Clip phiên chợ quê ngày cuối năm.
Chợ phiên là một trong những nét đặc sắc, hấp dẫn du khách từ những vùng miền đến với Lạng Sơn. Dù cuộc sống đã có nhiều thay đổi, những khu chợ cao tầng, kiên cố ngày càng mọc lên ở thành thị, song chợ phiên vẫn là một danh từ đẹp, một ký ức thật sống động với những ai đã từng biết đến chợ phiên...
Hai ông bà bán hàng bánh rán, bánh chưng rán... tại phiên chợ luôn tất bật tay chân để kịp làm cho khách.
Tùy theo từng địa phương và đặc điểm dân cư từng địa bàn khác nhau mà người dân ở đó ấn định ngày họp chợ, có thể là ngày lẻ hoặc cũng có thể là ngày chẵn, nhưng cứ 5 ngày phiên chợ lại được tổ chức một lần. Quy định về ngày chợ phiên như thế đã được người dân các vùng miền xứ Lạng làm theo từ xa xưa, đến ngày nay vẫn vậy.
Độc đáo và thật bản sắc… - đó là những nhận xét khi nói đến chợ phiên Xứ Lạng. Trong hành trình khám phá vùng đất này, điều mà du khách luôn cảm thấy tâm đắc, thích thú đó là hành trình khám phá những phiên chợ ngày cuối năm tại nhiều vùng thôn quê xứ Lạng, đặc biệt là chợ phiên Tu Đồn (Thị trấn Văn Quan, Lạng Sơn)- phiên chợ cuối cùng của năm.
Người dân tộc Tày, Nùng mua giấy bản, một loại giấy để gấp làm tiền âm phủ vào những dịp lễ tết.
Vào những ngày cuối năm này, PV có dịp ghé thăm chợ phiên Tu Đồn, đây là phiên chợ cuối cùng trong năm, du khách ở những tỉnh thành khác có dịp ghé thăm sẽ cảm thấy ngạc nhiên và vô cùng thích thú với phiên chợ này. Để phục vụ nhu cầu mua sắm, đặc biệt là lương thực, thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán, chợ phiên cuối năm rất đa dạng về hàng hóa và thu hút người dân của nhiều địa phương, nhiều dân tộc tham gia.
Trong phiên chợ đặc biệt này, người đến sẽ cảm nhận được một không gian chợ rất truyền thống, rất xưa.
Gà vịt được mua bán nhanh chóng với giá cả hợp lý, sau đó nhốt vào trong túi nilon.
Tất cả những nông sản như cà chua, đỗ, su hào... đều do chính tay người nông dân làm ra và mang ra chợ trao đổi.
Do điều kiện đi lại khó khăn, lại không có địa điểm cố định để họp chợ thường xuyên nên cứ 5 ngày người dân các xã lại tập trung tại một điểm thuận lợi nhất để họp chợ. Và chợ phiên có mặt từ đó.
Các phiên chợ thường được ấn định vào những ngày riêng để người dân có dịp đến trao đổi, giao lưu hàng hóa. Đó được coi là điểm hẹn của người dân để trao đổi nhu cầu vật chất và tinh thần.
Từ những quả bồ kết khô...
Vượt qua ranh giới của những điểm chợ đơn thuần, chợ phiên cao đẹp trong suy nghĩ, tình cảm của người dân. Chẳng vì thế mà nhiều người, đặc biệt là những người dân tộc thiểu số dù chưa từng biết chữ, chưa từng được học về những con số nhưng họ đều không bao giờ quên được những ngày phiên chợ. Những sản phẩm nông nghiệp do người dân làm ra nếu nhà dùng không hết, sẽ được mang ra chợ bán để kiếm chút tiền tiêu tết.
...cho đến những củ gừng núi đều có bán tại phiên chợ này.
Bánh khảo là loại bánh của người dân tộc tự tay làm và mang bán tại chợ. Đây là loại bánh không thể thiếu trong dịp Tết đến xuân về.
Các cô các chị gái tranh thủ mựa chọn những bông hoa tươi nhất để cắm trong những ngày Tết đang cận kề.
Ngoài bánh thì hoa quả cũng là những mặt hàng rất đắt khách trong dịp này.
Chợ phiên cuối năm dường như đã trở thành ngày hội không thể thiếu của người dân nơi đây. Ngày này không đơn thuần chỉ là để mua sắm đồ Tết mà còn là khoảng thời gian để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ về những việc đã và chưa làm được trong một năm vừa qua.