Được sự giới thiệu của anh Lưu Văn Duyên – Bí thư đoàn xã Gung Ré, PV báo Dân Việt đã tìm được đến nhà của anh K’ Brooke. Phía sau căn nhà xây cấp 4 như bao gia đình khác, điều khác biệt của K’ Brooke chính là anh đã giữ lại được ngôi nhà sàn của bố mẹ mình. “Đó là niềm tự hào của người dân tộc thiểu số, cần được phục dựng để giữ gìn bản sắc”, K’ Brooke khẳng định.
Dẫn PV đi thăm trang trại heo của mình, anh K’ Brooke cho biết, anh đã tốt nghiệp loại khá trường Đại học Tây Nguyên, chuyên ngành quản lý đất đai năm 2013. Ra trường, anh nhanh chóng xin được việc trong một công ty cổ phần về giải pháp công nghệ và trắc địa với mức lương hơn 10 triệu đồng/tháng.
Những chú heo đen bản địa trong trang trại của K’ Brooke được nuôi hoàn toàn tự nhiên, hoang dã. Ảnh: Văn Long.
Thế nhưng, không lâu sau đó K’ Brooke đã trở về quê nhà với mong muốn phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất của gia đình. Ngoài trồng cà phê, loại cây chủ lực tại địa phương ra thì anh đã chọn nuôi loại lợn đen bản địa của người Cơ Ho (hay còn gọi là heo đen).
“Đầu năm 2017, tôi đã cùng một số thanh niên khác trong vùng thành lập Tổ hợp tác nuôi heo đen với số vốn gần 300 triệu đồng. Với 5 thành viên trong Tổ hợp tác, chúng tôi đã đưa ra thị trường sản phẩm thịt heo đen bản địa đảm bảo chất lượng với cách nuôi theo dạng sinh thái, tự nhiên”, anh K’ Brooke khẳng định.
Khi thăm mô hình nuôi heo thuận tự nhiên của K’ Brooke, chúng tôi nhận thấy sự hoang dã của đàn lợn, bởi chủ nhân của chúng không ép buộc, gò bó trong một không gian nhất định nào. Thay vào đó những chú heo đen bản địa khỏe mạnh, có sức đề kháng cao được thả tự do trong khuôn viên vườn của gia đình anh. Tuy nhiên, xung quanh được anh K’ Brooke rào lưới B40 và gia cố bên dưới bằng bê tông, tránh việc heo đào lỗ thoát ra ngoài.
Được nuôi tự nhiên và hoang dã nên heo đen trong trang trại của K’ Brooke hoàn toàn sạch. Ảnh: Văn Long.
Vừa cắt những miếng mít cho đàn lợn của mình ăn, K’ Brooke chia sẻ: “Giống heo bản địa của người Cơ Ho rất khỏe mạnh, vì vậy hầu như chúng tôi không phải sử dụng thuốc thang gì cả. Bên cạnh đó thức ăn của đàn heo đen chủ yếu là cây chuối và cỏ trong vườn đồi nên chất lượng thịt được đảm bảo”.
Vì đặc tính hoang dã của loại lợn đen bản địa nên hầu như chúng chỉ ăn thực vật ngoài tự nhiên, chỉ khi những chú heo con tách mẹ, ngưng bú thì K’ Brooke mới bổ sung thêm cám đậm đặc và bột cám ngô. Chính vì vậy thịt của đàn heo đen bản địa của người Cờ Ho rất nhiều nạc, lớp bì mỏng, được nhiều người dân địa phương ưa chuộng mỗi khi có dịp lễ tết hay công việc lớn gia đình như hiếu, hỉ...
Đến nay, khi lượng thịt heo đen bản địa đã đủ cung cấp ra thị trường K’ Brooke đã bắt tay vào xây dựng thương hiệu riêng cho mình bằng cách thành lập một website riêng mang tên miền Koho.vn để giới thiệu đặc sản thịt heo đen của đồng bào Cơ Ho.
Ngoài bán thịt cho người địa phương thì K’ Brooke đã xây dựng website riêng mang tên miền Koho.vn để giới thiệu sản phẩm của mình. Ảnh: Văn Long.
Anh Brooke cho biết với số lượng 45 con heo đen trong giai đoạn sinh sản như hiện tại, bình quân một năm sẽ sinh ít nhất trên 300 heo con/2 lứa. Trại sẽ bán heo hơi từ 15kg trở lên, giá heo hơi trung bình là 100.000 đồng/kg. Tổng doanh thu từ trang trại nuôi heo đen trong một năm sẽ là 450 triệu đồng, trừ chi phí khoảng 300 triệu đồng còn lời khoảng 150 triệu đồng.
Được biết trong năm 2018, Brooke đã tham gia chương trình khởi nghiệp của Trung tâm hỗ trợ khỏi nghiệp Đại học Đà Lạt và đạt giải Ba. Sau đó, anh tiếp tục tham gia “Thách thức thanh niên Việt Nam vì sáng tạo xã hội” tại Hà Nội với dự án xây dựng cộng đồng người Koho phát triển đặc sản Văn hóa địa phương và đã đạt giải Nhì. |