Dân Việt

Ngưỡng mộ: “Vua máy bơm” xuất thân từ... thợ sửa xe đạp

Minh Huệ 03/02/2019 06:40 GMT+7
Nguyễn Tăng Cường hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, nhưng ông được nhiều người biết đến với biệt danh “vua” cẩu, “vua” máy bơm khủng. Ông cũng là doanh nhân trẻ nhất của Ninh Bình được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Ít ai ngờ, ông khởi nghiệp từ một người thợ sửa xe đạp.

Khởi nghiệp từ sửa xe

Ông Nguyễn Tăng Cường sinh ra và lớn lên tại Hoa Lư, Ninh Bình. Năm 1986, rời quân ngũ, ông Cường khởi nghiệp với nghề sửa chữa xe đạp, xe máy… Quá trình làm nghề, với trí tò mò và cả sự sáng tạo, ông đã “mổ xẻ” hàng trăm chiếc xe các loại, thay thế các linh kiện cũ nát, cải tiến các chức năng để chúng “hồi sinh”. Chẳng mấy chốc, tay nghề của ông đã nổi tiếng khắp giới “mổ xe” ở Ninh Bình.

Nhận thấy nghề cơ khí ngày càng phát triển, thị trường rộng mở, năm 1992, ông Cường quyết định thành lập Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung với 9 thành viên và tập trung lĩnh vực luyện kim, đúc, sản xuất các loại thép chịu nhiệt, chịu mòn, chịu a xít... Hàng loạt sản phẩm của xí nghiệp đã được ứng dụng trong các nhà máy xi măng, hóa chất, với giá chỉ bằng 50 - 60% so với hàng nhập ngoại.

img

 Chân dung “vua máy bơm” Nguyễn Tăng Cường. ảnh Minh Huệ

Ai có thể ngờ, người thợ sửa xe đạp, xe máy năm nào lại “cả gan” nghiên cứu, sản xuất cả các thiết bị nâng hạ có 

Năm 2000 ông Nguyễn Tăng Cường được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã 3 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động và lớn mạnh, trở thành Công ty CP Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung, đứng số 1 Việt Nam về chế tạo các loại cần cẩu cỡ lớn.

tải trọng  10 -80 tấn phục vụ ngành đóng tàu. Tiếp đó, các thiết bị nâng hạ tải trọng lớn từ 100 - 1.200 tấn lần lượt ra đời, phục vụ hiệu quả cho nhiều lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là thủy điện.

Năm 2010, Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung đã trở thành một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn của Ninh Bình với gần 1.500 lao động. Và ông Nguyễn Tăng Cường lại khiến nhiều người giật mình khi tuyên bố 30 ngày có thể thi công xong 30 cây cầu treo.

Ông Cường cho biết, tháng 5.2014, Bộ GTVT đã phê duyệt Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh trên phạm vi 28 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.

Bộ GTVT đặt ra mục tiêu khá gấp: Trong 9 tháng phải xây dựng xong 186 cầu treo này. Nhận thấy doanh nghiệp của mình có đủ năng lực với những kiến trúc sư, kỹ sư được đào tạo bài bản, sở hữu nhiều máy móc công nghệ hiện đại bậc nhất, ông Cường tự tin mình có thể thực hiện đề án này.

Sau khi xem xét năng lực của nhiều doanh nghiệp, Bộ GTVT đã “chọn mặt gửi vàng”, giao dự án 186 cầu trên cho Cơ khí Quang Trung làm Tổng thầu khảo sát, thiết kế và thi công. Để triển khai dự án, Bộ GTVT yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Quang Trung nhanh chóng thiết kế điển hình các mẫu cầu treo điển hình khổ từ 30m, 40m, 50m đến 200m để Bộ phê duyệt.

Ông Nguyễn Tăng Cường cho biết, chỉ sau 1 tháng, đội ngũ kỹ sư của công ty đã hoàn thiện toàn bộ các mẫu thiết kế điển hình, trình Bộ GTVT phê duyệt. Và cũng trong 1 tháng đó, với đội ngũ công nhân hùng hậu và áp dụng công nghệ “đúc cầu treo trong nhà máy”, ông Cường đã chỉ đạo cán bộ, kỹ sư thi công xong 30 chiếc cầu treo! Ông được bà con các tỉnh miền núi gọi thân mật  “vua cần cẩu” từ đấy…

“Đại gia”đi chống ngập

Bây giờ, ông Cường đã trở thành một “đại gia” với số vốn trong tay lên tới hàng nghìn tỷ đồng, thế nhưng ông không chơi siêu xe, không tậu máy bay riêng mà vẫn luôn sống giản dị, hết mình với tình yêu chế tạo cơ khí. Gần đây, chuyện ông khiến nhiều người nghi ngờ, xì xào nhất là tuyên bố chống ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh (TP.HCM) với cam kết "không hết ngập, không lấy tiền".

img

 Siêu máy bơm của Công ty CP Tập đoàn cơ khí Quang Trung. Ảnh: I.T

Nhiều người cho rằng ông "chém gió" cho vui, dự án thế nào cũng thất bại bởi đặc thù của TP.HCM là thường xuyên ngập bởi triều cường, cộng với vấn nạn rác thải, kẹt xe, chưa kể thành phố đã có nhiều cụm máy bơm hoạt động không hiệu quả. Trước rất nhiều e ngại, ông Cường vẫn quyết tâm làm cho kỳ được công trình này và thực tế là trong năm 2018 vừa qua, hệ thống siêu máy bơm do ông xây dựng đã có hơn 20 lần hút nước thành công.

Ông Cường và đội kỹ sư nghiên cứu ra một loại bơm đặc chủng riêng cho TP.HCM. “Hệ thống cống của thành phố bé, tốc độ nước chảy chậm, tôi dùng bơm ly tâm để làm cho chảy nhanh, gấp 2 lần đã tốt, gấp chục lần thì quá tốt, đặc biệt là hút và lọc được cả rác” - ông Cường nói. Đường Nguyễn Hữu Cảnh đã ngập hơn chục năm nay. Ở đây cũng có một máy bơm của Trung tâm chống ngập, nhưng mất từ 7-15 giờ mới hút hết nước ngập. “Hệ thống của tôi chỉ hút chưa tới 15 phút đã cứu ngập cho toàn bộ khu vực 75ha này” - ông Cường tự tin.

“Bỏ ra gần 88 tỷ đồng để làm máy bơm chống ngập cho TP.HCM, mục đích chính không phải vì tiền mà tôi chỉ muốn khẳng định một giải pháp chống ngập hiệu quả, đem lại lợi ích cho người dân” – ông Cường nói.