Một là đốt vàng mã và thả cá chép cho Táo chầu trời. Từ một mỹ tục giờ nó đang bị biến tướng thành một... hắc tục. Người ta đốt càng nhiều thì càng tỏ ra nhà mình... có điều kiện hơn nhà khác, lòng mình thành hơn lòng người khác.
Từ những đôi hia, bộ mũ cánh chuồn, tệp tiền âm phủ, giờ “phát huy” và “đổi mới”, “sáng tạo” và “văn minh”... người ta đốt cả ti vi, tủ lạnh, lò vi sóng, đôla euro, cả ôsin để về dưới ấy hầu người nhà mình. Và mới nhất là cả... đồ lót. Từ mỗi táo cưỡi một cá (ba Táo ba cá) thì giờ người ta thả cả đàn, có nhà thả tới 100 con, vợ thả chồng ngồi bắt quyết để... giời thương nhà mình hơn.
Hàng ngàn con cá được phóng sinh trong ngày ông Công ông Táo.
Từ cá để Táo cưỡi lên báo cáo Ngọc Hoàng giờ biến thành phóng sinh. Mà phóng sinh giờ tức là đi bắt cá đang sống dưới sông ngòi ao hồ về bán, người cần thả thì mua lại, rồi lại có người bắt ngay, thậm chí bắt bằng “siệc” điện, cứ thế... quay vòng. Cá này, Táo cưỡi cả tháng chưa tới thiên đình thì làm sao mà... báo cáo.
Hai là tai nạn giao thông. Không thể khác, tết Việt đồng nghĩa với sum họp, mà muốn sum họp thì phải... di chuyển. Trước tết là những cuộc rùng rùng chuyển động hàng trăm đến cả nghìn cây số để về quê. Đủ mọi phương tiện chật cứng, từ máy bay, xe đò, ô tô cá nhân đến xe máy và... đi bộ. Nó là nguồn gốc thứ nhất gây ra tai nạn.
Thứ 2 là tâm lý “tết mà”. Phóng bạt mạng, không mũ bảo hiểm, có hơi men. Ngày 29 tết năm nay, theo báo cáo, đã có 17 người chết, tất nhiên số bị thương thì cao hơn nhiều. Ngày 30 tết, 24 người chết, 26 người bị thương, 36 vụ tai nạn giao thông. Và tính đến ngày 8.2 (mùng 4 tết), sau 7 ngày nghỉ tết, đã có 214 vụ tai nạn giao thông, làm 135 người tử vong, 189 người bị thương. Một con số khiến nhiều người hoảng sợ.
Tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp trong 4 ngày đầu năm. Ảnh: Hoàng Lam.
Thứ 3 là một việc rất buồn cười, năm nào tôi cũng cố thử lý giải mà không ra, ấy là... đánh nhau. Năm nào cũng thế, cứ tết là số vụ đánh nhau tăng cao. Không bụp bụp mấy nhát rồi ai về nhà nấy, dù như thế cũng đã rất... chả ra gì rồi, đằng này đánh nhau nhập viện hẳn hoi. Các năm trước, qua theo dõi, tôi thấy đánh nhau dường như đã trở thành... đặc sản tết.
Năm nay, theo báo cáo nhanh của Bộ Y tế, tính đến sáng mùng 3 tết, các bệnh viện trong cả nước đã tiếp nhận hơn 3.440 người đến cấp cứu sau khi đánh nhau, trong đó hơn 1.820 trường hợp phải điều trị nội trú sau khi đánh nhau và 11 trường hợp đã tử vong. Lại là một con số khiến người ta rùng mình. Đánh nhau để đến mức nhập viện cả mấy nghìn người trong một dịp tết thì nó không bình thường nữa rồi, mà là một cái gì đấy rất khó cắt nghĩa, rất... bí hiểm.
Tết bây giờ, mọi người đã quen với con số thống kê hàng ngày trên báo chí về tai nạn giao thông, đánh nhau... Thống kê hàng ngày, tổng kết 3 ngày, 5 ngày, so sánh năm trước năm sau chi tiết, đầy đủ. 96 người chết trong 5 ngày tết, 135 người tử vong 7 ngày tết... Những con số lạnh lùng, vô cảm lướt qua nhanh đến mức khiến người ta chẳng còn kịp dừng lại mà suy nghĩ, so sánh.
Tai nạn giao thông tết năm nay đã giảm so với năm trước.
Mà năm nay còn là... có tiến bộ, khả quan, vì tai nạn giao thông đã giảm 46 vụ, giảm 60 người chết và 31 người bị thương so với dịp tết 2018; số ca đến bệnh viện cấp cứu do đánh nhau cũng giảm so với tết năm trước.
Hy vọng là, ngoại trừ số người chết vì tai nạn giao thông trong 7 ngày nghỉ tết đã công bố, thì tất cả các thông số, cả tai nạn giao thông lẫn đánh nhau và hệ quả của nó... trong hai ngày còn lại của kỳ nghỉ tết năm nay, cũng như những tết năm sau, sẽ giảm mạnh nữa.
Giảm rồi mất hẳn, tết mới thật vui và đúng ý nghĩa của nó.