Dân Việt

Chuyện tình đẹp của “hoa hồng" và "dâu tây”

Trần Dũng 06/02/2019 14:00 GMT+7
Đam mê hoa hồng và dâu tây, vợ chồng trẻ chấp nhận xa cách về địa lý: Chồng “canh vườn hồng” nơi đồng bằng, vợ lên non cao xây dựng trang trại dâu tây công nghệ cao… Ở hai đầu nỗi nhớ, họ ngày đêm ngóng thương nhau…

img

Vợ chồng Đào Trường bên vườn hoa của gia đình ở Thường Tín (Hà Nội).

“Ở hai đầu nỗi nhớ”

Đôi vợ chồng chung niềm đam mê nông nghiệp là anh Đào Duy Trường (SN 1989), Đoàn Thu Trà (SN 1991).

Đào Duy Trường - ông chủ thương hiệu hoa hồng Đào Trường Rose vốn quê tại xóm 2, xã Chương Dương, huyện Thường Tín (Hà Nội). Còn vợ anh, chị Đào Thu Trà là người xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng. Trường vốn tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tấm bằng loại giỏi.

Năm 2015, trong một chương trình giảng dạy về nông nghiệp, chị Trà là học sinh của anh Trường. Gặp nhau, họ đã cảm mến, thầm thương trộm nhớ nhau. Chàng giảng viên thư sinh đẹp trai hút hồn cô “sơn nữ” duyên dáng. Để rồi, cái kết đẹp của mối tình thầy trò đầy lãng mạn là một đám cưới nồng ấm yêu thương. Năm 2016, họ về chung một nhà.

Nhấp chén trà bên vườn hồng một ngày xuân mưa phùn rây rắc, Trường Rose thổ lộ, anh bén duyên với hoa hồng từ năm 2013. Ngày ấy, vì yêu hoa hồng Trường âm thầm mua những cây hoa hồng đầu tiên về trồng. Anh chọn giống hồng Đà Lạt, hồng cổ Sapa, hồng cổ Hải Phòng để “thưởng lãm”.

Sau khi cưới vợ, Đào Duy Trường quyết định nghỉ việc giảng dạy để mở trang trại trồng hoa hồng tại quê anh: “Ngày mở trang trại, vợ chồng mình khó khăn đủ đường: Thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và vấp phải sự phản đối của bố mẹ. Nhưng, bọn mình vẫn quyết định tiến lên”.

img

Bên trong vườn hồng của vợ chồng Đào Duy Trường. (Ảnh: P.V)

Khởi phát xây dựng trang trại trên 200m2 đất vườn nhà, nỗ lực vươn lên vợ chồng Trường Trà đã san lấp cả khu ao, ruộng trũng của gia đình. Sau hơn 2 năm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” sớm, tối mần mò thử nghiệm giống cây. Thế rồi, những cây hoa trổ bông được thị trường ưa chuộng.

Sau hơn 2 năm nỗ lực, vợ chồng anh mở rộng quy mô vườn hồng lên tới 20.000m2, tạo việc làm thường xuyên cho hơn chục lao động. Thương hiệu hoa hồng Đào Trường Rose trở lên nổi tiếng thị trường.

Nhớ lại chuỗi ngày “khởi nghiệp” thử cây đầy nhọc nhằn, anh Trường kể, vợ chồng anh mua 100 giống hoa hồng về thử nghiệm. Mất 18 tháng ròng rã ươm trồng, chăm sóc, theo dõi sự sinh trưởng của các giống hồng mới chọn lọc được 30 giống tốt. Anh giải thích, sở dĩ thử nghiệm kéo dài bởi phải “nuôi” cây lớn mới biết được đặc tính của cây.

Đến nay, vườn hồng của vợ chồng anh có đến 100 giống hoa hồng. Trong đó, các giống hồng cổ Sapa, hồng đào, bạch xếp, hồng điều, hồng cổ Hải Phòng là chủ lực.

Cuộc chia xa và nỗi niềm “ngóng thương”

Nói về thành công của vợ chồng Trường - Trà, vườn hồng tại xã Chương Dương quê nội chỉ là một phần niềm vui. Ở Cao Bằng bây giờ, nhắc đến trang trại dâu tây lớn nhất đích thị là trang trại dâu tây công nghệ cao Has Farm của vợ chồng Trường -Trà.

img

Khu vườn rộng 7.000m2 trồng dâu tây (giống dâu Hàn Quốc, Nhật Bản) theo công nghệ hệ thống đường hầm Micro Tunnel (mô hình nhà kính nilon- PV) của vợ chồng Trường. (Ảnh: P.V)

Anh Trường tâm sự, anh đam mê hoa hồng, vợ anh không chỉ mê hồng còn mê dâu tây. Ngày chưa cưới, anh hứa với vợ sẽ có một ngày mở cho vợ một trang trại trồng dâu tây. Và tròn 1 năm trước, vợ chồng trẻ quyết định dồn hết vốn liếng mở thêm trang trại trồng hoa hồng và dâu tây tại quê vợ (xã Hưng Đạo, TP.Cao Bằng).

Tuy có kinh nghiệm trồng hoa hồng, nhưng vợ chồng anh Trường hoàn toàn chưa có kiến thức về trồng dâu tây. Quyết định mở trang trại dâu tây công nghệ cao là một thử thách chông gai của vợ chồng anh.

Ham học hỏi và cần mẫn thử nghiệm, vợ chồng anh Trường đúc rút được đặc tính sinh trưởng của các giống dâu tây; xây dựng được quy trình chăm sóc, bón phân; xử lý sâu bệnh hiệu quả.

