Xã Tân Vĩnh Hiệp và phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) là 2 làng nghề làm heo đất nổi tiếng nhất của tỉnh Bình Dương trong hơn 20 năm qua, do đất ở những khu vực này có hàm lượng cao lanh nhiều, rất phù hợp với nghề đất nung, sản phẩm đồ gốm.
Vài năm gần đây, nhu cầu người dân quay lại sử dụng heo đất ngày càng nhiều, điều này khiến thị trường heo đất ngày càng có chỗ đứng hơn khi cạnh tranh với các mặt hàng heo nhựa, gỗ…
Những làng nghề gốm truyền thống ở Bình Dương lại tất bật sản xuất heo đất cho thị trường Tết. Ảnh: V.D
Vào dịp cận Tết Nguyên đán, những lò nung ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương tấp nập sản xuất heo đất để cung ứng ra thị trường.
Trước kia các chủ lò thường lấy đất sét trong vùng để làm lò gốm. Nhưng nay, đất sét Tân Uyên dần khan hiếm nên phải nhập từ thị xã Bến Cát (tỉnh Bình Dương) về để sản xuất heo đất.
Hàng triệu con heo vàng "giữ của" được tạo ra từ loại đất sét dai, mịn. Ảnh: V.D
"Loại đất ở đây khá tốt, dai, mịn nên rất thích hợp để làm heo đất. Nếu trời nắng to, khi đổ đất vào khuôn thì chỉ cần một giờ thì có sản phẩm thô", bà Nguyễn Thị Hạnh, chủ lò nung ở xã Tân Vĩnh Hiệp chia sẻ.
Bình quân, mỗi tháng một hộ làm nghề nung heo đất sẽ nung từ 3 đến 4 lò. Mỗi lò có khoảng 1.500 – 2.000 con heo đất đủ loại, nếu phân theo kích thước thì heo đất được phân loại theo thứ tự: cóc (nhỏ), trung, lỡ, đại.
“Heo đất bán chạy vào dịp cuối năm nay đến đầu năm sau, vì nhu cầu mua heo đất của người dân tăng cao. Dịp cuối năm, chúng tôi phải thuê nhiều công nhân, tăng lượng khuôn, tăng chủng loại sản phẩm để kịp cung ứng ra thị trường Tết Nguyên đán”, ông Nguyễn Văn Nhàn, chủ lò nung ở phường Tân Phước Khánh cho biết.
Dịp Tết là mùa cao điểm của những lò nung sản xuất heo đất. Ảnh: V.D
Tuy nhiên, làm nghề nung heo đất chỉ có mùa cao điểm là dịp cuối năm. Mùa thấp điểm nhất là các tháng mùa mưa, vì trời không có nắng heo đất sẽ khó khô và sức tiêu thụ không cao. Thu nhập của nghề chỉ đủ sống qua ngày, lấy công làm lãi.
Bà Đặng Thị Lệ (quê Cần Thơ), thợ làm heo đất, cho biết vài năm nay, các cơ sở gốm ở phường Lái Thiêu (TX Thuận An) chuyên mua lại các sản phẩm đã được nung ở thị xã Tân Uyên để gia công, trang trí hoa văn rồi bán cho các thương lái.
Bà Lệ cũng cho biết thêm, làm nghề đổ heo đất rất cực và thu nhập lại thấp, mỗi sản phẩm hoàn thiện lấy ra khỏi khuôn được chủ lò trả công 600 đồng. Dịp cuối năm, nếu làm cật lực thì mỗi người có thể làm được khoảng 200 sản phẩm.
Công sẽ dùng giấy nhám đánh bóng heo đất sau khi được đưa ra khỏi lò nung. Ảnh: V.D
Các chủ lò chia sẻ, heo đất sau khi phơi khô sẽ được cho vào lò nung khoảng 10 tiếng thì hoàn thiện.
"Làm nghề này khá cực, suốt ngày dãi nắng, đứng trong lò nóng hừng hực. Bù lại thu nhập cũng tạm ổn, mỗi năm sau khi trừ hết chi phí xưởng tôi cũng lời khoảng vài trăm triệu đồng", anh Tân, chủ lò nung ở xã Tân Phước Khánh chia sẻ.
Những con heo đất thô sau khi nung cứng sẽ vận chuyển lên các xưởng gia công ở thị xã Thuận An (Bình Dương) để trang trí. Tại xưởng của anh Tâm (phường Lái Thiêu, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương), mỗi ngày đều nhập về khoảng 2.000 sản phẩm. Trước khi sơn, vẽ thì nhân công sẽ dùng giấy nhám đánh bóng heo đất.
Heo đất được sơn màu, trang trí bắt mắt. Ảnh: V.D
Sau đó, heo đất sẽ được sơn màu. Loại sơn thường dùng là sơn bột vì có độ bám chắc và nhanh khô. Mỗi ngày, một người có thể sơn khoảng 500 - 700 con heo đất. Dịp Tết, các công nhân sẽ tăng ca thêm cả buổi tối để kịp đủ sản phẩm cung ứng ra thị trường.
"Năm nay, heo đất được sơn màu vàng là mặt hàng chủ đạo. Trên lưng heo thường có nhiều hoa văn, chữ tài, lộc... tượng trưng cho một năm tươi sáng, may mắn", anh Tâm cho biết.
Công đoạn khó nhất là vẽ mắt heo. Ảnh: V.D
Công đoạn khó nhất là vẽ mắt heo, những người thợ có kinh nghiệm sẽ đảm nhiệm công đoạn vẽ mắt này. Bởi đôi mắt sẽ quyết định đến thần thái của chú heo, khuôn mặt heo vui tươi, dễ thương, tạo cảm giác dư dả trong năm mới.
Các chủ xưởng gia công heo đất cho biết, mỗi con heo có giá sỉ từ vài nghìn đến hàng trăm nghìn đồng tùy hình dáng. Theo các chủ xưởng ở Lái Thiêu, dịp Tết năm nay con heo vàng kích thước lớn, trên lưng có chữ tài, lộc với giá sỉ 250.000 đồng một con là mặt hàng được nhiều nơi đặt.
Bên cạnh heo vàng, các xưởng cũng vẽ trang trí nhiều màu sắc, hoa văn khác nhau sao cho thật bắt mắt. Thời gian này, lái buôn tấp nập ra vào các xưởng ở phường Lái Thiêu lấy heo đất. Thị trường chủ yếu là khu vực TP.HCM, các tỉnh phía Nam, ngoài ra còn xuất khẩu sang Lào, Campuchia.
Bình Dương là tỉnh vốn có truyền thống về nghề làm gốm, nung heo đất. Nhưng thời gian qua với tốc độ đô thị hóa nhanh, những khu, cụm công nghiệp thi nhau mọc lên kéo theo sự mai một của các làng nghề truyền thống. Nhiều chủ lò nung heo đất lo ngại, với cơn lốc của thời đại công nghiệp 4.0 đang quét qua thì chỉ ít năm nữa thôi, các lò nung heo đất truyền thống sẽ dễ bị mai một… |