ETF nội đảo danh mục, VnIndex lùi dưới mốc 910 điểm
Phiên giao dịch cuối cùng của năm Mậu Tuất, ngày 1.2 diễn ra với áp lực bán không quá lớn, chủ yếu tập trung ở các bluechip khiến VnIndex đang từ sắc xanh trong thời gian nửa phiên chuyển sang sắc đỏ khi kết thúc phiên giao dịch.
Cùng với đó, việc VFMVN30 ETF thay đổi danh mục đã khiến nhiều cổ phiếu biến động. Trong đó KDC giảm sàn về 18.600 đồng, VIC giảm 5% xuống 98.800 đồng, CTD giảm 2,4% còn 132.400 đồng, HPG giảm 0,4% xuống 27.300 đồng,
Trong khi đó, VJC tăng 1,5% lên 125.000 đồng, MSN tăng 0,7% lên 78.400 đồng. Còn TCB, cổ phiếu mới vào danh mục VN30 tăng nhẹ 0,7% lên 27.200 đồng.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.2, VnIndex giảm 1,98 điểm (0,22%) xuống 908,67 điểm. (Ảnh: TVSI)
Kết thúc phiên giao dịch ngày 1.2, VnIndex giảm 1,98 điểm (0,22%) xuống 908,67 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,46 điểm lên 103,34 điểm.
Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại trên TTCK Việt Nam tiếp tục mua ròng 2,2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 171,7 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 2 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng đạt 170,5 tỷ đồng.
Trong đó, SCS được khối ngoại mua ròng tới129 tỷ đồng và đứng đầu danh sách mua ròng trong phiên giao dịch ngày 2.1. Tiếp đó, VNM và VRE được mua ròng lần lượt là 60,5 tỷ đồng và 59,2 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, HPG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với giá trị bán ròng 61,3 tỷ đồng. HDB và VHM xếp sau với giá trị bán ròng lần lượt là 49,3 tỷ đồng và 43 tỷ đồng.
Sau phiên giao dịch ngày 2.1, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam tiếp tục thay đổi. Việc giá trị giao dịch của VIC giảm 5% xuống 98.800 đồng đã khiến tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng “bốc hơi” 3.692,24 tỷ đồng (4,91%), xuống còn 71.528,15 tỷ đồng.
Cổ phiếu VJC tăng 1,5%, trong khi HDB đứng ở mức giá tham chiếu đã giúp tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng 252,76 tỷ đồng lên 22.160,48 tỷ đồng. Trong khi đó, khối ngoại bán ròng gần 2,3 triệu cổ phiếu HPG đã khiến cổ phiếu này tiếp tục nối dài chuỗi giảm điểm khi giá trị giao dịch giảm thêm 0,4% xuống 27.300 đồng/cổ phiếu. Tài sản tỷ phú Trần Đình Long vì vậy giảm 152 tỷ đồng xuống còn 10.416,51 tỷ đồng.
Lợi nhuận FLC Faros đi lùi, ông Trịnh Văn Quyết thu về 72 tỷ đồng
Công ty CP Xây dựng FLC Faros do ông Trịnh Văn Quyết giữ vị trí Chủ tịch HĐQT mới đây đã công bố báo cáo tài chính Quý 4 năm 2018 với kết quả kinh doanh không mấy sáng sủa. Cụ thể, doanh thu của ROS đạt 1.425,6 tỷ đồng, giảm 38,5% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ đạt gần 92 tỷ đồng, giảm tới 85,6% so với quý IV.2017.
Lũy kế cả năm 2018, doanh thu thuần của FLC Faros đạt gần 3.463 tỷ đồng, giảm 21,6% so với năm 2017; lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng, giảm 78%. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của FLC Faros kể từ 2016.
Với kết quả này, FLC Faros chỉ đạt được 63% kế hoạch doanh thu và 52,5% chỉ tiêu về lợi nhuận mà Đại hội cổ đông đã giao. Tính đến 31.12.2018, tổng tài sản của FLC Faros đạt 10.590 tỉ đồng, tăng 219 tỷ đồng so với đầu năm.
Giá trị giao dịch của ROS tăng nhẹ 0,63% lên 31.650 đồng/cổ phiếu giúp tài sản ông Trịnh Văn Quyết tăng thêm 72,38 tỷ đồng lên 11.579,56 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu ROS cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh trong năm 2018. Kết phiên 31.1, ROS dừng ở mức 31.200 đồng/cổ phiếu. So với hồi đầu năm 2018 khi ROS có mức giá 151.400 đồng/cổ phiếu, mã này đã giảm tới 78,6% giá trị.
Tuy nhiên, trong phiên giao dịch sáng 1.2.2019, ROS của ông Trịnh Văn Quyết bất ngờ được giao dịch thỏa thuận với tổng khối lượng 7,7 triệu đơn vị, trong đó có 5,35 triệu đơn vị ở mức giá 33.000 đồng/cổ phiếu và 2,35 triệu đơn vị ở mức giá 32.900 đồng/cổ phiếu.Tổng giá trị giao dịch thỏa thuận ROS đạt gần 254 tỉ đồng, chiếm 28,4% tổng giá trị giao dịch thỏa thuận tại HOSE sáng nay.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 2.1, giá trị giao dịch của ROS tăng nhẹ 0,63% lên 31.650 đồng/cổ phiếu giúp tài sản ông Trịnh Văn Quyết tăng thêm 72,38 tỷ đồng lên 11.579,56 tỷ đồng.