Dân Việt

Quảng Nam: Mô hình mới 2019-đem vườn xuống ruộng, từ lỗ thành lời

Thu Sương – Thảo Phương 06/02/2019 14:00 GMT+7
Những năm gần đây, việc trồng lúa gặp nhiều khó khăn do người nông dân không có lãi, thậm chí gặp năm mất mùa là lỗ. Chính vì thế, nhiều nông dân đã chuyển đổi đất ruộng thành những mô hình trồng cây ăn quả. Mô hình mới lạ này cũng đã xuất hiện nhiều tại xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều người gọi xu hướng đem vườn xuống ruộng.

Mô hình mới lạ

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của chị Hồ Thị Lộc (43 tuổi) ở thôn Đông Gia, xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam được xây dựng vào cuối năm 2017, với tổng diện tích hơn 3ha. Toàn khu ruộng của chị Lộc đang trồng khoảng 20 loại cây ăn quả trong đó có 3.000 cây ổi, 400 cây chanh, 300 cây bưởi da xanh và nhiều loại cây  ăn quả khác. Cho đến nay, sau hơn một năm chăm sóc vườn cây ăn quả của chị Lộc đã bắt đầu thu hoạch quả bói.

img

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của chị Hồ Thị Lộc với tổng diện tích hơn 3ha, khoảng 20 loại cây ăn quả đang cho trái bói.

Chia sẻ về cơ duyên làm mô hình mới này, chị Lộc cho biết là do lúc trước đi buôn trái cây ở trong miền Nam thấy họ làm hiệu quả nên khi về quê chị làm theo để mong cải thiện thu nhập. Vốn bỏ ra ban đầu khoảng 35 triệu đồng/500m2 (1 sào), qua 2 năm mới có sản phẩm thu hoạch, nhưng nhờ cách chăm sóc tốt nên khi trồng được 1 năm đã có nhiều cây cho trái bói.

img

Mô hình trồng cây ăn quả trên đất ruộng của chị Lộc bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Khu ruộng trồng ổi sau 2 năm đã được thu trái bói.

Chị Lộc cho biết thêm, ban đầu khi mới chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây ăn quá, gia đình tôi gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn vốn, lẫn kinh nghiệm. Việc chuyên canh cây ăn quả cũng không phải dễ, đòi hỏi nông dân phải thâm canh, nắm kỹ thuật, công nghệ và chịu đầu tư. Mặc dù hiện tại vườn cây đã cho thu hoạch quả bói nhưng doanh thu cũng chỉ đủ để trả cho nhân công. Trung bình mỗi tháng tôi bỏ ra 30 triệu đồng để thuê 10 nhân công làm việc, sang năm có thể sẽ tăng lên 20 nhân công vì lượng công việc nhiều.

img

Mô hình của chị Lộc giải quyết cho 10 lao động thường xuyên ở địa phương với thu nhập 3.5-4 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ trồng cây ăn quả mà chị Lộc còn trồng thêm rau sạch để kiếm thêm thu nhập, nhằm lấy ngắn nuôi dài. Dự kiến từ năm thứ 2-3 trở đi vườn cây ăn quả của gia đình chị Lộc sẽ cho quả tốt, khi đó thu nhập sẽ cao lên. Hiện vườn cây ăn quả của gia đình chị Lộc đã bán ổi sạch, rau sạch cho các siêu thị ở Đà Nẵng mỗi tuần 2 lần. Giống ổi lê lứa trái bói có giá 15 nghìn đồng/kg, ổi nữ hoàng không hạt giá 25 nghìn đồng/kg. Đáng chú ý là vườn nhà chị Lộc mở cửa hàng ngày cho khách tới tham quan dạo xung quanh vườn, nếu mua ổi mang về chị cũng bán với giá từ 15 - 25 nghìn đồng/kg tuỳ loại.

img

Do đất ruộng thấp hơn đất bình thường nên chị Lộc phải làm mương thoát nước để tránh tình trạng ngập úng vườn cây ăn trái vào mùa mưa.

Cần được nhân rộng

Theo chị Lộc, bởi vì áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch nên chị sử dụng phân hữu cơ hoàn toàn và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón hóa học, mọi việc, trong đó có việc nhổ cỏ dại đều được làm thủ công. "Khi cây ra quả tôi và nhân công đi bọc túi bao trái để quả không bị sâu đục, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai. Để có diện tích vườn cây ăn trái như hiện nay tôi phải thuê lại đất ruộng của người dân với giá 1 triệu đồng/500m2. Trong đó, tôi thuê của UBND xã Đại Minh 1ha và người dân xung quanh 2ha...", chị Lộc chia sẻ.

img

Khi cây ổi ra quả chị Lộc và nhân công đi bọc túi bao trái cho quả không bị sâu đục, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ hoặc phân chuồng ủ hoai.

Chị Lộc phân tích, vì đất ruộng mềm xốp, có độ ẩm cao nên giúp cây phát triển tốt, quả cũng ngon ngọt hơn, nhưng cũng vì đất ruộng thấp, trung nên phải làm hệ thống thoát nước. Các mương thoát nước đào giữa các liếp trồng cây để tránh tình trạng ngập úng vào mùa mưa.

img

Vì đất ruộng mềm xốp, có độ ẩm cao nên cây phát triển tốt, mặc dù mới trồng hơn 1 năm nhưng đã cho quả bói, quả cũng ngon ngọt hơn.

“Thời gian tới, tôi mong muốn được sự quan tâm hỗ trợ vốn, cũng như kỹ thuật của các cấp, các ngành nhằm mở rộng mô hình, đồng thời kết hợp với phát triển du lịch sinh thái để nâng cao thu nhập cho gia đình”, chị Lộc chia sẻ

img

Hiện vườn cây ăn quả của chị Lộc đã cho thu hoạch, dự kiến từ năm thứ 2-3 trở đi chị bắt đầu có lãi.

“Mô hình trồng cây ăn quả trên đồng ruộng của chị Hồ Thị Lộc bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Không những giúp gia đình chị Lộc ổn định cuộc sống, mà còn giải quyết cho 10 lao động thường xuyên ở địa phương với thu nhập 3.5-4 triệu đồng/người/tháng. Mong rằng thời gian tới, mô hình sẽ được phát triển và nhân rộng trên địa bàn của xã, nhằm giúp người dân thoát nghèo”,  ông Phạm Văn Út – Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Minh cho biết