Những năm gần đây, từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững do Hội Nông dân Việt Nam phát động, tại địa bàn xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên ngay trên quê hương bằng bàn tay, khối óc của mình. Anh Trần Đình Văn là một trong những người như thế.
Anh Trần Đình Văn bên đàn lợn rừng của mình tại trang trại.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân tại xã Nam Hồng, huyện Nam Đàn, chàng thanh niên Trần Đình Văn cùng gia đình theo tiếng gọi của Đảng lên huyện Tân Kỳ khai hoang lập nghiệp, được một thời gian Văn lên đường nhập ngũ và làm nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự được phục viên về địa phương, anh Văn lập gia đình với chị Hồ Thị Hiếu, người cùng quê và lên Tân Kỳ khai hoang lập nghiệp.
Gắn bó với nghề nông, lại lần lượt 4 đứa con ra đời nên vợ chồng anh Văn luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau. Với hoàn cảnh như thế, là lao động chính trong gia đình, anh Văn luôn trăn trở suy nghĩ, tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, làm cách nào để thoát khỏi cảnh khó khăn, vươn lên làm giàu bằng sức lao động và trí óc của mình. Anh nhận ra rằng, nếu chỉ xoay quanh vài sào ruộng lúa thì không bao giờ khá lên được, mà phải thâm canh kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, nghĩ thế anh liền vay vốn lập trang trại ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Với phương châm "lấy công làm lời, lấy ngắn nuôi dài, sống tiết kiệm", vợ chồng anh chăm chỉ làm ăn, tạo vốn tích luỹ để vươn lên mở rộng quy mô sản xuất. Theo đó, anh Văn chọn cây ngắn ngày như ngô, lạc và trồng lúa để sản xuất trên diện tích 3 sào lúa 2 vụ, 7 sào đất màu, bình quân mỗi năm thu về 25 triệu đồng. Ngoài ra anh còn trồng thêm sắn, khoai lang để tự cung cấp thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm.
“Góp gió thành bão”, dần dần vợ chồng anh Văn cũng có tiền mua thêm ruộng vườn của một số hộ dân gần kề để mở rộng diện tích trồng keo, đào ao nuôi cá, nuôi lợn rừng và đà điểu. Anh thử nghiệm trồng keo vừa lấy gỗ, vừa lấy lá cho lợn rừng ăn. Sau một thời gian thấy lợn ăn lá keo phát triển tốt, nuôi cá có thu nhập khá, đà điểu lớn nhanh, anh Văn quyết định mở rộng quy mô sản xuất. Đến nay tổng diện tích trang trại của gia đình anh đã tăng lên 5ha, trong đó gần 4ha trồng keo xen chuối để làm thức ăn cho lợn, 0,7ha ao cá.
Một góc trang trại nuôi lợn rừng của gia đình anh Trần Đình Văn.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Văn chia sẻ, hiện gia đình anh đang có 150 con lợn thịt, trọng lượng bình quân 30kg. Hiện toàn bộ số lợn này đã có người đặt mua hết để tiêu thụ vào dịp tết, với giá bán tại chuồng 150.000 đồng/kg hơi. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống phục vụ chăn nuôi, anh Văn đã gây dựng được đàn nái 12 con, mỗi lứa đẻ 6-7con. Anh Văn cho biết, từ nay tới tết, anh sẽ xuất bán tiếp khoảng 1,7 tấn cá, 21 con đà điểu.
Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi lợn rừng, anh Văn cho biết khi lợn 3-4 tháng tuổi, anh thả rông dưới rừng keo để chúng tự đào bới tìm thức ăn, sáng sớm anh tỉa lá keo, lá chuối cho lợn ăn, khi lợn gần đạt trọng lượng xuất chuồng anh sẽ lùa về một khu để tiện cho việc xuất bán. Tính sơ sơ, năm nay gia đình anh thu về gần 1 tỉ đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.
"Là nông dân, hay làm cái gì cũng vậy, trước tiên là phải thật tiết kiệm. Thứ hai, phải biết trồng cây chi, nuôi con chi để phù hợp với điều kiện tự nhiên tiểu khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương và mạnh dạn mở rộng quy mô, phát triển các loại hình sản xuất, nhất là những cây, con đã được thử nghiệm cho kết quả tốt. Điều quan trọng nữa là phải biết cập nhật tin tức về giá cả, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế" - anh Văn chia sẻ.