Dân Việt

Tết Kỷ Hợi 2019: Đốt vàng mã (hóa vàng) thế nào cho đúng nhất?

Phương Vy 07/02/2019 11:42 GMT+7
Tục đốt vàng mã (hóa vàng) dịp Tết nguyên đán được coi là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Tuy nhiên, đốt vàng mã (hóa vàng) nên thực hiện thế nào cho đúng?

Trong dịp Tết Kỷ Hợi 2019, người dân thường sắp mâm cúng mời tổ tiên về ăn Tết, đi lễ chùa, cầu năm mới bình an. Tục đốt vàng mã dịp Tết cũng được cho là mang tính nghi lễ, thường bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp. 

Vẫn có những gia đình quan niệm rằng, những ngày này cần đốt thật nhiều vàng mã để cầu may mắn. Về điều này, trả lời Lao Động, GS Ngô Đức Thịnh cho rằng cách hiểu như vậy là hoàn toàn sai.

Việc đốt quá nhiều vàng mã có thể dẫn đến sự lãng phí tiền của một cách không cần thiết, mà còn gây ảnh hưởng đến môi trường. Điều quan trọng là bàn thờ cần hương khói đầy đủ trong 3 ngày Tết và các nghi lễ khấn cúng được thực hiện với sự kính cẩn của gia chủ.

Còn ở góc độ pháp luật, đốt vàng mã (hóa vàng) thế nào cho đúng, cho chuẩn nhất?

img

Tết Kỷ Hợi 2019: Đốt vàng mã không đúng nơi quy định có bị phạt tiền không? (Ảnh: IT)

Luật sư Phạm Thanh Hiếu - Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm & Cộng sự cho biết:  Hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích là hành vi trái pháp luật và bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP và được sửa đổi tại Khoản 19 Điều 1 Nghị định 28/2017/NĐ-CP.

Cụ thể như sau: “1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích; ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ; nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm; xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.”

Theo đó, hành vi thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích bị phạt cảnh cáo hoặc bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.

Ngoài ra, ở một số các tỉnh, thành phố lại có quy định riêng về lĩnh vực này. Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 11.7.2014, Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số: 08/2014/NQ-HĐND quy định về mức phạt đối với hành vi đốt vàng mã trong khu vực nội thành không đúng nơi quy định như sau: “Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa (theo hành vi quy định tại Khoản 1 Điều 15).”

Theo đó, hành vi đốt vàng mã trên địa bàn các quận nội thành Hà Nội mà không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Trường hợp đốt vàng mã ở các huyện, thị xã ngoại thành Hà Nội, trên địa bàn tỉnh, thành khác, không đúng nơi quy định sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng.