Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Trong ngày đầu năm mới Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có cuộc trao đổi với phóng viên để trải lòng về năm 2018 đã qua với nhiều điều đáng nhớ.
Cắt giảm gần 5.000 biên chế
Thưa Bộ trưởng, nhìn lại năm 2018 vừa qua, về quản lý điều hành thu, chi ngân sách, ông ấn tượng nhất với kết quả nào của ngành tài chính?
Nhằm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội cũng như Nghị quyết 01/NQ-CP 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, ngay từ những đầu năm, ngành tài chính tiến hành đồng bộ, quyết liệt các giải pháp về triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách của toàn ngành. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết của ngành Tài chính vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá ngành Tài chính đã hoàn thành toàn diện, xuất sắc nhiệm vụ năm 2018, thể hiện qua 8 nội dung nổi bật.
Thứ nhất, hoàn thiện thể chế tài chính theo thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên tinh thần Nghị quyết số 07/NQ-TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.
Trong năm, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 181 đề án văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật quản lý thuế (sửa đổi); trình Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 02 nghị quyết; trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 48/53 đề án và ban hành theo thẩm quyền 130 Thông tư. Trong đó, tập trung vào các cơ chế, chính sách, các giải pháp tài chính nhằm tăng cường quản lý thu, chi NSNN chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường quản lý sử dụng tài sản công.
Thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán. (Ảnh: VOV)
Thứ hai, thu cân đối NSNN năm 2018 vượt 7,8% so dự toán, trong đó thu cân đối NSTW vượt 4,3%, thu cân đối NSĐP vượt 12,5%. Bội chi NSNN năm 2018 dưới 3,6% GDP trong khi dự toán Quốc hội giao là 3,7%GDP. Nợ công ở mức dưới 61% GDP. Quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay tiếp tục được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.
Thứ ba, tiếp tục triển khai quyết liệt cải cách hành chính (CCHC). Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã hoàn thành 85/85 nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, Bộ đã bãi bỏ 18/166 thủ tục hành chính cần rà soát bãi bỏ, đạt 10,8%; thực hiện cắt giảm và đơn giản hóa 117/190 điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý, đạt 61,6%.
Tốc độ tăng trưởng GDP so với CPI giai đoạn 2010 - 2018. (Ảnh: VOV)
Thứ tư, quản lý chặt chẽ giá cả, kiểm soát lạm phát góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,54%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 1,48% so với năm 2017, hoàn thành mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% Quốc hội đã đề ra.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển các thị trường chứng khoán, bảo hiểm và thúc đẩy tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Thứ sáu, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành 1 Nghị quyết, 14 Nghị định, 1 Quyết định của Thủ tướng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 1 quyết định và ban hành 7 Thông tư hướng dẫn Luật quản lý, sử dụng tài sản công. Đồng thời, quá trình triển khai thực hiện, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các cấp, ngành thực hiện nghiêm túc theo tinh thần Luật quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn.
Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách. Các cơ quan thuộc ngành Tài chính đã thực hiện 98.660 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua đó, kiến nghị xử lý về tài chính trên 64.000 tỷ đồng. Riêng kiến nghị thu nộp NSNN là 18.000 tỷ đồng. Đồng thời, giảm lỗ hơn 37.400 tỷ đồng.
Thứ tám, thực hiện Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đến ngày 31.12.2018, Bộ Tài chính đã thực hiện cắt giảm gần 5.000 biên chế, tương ứng 6,7% so với số biên chế năm 2015.
Bên cạnh đó, tích cực triển khai các Nghị quyết số 18, 19 của Hội nghị TW 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong năm 2018, Bộ Tài chính đã cắt giảm được 536 đầu mối thuộc các Tổng cục và thuộc Bộ. Trong đó, có hai điểm nhấn quan trọng. Thứ nhất, sáp nhập và giải thể 43 phòng thanh toán của Kho bạc nhà nước cấp tỉnh. Thứ hai, tổ chức làm điểm tại 7 địa phương về sáp nhập chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực, bước đầu mang lại hiệu quả rất tốt.
Không vay nợ cho chi thường xuyên
Báo cáo của đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2018 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, số thu vượt dự toán năm nay chủ yếu từ các nguồn thu về nhà, đất và dầu thô trong khi 3 khu vực kinh tế quan trọng không đạt dự toán. Bộ trưởng có lo lắng về tình trạng này?
