Gang thép Thái Nguyên lần đầu báo lỗ do SCIC thoái vốn?
Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO), mã chứng khoán: TIS, mới đây đã công bố kết quả kinh doanh Công ty CP Gang thép Thái Nguyên quý IV.2018.
Gang thép Thái Nguyên vẫn phải gánh khoản nợ xấu lên tới 651 tỷ đồng. (Ảnh minh họa)
Theo đó, doanh thu của Gang thép Thái Nguyên đạt 2.601 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kì năm 2017. Lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng trưởng 16% với 102 tỷ đồng. Tuy nhiên, kỳ này chi phí tài chính tăng 24% cộng với chi phí quản lý tăng gấp 2 lần đã khiến lợi nhuận thuần của Gang thép Thái Nguyên âm hơn 24 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2017 ghi nhận lợi nhuận thuần 630 triệu đồng.
Khoản lợi nhuận khác hơn 3 tỷ đồng chỉ giúp mức lỗ của Gang thép Thái Nguyên giảm xuống còn 19 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ doanh nghiệp ghi nhận mức lãi 18,96 tỷ đồng, gần tương đương con số này. Như vậy, sau 13 quý làm ăn có lãi, Gang thép Thái Nguyên đã báo lỗ.
Cả năm 2018, Gang thép Thái Nguyên đạt doanh thu thuần 10.935 tỷ đồng, tăng 12% so năm 2017. Song do giá vốn hàng bán chiếm tới hơn 95% doanh thu nên lợi nhuận thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ còn hơn 533 tỷ đồng. Sau khi trừ khoản chi phí lãi vay phải trả, lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau sau thuế đều giảm mạnh. Gang thép Thái Nguyên chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 28,1 tỷ đồng, giảm 71% so với năm 2017, đồng thời tương ứng18% kế hoạch năm 2018.
Tổng nguồn vốn của Gang thép Thái Nguyên tính tới ngày 31.12.2018 đạt mức 10.577,6 tỷ đồng, tăng hơn 500 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ phải trả chiếm tới hơn 80%, ở mức 8.707 tỷ đồng. Hai khoản vay nợ và thuê tài chính ngắn, dài hạn của Gang thép Thái Nguyên chiếm tới hơn 50% số nợ phải trả của doanh nghiệp, lần lượt là 2.914 tỷ đồng và 2.803 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Gang Thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang tồn tại nhiều vướng mắc. (Ảnh minh họa)
Dù không giải trình cụ thể các khoản vay nợ và thuê tài chính của mình tính tới 31.12.2018, song báo cáo Tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2018 của Gang thép Thái Nguyên cho thấy, VietinBank là chủ nợ lớn nhất tại doanh nghiệp.
Theo đó, VietinBank cho Gang thép Thái Nguyên vay dài hạn 72,1 triệu USD (tương đương gần 1.660 tỉ đồng) và 219 tỉ đồng. Đây là khoản vay phái sinh từ năm 2010 với mục đích vay vốn để thực hiện dự án mở rộng sản xuất giai đoạn hai. Thêm vào đó, Ngân hàng VietinBank, Chi nhánh Lưu Xá đang có khoản cho vay ngắn hạn gần 700 tỉ đồng với kì hạn 5 tháng để phục vụ sản xuất.
Hoạt động kinh doanh đi xuống, Gang thép Thái Nguyên vẫn phải gánh khoản nợ xấu lên tới 651 tỷ đồng, trong đó giá trị có thể thu hồi chỉ khoảng 393 tỷ đồng. Riêng khoản nợ gần 252 tỷ đồng của Công ty TNHH TM và DL Trung Dũng đứng trước nguy cơ không thể thu hồi.
Theo lãnh đạo Gang thép Thái Nguyên, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đi xuống do giá nguyên vật liệu chính đầu vào tăng từ 14 - 26% so với cùng kỳ năm trước, sản lượng tiêu thụ thép giảm 6,82%, còn doanh thu tài chính giảm do SCIC thoái vốn.
4.300 lao động Gang thép Thái Nguyên đối mặt nguy cơ mất Tết
Ngày 11.1 vừa qua, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 do Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP tổ chức, đại diện của Gang thép Thái Nguyên chia sẻ, đối với giai đoạn 2 của Gang thép Thái Nguyên, dù VNSteel nỗ lực rất lớn nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn do chưa đàm phán được với nhà thầu MCC của Trung Quốc.
Toàn cảnh Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và triển khai công tác năm 2019 do Tổng Công ty Thép Việt Nam – CTCP tổ chức
Vấn đề bảo lãnh ngân hàng cũng chưa xử lí được mặc dù Tổng Công ty đã làm rất nhiều lần làm việc với Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công Thương Việt Nam (VietinBank), bởi hiện nay ngân hàng này cũng đang cơ cấu lại hoạt động. Tệ hơn, Gang thép Thái Nguyên lâm vào cảnh các ngân hàng không cho vay vốn và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Những khó khăn về nguồn vốn của doanh nghiệp đang tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Để giải quyết những khó khăn này, Gang thép Thái Nguyên đang có những đề xuất hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Vấn đề bảo lãnh ngân hàng cũng chưa xử lí được mặc dù Tổng Công ty đã làm rất nhiều lần làm việc với Ngân hàng Cổ phần Thương mại Công Thương Việt Nam (VietinBank), bởi hiện nay ngân hàng này cũng đang cơ cấu lại hoạt động. Tệ hơn, TISCO lâm vào cảnh các ngân hàng không cho vay vốn và phải chờ ý kiến của Ngân hàng Nhà nước.
Ông Hoàng Ngọc Diệp, Tổng Giám đốc TISCO chia sẻ: "Chính phủ không rót thêm tiền vào dự án, khiến doanh nghiệp rất vất vả. Doanh nghiệp vừa phải duy trì sản xuất để vay tín dụng vừa phải chờ cơ hội phát triển giai đoạn hai, trong khi việc thoái vốn khó khăn".
Còn ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) khẳng định: "Nếu TISCO không thể tiếp cận vốn thì chắc chắn ra Tết, TISCO sẽ phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến hơn 4.300 nhân công của công ty. Chúng tôi đã viết thư lên Ngân hàng Nhà nước để cầu cứu dự án. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi vẫn đang tiếp tục làm việc với ngân hàng mà vẫn chưa có con đường thật sự sáng sủa cho dự án này".