Những ngày cuối năm, chúng tôi đã tìm về ấp Vĩnh Hiệp, xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) để tìm hiểu về đặc sản bưởi Tân Triều mà nông dân xứ này đã tạo hình thành công.
Tại xứ bưởi Tân Triều, ông Ngô Văn Sơn (49 tuổi, thường gọi là Út Sơn) - một nông dân được coi là “ông trùm” của làng bưởi vì đang sở hữu một vườn bưởi hồ lô có in chữ độc đáo - cho biết, dịp Tết Kỷ Hợi 2019 này, ông dự kiến đưa ra thị trường khoảng 500 trái bưởi hồ lô, in nổi chữ “Tài Lộc” các loại.
Ông Út Sơn, người đã có kinh nghiệm nhiều năm tạo hình bưởi hồ lô, in nổi chữ Tài Lộc để cung ứng cho thị trường Tết. Ảnh: V.D
Vườn bưởi của gia đình ông Sơn có diện tích khoảng 2ha, cả vườn có 500 trái bưởi hình hồ lô có in nổi chữ “phúc, tài, lộc” với giá 1,6 triệu đồng/cặp, 5 triệu đồng/cặp 3 quả và cặp 4 quả giá lên tới 12 triệu đồng.
Theo ông Sơn, gia đình ông trồng bưởi ở cù lao Tân Triều này đã được mấy chục năm qua, nhưng làm bưởi hồ lô thì chỉ mới gần 10 năm trở lại đây. Mỗi năm, ông Sơn tạo hình được hàng trăm trái bưởi hồ lô nhưng đến thời điểm giáp Tết này đều bị “cháy” hàng do lượng khách ở các nơi tìm mua quá nhiều.
“Tui làm bưởi hồ lô in hình chữ “tài lộc” đã 7 năm nay, mặc dù mỗi năm ép, tạo hình thành công khoảng 500 trái nhưng vẫn không đủ hàng cung cấp cho thương lái ở TP. HCM, Bình Dương và miền Bắc”, ông Sơn nói.
Những quả bưởi được người nông dân tạo hình độc đáo, in nổi chữ trên vỏ bưởi. Ảnh: V.D
Chia sẻ về khó khăn trong việc tạo ra những trái bưởi hồ in hình độc đáo, ông Sơn cho biết, để có sản phẩm phục vụ vào dịp Tết, ông phải tạo hình từ tháng 8 âm lịch. Thời điểm đó, những trái bưởi to bằng quả trứng vịt sẽ được thắt dây ở giữa quả để tạo eo hồ lô. Sau đó tạo hình cho bưởi và cho khuôn vào rồi bắt đầu chỉnh sửa trái bưởi trong quá trình tạo hình.
Quá trình bắt đầu từ công đoạn chọn trái cho đến khi thu hoạch kéo dài 5 tháng, trong suốt thời gian này, người trồng bưởi phải thường xuyên chăm sóc kỹ lưỡng. Nếu lúc gắn khuôn tạo hình cho bưởi mà gặp gió đung đưa trái quá nhiều thì hình dạng trái bưởi sẽ không đẹp, buộc nhà vườn phải cắt bỏ. Ngoài ra, người trồng cũng phải luôn canh phòng cẩn thận không để sâu, ong và kiến tấn công vào trái bưởi gây hư hỏng.
Ngoài hình hồ lô, nhiều quả bưởi được người nông dân tạo hình thỏi vàng có chữ "Tài, Lộc". Ảnh: V.D
Đến thời điểm thu hoạch, mỗi chùm bưởi 3 trái có in chữ “phát – tài – lộc” được thương lái đến tận vườn mua với giá 6 triệu đồng. Còn chùm 4 trái với dòng chữ “phát tài – phát lộc” được bán với giá 12 triệu đồng/cặp.
Riêng với cặp bưởi đồng sanh có in chữ “tài – lộc” hoặc “phát – tài”, thương lái sẵn sàng thu mua tại vườn với giá 2,5 triệu đồng/cặp.
Bưởi hồ lô Tân Triều được nông dân làng bưởi trứ danh sản xuất theo phương thức lồng khuôn nhựa hình hồ lô trên trái bưởi đường lá cam. Đây là loại trái cây có hương vị đặc biệt, cũng là đặc sản nổi tiếng của tỉnh Đồng Nai.
“Cách đây vài tháng, có nhiều doanh nghiệp đến tận vườn để đặt mua chùm bưởi 4 trái có in chữ “phát tài – phát lộc” với giá hàng chục triệu đồng/cặp nhưng tôi không có bưởi để bán, vì công đoạn để tạo ra được chùm bưởi 4 trái này là vô cùng khó khăn”, ông Sơn chia sẻ.
Mỗi cặp bưởi có chữ "Tài, Lộc" được bán với giá hàng triệu đồng. Ảnh: V.D
Ngoài bưởi tạo hình, ông Ngô Văn Sơn còn chuẩn bị được 25 tấn bưởi da xanh Tân Triều để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Theo ông Sơn, giá bưởi Tết năm nay vẫn ổn định ở mức khoảng 800.000 - 900.000 đồng/12 quả. Với diện tích vườn bưởi 2ha, gia đình ông Sơn ước tính thu về khoảng 1 tỷ đồng từ nguồn bưởi bán Tết.
Theo tìm hiểu của PV, dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, vùng bưởi đặc sản Tân Triều sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 400 - 500 tấn trái với giá dao động trong khoảng 900.000 đồng/12 quả.