Ngay từ đầu năm ngành tài chính đã chỉ đạo triển khai các giải pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, mở rộng cơ sở thuế; tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế, đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá…
Nhờ đó thu NSNN năm 2018 đã hoàn thành nhiệm vụ kép, đó là thu ngân sách Nhà nước vượt khoảng 7,8% và thu ngân sách Trung ương vượt 4,3% dự toán. Kết quả này cũng cho thấy cơ cấu thu ngân sách của chúng ta ngày càng bền vững hơn, tỷ trọng thu nội địa năm 2018 chiếm 81% tổng thu, cao hơn mức 68% bình quân giai đoạn 2011 – 2015.
"Không vay nợ cho chi thường xuyên, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định. (Ảnh: Đức Minh)
Số thu NSNN từ 3 khu vực kinh tế năm 2018 đã có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, khu vực DNNN tăng 4%, khu vực FDI tăng 8,8%, khu vực ngoài quốc doanh tăng 15,8%. Tính chung cả 3 khu vực tăng khoảng 10%. Như vậy, chúng ta thấy rằng thu ngân sách từ khu vực kinh tế khá phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế của cả nước tăng khoảng 7,08% và lạm phát tăng khoảng 3,5%, góp phần vào việc nâng cao tính bền vững của NSNN.
Tuy nhiên, số thu ngân sách từ 3 khu vực kinh tế đã không đạt so với dự toán đề ra. Ở đây có thể thấy, ngoài nguyên nhân dự toán thu của các khu vực này được giao ở mức phấn đấu cao để có thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội thì một trong những nguyên nhân chính còn do hoạt động sản xuất kinh doanh của một số lĩnh vực, ngành hàng nhìn chung còn khó khăn, thiên tai. Quá trình tái cấu trúc kinh tế, xử lý nợ xấu còn chậm cũng đã tạo áp lực lên thu ngân sách.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục triển khai Nghị quyết 51/NQ-CP để cơ cấu lại nguồn thu ngân sách, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý và phấn đấu thực hiện mục tiêu thu nội địa của giai đoạn 2016 - 2020 chiếm khoảng 84 - 85% tổng thu ngân sách Nhà nước.
Kiểm toán Nhà nước từng bày tỏ lo lắng về khoản chi trả nợ gốc năm 2019 khoảng 197.000 tỷ đồng có thể gây áp lực lớn cho ngân sách. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này?
Trong giai đoạn 2013 - 2015, nền kinh tế chịu tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu. Để có nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, ổn định kinh tế vĩ mô, chống chịu với các tác động từ bên ngoài, ngân sách Nhà nước đã phải huy động một khối lượng lớn nguồn lực trong điều kiện thị trường vốn trong nước chưa phát triển, với kỳ hạn vay nợ chủ yếu là từ 3 - 5 năm.
Điều này dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc tăng nhanh trong một vài năm gần đây, năm 2017 là 144.000 tỷ đồng, 2018 là 146.77000 tỷ đồng. Năm 2019 dự kiến là 181.970 tỷ đồng, nếu tính cả chi trả nợ gốc của ngân sách địa phương, tổng số chi trả nợ gốc năm 2019 là 197.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã tích cực cơ cấu nợ công cả về kỳ hạn, lãi suất, cơ cấu vay trong nước và ngoài nước, cơ cấu nhà đầu tư theo hướng bền vững hơn. Cụ thể, kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2011 bình quân là 3,9 năm; năm 2017 là 12,74 năm; 9 tháng năm 2018 là 12,89 năm. Qua đó, kỳ hạn nợ bình quân danh mục trái phiếu năm 2011 là 1,84 năm; 2017 là 6,7 năm; tới cuối tháng 9.2018 là 6,69 năm.
Bên cạnh đó, theo thông lệ quốc tế, kể từ khi Luật Ngân sách Nhà nước 2015 có hiệu lực, thì khoản chi trả nợ gốc không đưa vào cân đối ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, kể cả nợ trong và ngoài nước, vẫn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, không làm tăng tỷ lệ nợ Chính phủ, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Các năm tới, theo kế hoạch, thì quy mô chi trả nợ gốc tiếp tục tăng. Tuy nhiên, triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội về cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, kiểm soát bội chi ở mức 3,6% GDP năm 2019 và 3,4% GDP năm 2020; cơ cấu lại nợ công thì quy mô nợ công có xu hướng giảm, nền tài chính quốc gia bền vững hơn.
