Theo chuyên gia phỏng thủy Vũ Thế Khanh, phong tục thờ cúng gia tiên trong ngày Tết là một nét văn hóa đặc sắc của người Việt, đã được hình thành từ rất lâu đời. Phong tục ấy không chỉ thể hiện truyền thống "uống nước nhớ nguồn" mà còn mang giá trị giáo dục sâu sắc cho các thế hệ.
Ảnh minh họa. Nguồn IT
Việc cùng nhau bày tỏ lòng thành kính trước tổ tiên, các thành viên trong gia đình càng thắt chặt thêm sợi dây huyết thống. Và với phong tục đẹp đẽ đó, dù vô tình hay hữu ý chúng ta đều đã chấp nhận phần "thần thức" ấy song hành trong thế giới đương đại.
Với công ơn sinh thành dưỡng dục, phận làm con cháu biết trả thế nào cho đủ? Cho đến khi các đấng sinh thành khuất núi, nhiều con cháu vẫn trăn trở vì chưa thỏa được nỗi lòng muốn báo hiếu mẹ cha. Và phong tục cúng lễ chính là sự tiếp nối ước vọng ấy dâng lên tiên tổ.
Cha mẹ cho con sinh mệnh, nhưng con cái không thể dùng sinh mệnh để hoàn trả được. Như thế, cúng lễ bằng phương pháp “cúng tâm linh” chính là “chiếc cầu” nối để phần “thần thức” của gia tiên tìm về được cảnh giới an lành.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Vũ Thế Khanh, phong tục thờ cúng tổ tiên dịp Tết của nhiều gia đình Việt Nam hiện nay chưa thực sự đúng cách. Bởi vì trong mâm cúng có quá nhiều đồ rượu, thịt.
Khi con cháu cầu nguyện cho hương linh gia tiên được giải thoát, được trở về cảnh giới Niết Bàn (nơi thanh tịnh) mà lại dâng đồ cúng có nguồn gốc tanh hôi, sẽ vô tình làm cho “thần thức” của gia tiên rời xa sự thanh tịnh. Vậy nên, theo chuyên gia này, trong mâm cúng lễ gia tiên, tốt nhất nên dùng những đồ ăn chay.
“Ví dụ như khi ta đang đói bụng, nếu nghe được một tin rất vui, cảm giác đói trước đó có thể dễ dàng tan biến. Phần “thần thức” cũng như vậy, làm quen với môi trường thanh tịnh, được kính ngưỡng bằng những đồ “hỷ thực” chính là cách tiếp thêm năng lượng tinh thần để phần “thần thức” vượt lên một bậc mới”, ông Khanh nhấn mạnh.
*Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Tít bài do Dân Việt đặt.