Dân Việt

Trại gà Đông Tảo lớn nhất miền Nam Tết nào bán cũng "cháy hàng"

Văn Dũng 03/02/2019 13:15 GMT+7
Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ có đến 7 chị em, Vũ Ngọc Tuấn từ một chàng trai với hai bàn tay trắng đã trở thành một chủ trang trại nuôi gà Đông Tảo có tiếng và lớn nhất miền Nam hiện nay. Ít ai biết, anh Tuấn gây dựng trại gà đặc sản Đông Tảo thuần chủng từ...200.000 đồng. Và Tết năm nào, các loại gà thịt Đông Tảo tại trại của anh Tuấn cũng "cháy hàng" trước Tết.

Khởi nghiệp từ 200.000 đồng

Những ngày giáp Tết Nguyên đàn Kỷ Hợi 2019, chúng tôi có dịp ghé thăm trại gà đặc sản Đông Tảo thuần chủng lớn nhất miền Nam hiện nay tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Trang trại lớn với diện tích 2.000 m2 nằm sâu trong một vùng đất rộng lớn cách quốc lộ 1 gần 5km thuộc ấp Hoà Bình, xã Đông Hoà (Trảng Bom, Đồng Nai).

Tiếp chúng tôi trong một căn nhà cấp 4 khang trang nằm trong khuôn viên của trang trại là một người đàn ông với vóc dáng thấp bé nhưng chắc chắn. Nhìn vẻ bề ngoài đầy sương gió và khắc khổ của người đàn ông này, chúng tôi không nghĩ rằng đây chính là một chủ trang trại gà Đông Tảo thuần chủng có tiếng nhất khu vực miền Nam hiện nay.

img

Anh Vũ Ngọc Tuấn, chủ trang trại gà Đông Tảo lớn nhất miền Nam. Ảnh: V.D

Anh chính là Vũ Ngọc Tuấn (SN 1970) ngụ xã Đông Hoà, Trảng Bom, Đồng Nai hiện là chủ trang trại gà Đông Tảo Tuấn Đồng Nai lớn nhất khu vực miền Nam với số lượng gà Đông Tảo thuần chủng cung cấp ra thị trường lên đến hàng nghìn con/năm.

Khác với vẻ ngoài đầy sương gió, anh Tuấn trò chuyện với chúng tôi về cuộc đời và cơ duyên với giống gà Đông Tảo này bằng một chất giọng nhẹ nhàng, chất phác.

Kể về cuộc đời mình, anh Tuấn cho biết, vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có đến 7 chị em ở vùng đất Đồng Nai. Chứng kiến cảnh hằng ngày ba phải đi bán vé số, mẹ phải lặn lội với mớ rau ngoài chợ để nuôi đàn con khôn lớn khiến anh luôn phải đắn đó suy nghĩ về việc phải kiếm được nhiều tiền để phụng dưỡng ba mẹ, phần nào đó đền đáp được công ơn sinh thành và dưỡng dục.

img

Trại gà Đông Tảo của anh Tuấn mỗi năm cung ứng cho thị trường hàng nghìn con. Ảnh: V.D

Năm 2002, một lần đi làm thuê ở Hà Nội, tình cờ đọc trên một tờ tạp chí viết về giống gà Đông Tảo mà người xưa dùng để dâng lên vua. Thấy có hứng thú với giống gà đặc biệt này, anh Tuấn đã lặn lội xuống tận “thủ phủ” của giống gà này ở xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên để được tận mắt nhìn thấy những con gà bằng xương bằng thịt.

Khi được “mục sở thị” giống gà quý này, Vũ Ngọc Tuấn đã bị “hớp hồn” bởi những chú gà quý hiếm với ngoại hình to con, da đỏ, đầu to oai vệ, chân vững.

Tuy nhiên, cả “gia tài” của anh Tuấn lúc này chỉ còn đúng 200 nghìn đồng. Được vợ chồng ông Nguyễn Trọng Tít (con cụ Dốc, người có công bảo tồn giống gà Đông Tảo thuần chủng ở Hưng Yên) bán cho 10 con gà giống, anh Tuấn mang về Đồng Nai với dự định sẽ nhân giống thành công giống gà quý hiếm này ở miền Nam.

Lần đầu tiên nuôi đàn gà với số lượng ít ỏi, anh Tuấn gặp vô vàn khó khăn, thậm chí đàn gà bị chết dần chết mòn do chưa nắm rõ về tập tính của gà, cũng như không có kinh nghiệm khiến anh rơi vào tình cảnh “trắng tay” sau lần nuôi thử nghiệm đầu tiên.

img

Những con gà trống có dáng đẹp, chân to được nhiều khách hàng đặt mua với giá cao. Ảnh: V.D

Có những lúc anh đã muốn buông xuôi vì chán nản vì bao công sức đều đổ sông đổ biển. Nhưng rất may, anh được sự động viên, ủng hộ từ phía gia đình và đặc biệt là người vợ của mình, kèm theo niềm đam mê của bản thân, anh Tuấn tiếp tục vay nợ để đầu tư nuôi giống gà “tiến vua” này.