Xin Bộ trưởng cho biết, trong thời gian tới Bộ Tài chính sẽ có những giải pháp gì để tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, đảm bảo nền tài chính an toàn bền vững?
Từ năm 2016, đặc biệt trong các năm 2017 và 2018, khi Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) được Quốc hội ban hành, hoạt động quản lý nợ công ngày càng chặt chẽ, đi vào nề nếp. Do vậy, nợ công các năm gần đây đều giảm so với mục tiêu đề ra.
"Chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay nợ cho chi thường xuyên, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng, không chuyển vốn vay, khoản vay có bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định. |
Trong các năm tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được thực hiện hiệu quả trong những năm qua. Đầu tiên, tiếp tục kiểm soát bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 -2020 dưới 4%, riêng năm 2019 dưới 3,6% theo đúng tinh thần Nghị quyết 07-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 25/2016/QH14 của Quốc hội. Trong đó, tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và dành một phần để trả nợ vay để giảm áp lực huy động vốn vay mới, tạo điều kiện giảm dần nợ công.
Tiếp theo, kiểm soát chặt chẽ các khoản vay mới. Chỉ vay cho bù đắp bội chi để đầu tư phát triển, không vay nợ cho chi thường xuyên, kiên quyết không sử dụng vốn vay cho các dự án đầu tư có hiệu quả kinh tế xã hội thấp hoặc không rõ ràng, không chuyển vốn vay, khoản vay có bảo lãnh thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước.
Đồng thời, thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, hạn chế cấp bảo lãnh mới và khống chế hạn mức bảo lãnh đối với hai ngân hàng chính sách.
Thực hiện tái cơ cấu nợ công đồng bộ với các giải pháp phát triển thị trường vốn trong nước; tận dụng tối đa nguồn vốn vay ODA vay ưu đãi nước ngoài trong khi chủ động đa dạng hóa nguồn huy động vốn vay trong điều kiện Việt Nam đã trở thành nước có thu nhập trung bình.
Phải phát triển các nhà đầu tư, thay đổi cơ cấu chuyển sang tỷ trọng vay trong nước chiếm phần lớn. Đối với trái phiếu Chính phủ, từng bước giảm tỷ phụ trái phiếu Chính phủ phụ thuộc vào các ngân hàng thương mại, để có thêm nhiều nhà đầu tư mới, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư, thậm chí bảo hiểm xã hội Việt Nam tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ. Từ đó, hạ thấp lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Cùng với việc thực hiện thu - chi NSNN trong phạm vi dự toán, đối với công tác vay nợ, thực hiện vay nợ, giải ngân vốn vay trong phạm vi kế hoạch và hạn mức vay nợ, hạn mức bảo lãnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt và trong khuôn khổ kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn đối với nợ của Chính phủ, nợ của chính quyền địa phương. Tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc để đảm bảo việc trả nợ đối với vay về cho vay lại và các khoản nợ có bảo lãnh của Chính phủ.
Cuối cùng, tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý nợ công, Luật Ngân sách Nhà nước; thực hiện tốt vai trò đầu mối trong quản lý nợ công nói chung và công tác huy động vốn vay nước ngoài nói riêng theo tinh thần Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Kỳ vọng từ CPTPP
Năm 2018, Quốc hội đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Xin Bộ trưởng chia sẻ về những nội dung do Bộ Tài chính phụ trách trong việc thực thi Hiệp định CPTPP?
Trong CPTPP, các cam kết thuộc phạm vi phụ trách của Bộ Tài chính gồm thuế xuất nhập khẩu; thủ tục hải quan; dịch vụ tài chính bao gồm dịch chứng khoán và dịch vụ bảo hiểm. Lĩnh vực về mở cửa thị trường hàng hóa, tạo thuận lợi cho hàng hóa đóng một vai trò lớn trong các nội dung cam kết và có ý nghĩa cốt lõi của Hiệp định thương mại tự do. Bên cạnh đó, các cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ, trong đó có dịch vụ chứng khoán và bảo hiểm cũng là một nội dung quan trọng trong đàm phán mở cửa thị trường.
Về thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ gần 100% thuế nhập khẩu các mặt hàng, trong đó: 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực; 86,5% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 4 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; 97,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% vào năm thứ 11 kể từ khi Hiệp định có hiệu lực; các mặt hàng còn lại cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu với lộ trình dài hơn hoặc theo hạn ngạch thuế quan.