Có thể nói, công cuộc xây dựng trang trại hoa hồng, dâu tây tại Cao Bằng của vợ chồng Đào Duy Trường rất “thần tốc”. Thành công đang mỉm cười với vợ chồng anh.

Chỉ sau tròn 1 năm khởi sự, vợ chồng anh đã sở hữu 7.000m2 trồng dâu tây (giống dâu Hàn Quốc, Nhật Bản) theo công nghệ hệ thống đường hầm Micro Tunnel (còn được hiểu là mô hình nhà kính nilon- PV) và 5.000m2 trồng các hoa hồng. Mới đây, dây tây đã cho thu hoạch cung ứng cho thị trường với giá 250.000 đồng/kg dâu Hàn, 350.000 đồng/kg dâu Nhật.

Để có thành công ngày hôm nay, vợ chồng anh Trường đã chịu đựng những hy sinh trong cuộc sống gia đình. Cặp vợ chồng trẻ hiện có 1 con gái hơn 2 tuổi, 1 năm qua, vì đam mê họ đã phải cách xa, sống trong cảnh “Ngưu Lang Chức Nữ”.

Nhớ nhà, thương con nhưng vợ chồng trẻ cũng đành kìm nén nỗi buồn xa cách. Đều đặn mỗi tháng anh Trường lại vượt hàng trăm cây số lên Cao Bằng ở với vợ con 7-10 ngày. Trường bảo, vợ chồng anh mong muốn năm 2019 sẽ mở rộng trang trại trồng dâu tây công nghệ cao, giúp trang trại có uy tín trên thị trường cả nước.

Bí quyết thành công

Hỏi Đào Trường bí quyết thành công của vợ chồng anh là gì, Trường đáp dứt khoát: “Không ngừng học hỏi”. Quả thật, đây chính là điểm chung lớn nhất của vợ chồng Trường. Vợ chồng anh mày mò tìm đọc sách nông nghiệp, tài liệu trên mạng Internet.

img

Trường say mê nghiên cứu chăm sóc vườn hồng của hai vợ chồng. (Ảnh: P.V)

Đồng thời, cả hai cũng kết bạn với người nước ngoài qua mạng xã hội để giao lưu, trò chuyện tìm hiểu về công nghệ nông nghiệp của họ. Trường bảo, bất đồng ngôn ngữ là một khó khăn, nhưng sự ham học khiến vợ chồng anh luôn vững tin đi tới.

"Người ta bỏ cuộc còn mình tiếp tục. Khi bọn mình làm người ta bảo hâm, dở. Khi thành công không còn một tiếng dở nào, tất cả đều là tiếng thơm”, Đào Duy Trường tâm sự.

Vậy nên không lạ, ở đâu có mô hình trồng dâu tây, hoa hồng hiệu quả, vợ chồng Trường lại tìm tới để học hỏi. Khi thăm các mô hình anh chụp ảnh tỉ mỉ.

Anh chia sẻ, có người nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, có người không nhiệt tình. Chủ yếu, mình phải chủ động chụp ảnh từ hệ thống máy tưới, từ cái vòm nylon; cái dây buộc, hay sưu tầm ảnh hộp sản phẩm. Từ đó, nghiên cứu kỹ cách loại dây họ dùng, cách họ buộc rút kinh nghiệm cho bản thân.

“Một hệ thống tưới của Hàn Quốc giá hơn 200 triệu chưa có thuế, chưa kể tiền vận chuyển. Thế là mình mày mò tự làm để giảm chi phí”, Trường tâm sự.

Vừa sản xuất, vừa kinh doanh vợ chồng Trường gặp phải nhiều vấn đề, kiến thức cần bổ sung. Như cách tư vấn cho khách hàng, phương thức giao dịch; cách đóng gói hàng… tất cả đều phải học. Đôi khi để có được bài học mình phải trả giá rất đắt. Như vừa rồi, lơ là một chút, công nhân bón phân quá liều biết mặt nhau ngay, cả ruộng dâu bị cháy, rửa mấy ngày mới hết.

Nhưng ông chủ trẻ vẫn tự hào: “Nhà mình có cách đóng gói chậu hoa hồng rất chuyên nghiệp, đảm bảo vận chuyển đi xa có lăn lóc hàng cũng không hề hấn. Mình đang nghiên cứu mẫu hộp đựng dâu tây vừa đẹp, vừa tiện lợi”.

Tài hoa và nhiệt thành, Đào Duy Trường đã được khách hàng trong cả nước tin tưởng. Nhiều khách mua cây của nhà vườn khác, khi cây xuống cấp, cây hỏng nhờ đến Trường, anh đều nhiệt tình giúp đỡ chăm sóc, phục hồi cây bằng những bí quyết về phân bón, thuốc và kỹ thuật riêng.

“Có dạo vườn hồng cổ của một đại gia Quảng Ninh bị hỏng, mình xuống cắt trụi. Bà chủ nhìn thấy buồn phát khóc. Nhưng chỉ hơn tháng sau cây đâm chồi xanh tươi, chị hồ hở khoe ảnh và cảm ơn. Giờ thì vườn hồng của chị ấy nhìn rực rỡ lắm. Mới đây, vợ chồng mình lại chuyển giao thành công 2 mô hình trồng dâu tây công nghệ cao cho 2 đơn vị ở Yên Bái và Quảng Ninh”, Trường phấn khởi nói.