“Lúc đó đàn gà chết sạch, bao nhiêu công sức và tiền của đổ vào đó nhưng thất bại, tôi rơi vào tuyệt vọng và muốn buông xuôi tất cả. Nhưng được vợ cùng gia đình động viên, tôi quyết tâm làm lại từ đầu bằng hai bàn tay trắng một làn nữa” – anh Tuấn hồi tưởng lại.

Sau nhiều năm gắn bó với giống gà Đông Tảo, trải qua nhiều lần thất bại. Cứ sau mỗi lần thất bại, anh Tuấn lại tiếp tục lặn lội ra tận Hưng Yên chọn mua giống gà của những trang trại nổi tiếng ở vùng đất Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên) mang vào miền Nam để nuôi. Đến năm 2010, anh Tuấn đã gầy dựng được trại gà thuần chủng 400 con.

img

Từ 2 bàn tay trắng, đến nay anh Tuấn đã gây dựng được trang trại gà Đông Tảo lớn nhất miền Nam với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: V.D

Tiếng lành vang xa, chất lượng gà Đông Tảo của trang trại anh Tuấn được nhiều người dân trong và ngoài tỉnh Đồng Nai biết đến, thậm chí có những người Việt ở nước ngoài cũng biết đến thương hiệu gà của anh Tuấn. Kể từ đó, thương hiệu Tuấn gà Đông Tảo Đồng Nai được gắn liền cho anh.

Trại của anh chủ yếu bán giống khi khách có nhu cầu mua về nuôi và cung cấp gà thương phẩm cho các nhà hàng đặc sản ở TP.HCM . Mỗi tháng từ việc phân phối gà Đông Tảo thuần chủng giống và thịt đem về nguồn thu nhập cho anh Tuấn khoảng 100 triệu/tháng.

Hiện nay, thịt gà Đông Tảo tại các nhà hàng được bán với giá từ 650 - 700 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi con gà trưởng thành giá trên 2 triệu đồng; trong khi giá bán tại chuồng là 300.000 đồng/kg.

Cứ mỗi dịp Tết, trại gà của anh Tuấn không đủ gà thương phẩm cung cấp theo yêu cầu của khách hàng mà luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

 “Thủ phủ” gà Đông Tảo ở miền Nam

Khi nhắc đến gà Đông Tảo thuần chủng lớn nhất cả nước hiện nay, người ta thường nhắc tới vùng đất Khoái Châu (Hưng Yên) như là một “thủ phủ” của giống gà quý hiếm này.

Tuy nhiên, hiện nay trại gà giống Đông Tảo thuần chủng lớn nhất nước không còn nằm ở xã Đông Tảo (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) nữa mà hiện diện tại ấp Hòa Bình, xã Đông Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Mặc dù khá to, khỏe nhưng gà Đông Tảo có những yếu điểm riêng nên việc tăng đàn thường chậm. Mặt khác, loại gà này đẻ trứng ít hơn gà ta và rất vụng về trong việc ấp nở. Vì vậy, tỷ lệ ấp đạt chỉ từ 60 - 70%. Đây chính là nguyên nhân giống gà này khó phát triển rộng rãi.

img

Ngoài việc bán gà thịt, anh Tuấn còn nhân giống gà Đông Tảo cho thị trường miền Nam. Ảnh: V.D

“Gà Đông Tảo đạt trọng lượng đến trên 1 kg/con nhưng cơ thể vẫn trần trụi. Chúng mọc lông chậm nên gà nhỏ không thích nghi với khí hậu miền Bắc và thường bị chết vào mùa đông. Còn ở miền Nam, gà này chỉ bị hao hụt vào thời điểm giao mùa nắng, mưa. Để phát triển gà Đông Tảo, theo tôi chọn gà mái khỏe để đẻ, còn trứng cho gà ta ấp thì tỷ lệ nở và nuôi con sẽ hiệu quả hơn. Một con gà trống Đông Tảo chỉ nên nuôi chung với 5 gà mái là đủ...”, anh Tuấn chia sẻ.

Cũng theo anh Tuấn, giá gà giống Đông Tảo hiện được bán trên thị trường từ 250 – 300.000 đồng/con gà 1 tháng tuổi và 500 – 600.000 đồng/con nửa ký. Khác biệt giữa gà ta và gà Đông Tảo ở chỗ, gà ta nuôi từ lúc mới nở đến khi xuất bán chỉ cần khoảng 6 tháng, còn gà Đông Tảo phải mất gần 1 năm. Thịt gà ta ăn ngon nhất là gà trống tơ và gà mái mới đẻ lứa đầu tiên, nhưng gà Đông Tảo lại ngon khi gà mái đã đẻ vài lứa và gà trống nuôi một năm trở lên.