Dân Việt

Dâng sao giải hạn khác gì mê tín, sao các chùa vẫn làm?

Hạ Anh (tổng hợp) 12/02/2019 10:26 GMT+7
Sau Tết Nguyên đán, hàng vạn người lại đổ về các chùa để làm lễ cúng dâng sao giải hạn cho cả gia đình với mong muốn một năm mới bình an. Theo đạo Phật, việc cúng dâng sao giải hạn là mê tín nhưng vì sao các chùa vẫn làm?

Đầu năm mới, rất nhiều người đổ về các ngôi chùa để cúng dâng sao giải hạn. Hình ảnh các hàng ngàn người ngồi chờ đợi và cầu khấn trước cửa chùa trong những ngày gần đây là một lần nữa khiến dư luận có nhiều tranh cãi.

Theo Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam (www.phatgiao.org.vn) trong giáo lý Phật đà không có cái gọi là cúng sao, giải hạn. Theo thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng ban Phật giáo Quốc tế - Giáo hội Phật giáo Việt Nam trả lời trên báo Lao động việc cúng dâng sao giải hạn xuất phát từ tâm lý bất an, tự gieo nên nỗi sợ hãi của con người.

Cũng theo ông, Đạo Phật luôn chống lại những tập tục mê tín dị đoan và không cho phép các nhà chùa thực hiện việc cúng dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, vẫn  có không ít những chùa đang đi ngược lại với điều này.

img

Hàng ngàn người ngồi chờ đợi cúng dâng sao giải hạn đầu năm. Ảnh: Zing.

Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam cũng dẫn lời Hòa thượng Thích Thanh Từ đã đăng trong cuốn "Bước đầu học Phật" cũng khẳng định việc làm cúng dâng sao giải hạn là lạc hậu.

Hòa thượng viết: “Lệ cúng sao hạn, thật là lạc hậu lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số. Nó là cái gì mà chúng ta phải cúng!”

Bên cạnh đó, ông cũng chỉ ra rằng việc làm những điều chưa hợp lý trong việc cúng dâng sao giải hạn mà theo tục lệ chùa quê đang làm.

“Tục lệ các chùa quê, vào ngày mùng chín tháng giêng là cúng sao Hội. Người Phật tử nào không gửi tên cúng sao, xem như năm ấy không được bảo đảm an ninh. Song người chủ cúng sao cho quí vị, có bảo đảm an ninh chưa? Có lẽ quí vị ấy quên ghi tên mình trong bài sớ cúng sao chớ gì? Thật là vô lý, đạo lý nhân quả đức Phật dạy rành rành trong kinh, mà người ta bất chấp. Thân tổng báo của chúng ta có lẫn lành với dữ, khi nhân lành đến thì hưởng quả lành, khi nhân dữ đến thì chịu quả dữ, không thể chạy trốn được. Chỉ có tạo nhân lành nhiều, khi quả dữ đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt… Không nên cúng sao cúng hạn để cầu được an vui là điều phi lý”.