Về thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu với hàng xuất khẩu sang CPTPP với lộ trình lên đến 15 năm sau khi Hiệp định có hiệu lực. Những mặt hàng quan trọng còn lại sẽ tiếp tục được duy trì thuế xuất khẩu gồm than đá, dầu mỏ và một số loại quặng, khoáng sản.
(Ảnh: Đức Minh)
Thủ tục hải quan trong CPTPP đưa các cam kết với mục tiêu chủ yếu về tạo thuận lợi thương mại đồng thời tăng cường giám sát hải quan. Một số cam kết cụ thể về nghiệp vụ chính trong hải quan như quy định về thời gian giải phóng hàng chuyển phát nhanh, cơ chế xác định trước mã hàng hóa, phương pháp xác định trị giá và xuất xứ hàng hóa, cơ chế giám sát đối với xuất xứ hàng hóa; quy định cụ thể về thời gian giải phóng hàng hóa khi hàng hóa nhập cảnh hải quan và có cơ chế cho phép thông tin được xử lý bằng phương thức điện tử trước khi hàng đến.
Trong lĩnh vực hải quan, việc thực thi các cam kết trong CPTPP về quy trình, thủ tục hải quan sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, phù hợp với định hướng cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ.
Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, Việt Nam cam kết mở cửa bổ sung đối với một số loại hình dịch vụ tài chính như dịch vụ nhượng tái bảo hiểm qua biên giới, dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, dịch vụ quản lý danh mục đầu tư qua biên giới và một số loại hình dịch vụ chứng khoán khác.
Thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam phải cạnh tranh với các nước CPTPP đã có thị trường dịch vụ tài chính phát triển ở mức cao, tạo nhiều sức ép cho thị trường trong nước. Việc quản lý, giám sát dòng vốn, đảm bảo sự an toàn của thị trường tài chính gặp nhiều thách thức do tính liên thông với thị trường tài chính trong nước và quốc tế, trình độ quản lý và môi trường pháp lý chưa hoàn thiện, chưa theo kịp tiêu chuẩn thế giới và tiêu chuẩn của các nước thành viên.
Tỷ lệ 65,8% số dòng thuế có mức thuế suất 0% ngay khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực sẽ ảnh hưởng ra sao tới thu NSNN trong năm 2019 và các năm tiếp theo?
Việc thực thi các cam kết trong CPTPP mang lại cơ hội lớn để Việt Nam mở rộng thị trường và đa dạng hóa thị trường, kể cả thị trường nhập khẩu, tạo điều kiện doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu và gắn kết chặt chẽ hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt trong chuỗi cung ứng sản phẩm công nghệ cao. Thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng, tuy nhiên do lộ trình đã được thông báo trước nên về cơ bản sẽ không gây tác động đột ngột.
Nhìn chung, đây là Hiệp định có phạm vi rộng hơn và mức độ cam kết cao hơn các Hiệp định khác mà Việt Nam đã tham gia. Tuy nhiên, những lĩnh vực cam kết của ngành tài chính cơ bản phù hợp với định hướng hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng của Chính phủ.
Vậy Bộ Tài chính đã có sự chuẩn bị như thế nào để triển khai thực hiện cam kết Tài chính trong Hiệp định CPTPP, thưa Bộ trưởng?
Từ khi tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trước đây và nay là Hiệp định CPTPPP, các đơn vị chuyên môn của Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với đoàn đàm phán của Việt Nam trong quá trình xây dựng phương án đàm phán. Sau khi Hiệp định được ký kết, Bộ Tài chính đã phối hợp cùng Bộ Tư pháp là cơ quan được Chính phủ giao chủ trì tiến hành rà soát pháp lý các nội dung của Hiệp định.
Đối với các nội dung của Bộ Tài chính, các cam kết trong lĩnh vực thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại phù hợp với Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành và không phát sinh yêu cầu ban hành văn bản pháp quy tương ứng.
Đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính thì cần sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm. Việc sửa đổi tổng thể Luật Kinh doanh bảo hiểm đã được trình Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
Đối với cam kết về thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu, Bộ Tài chính đang trong quá trình khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Dự thảo Nghị định sẽ được gửi lấy ý kiến của các Bộ, ngành, Hiệp hội và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính và Trang thông tin điện tử Chính phủ để thông tin rộng rãi tới cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!