hàng tồn kho bằng cách làm cho giá gạo Ấn Độ cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Gạo của Myanmar cũng đã vươn tới 61 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Từ thực tế trên cho thấy, những nước có truyền thống xuất khẩu gạo như Thái Lan, Việt Nam không thể không “để mắt” đến những nhân tố mới nổi trên thị trường.

Theo ông Trần Công Thắng - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, năm 2019, thị trường sẽ vẫn chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Những thay đổi về chính sách nhập khẩu của Trung Quốc như siết chặt nhập khẩu qua đường biên mậu và áp thuế nhập khẩu gạo nếp lên 40 - 50%; tăng cường quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, sẽ tác động đến xuất khẩu gạo nói chung và gạo nếp nói riêng của Việt Nam sang thị trường này.

Đồng quan điểm, bà Chu Diễm Hằng cho hay, nhu cầu nhập khẩu gạo của Trung Quốc, thị trường truyền thống của Việt Nam, có thể có nhiều áp lực lớn do Trung Quốc thay đổi chính sách quản lý biên mậu, tăng cường nhập khẩu chính ngạch. Đồng thời, việc tăng cường đầu tư sản xuất gạo tại các nước trong khu vực như Campuchia, Myanmar và Thái Lan cũng có thể khiến hoạt động xuất khẩu gạo thêm khó khăn.