Dân Việt

Giáp Tết, du chợ Cán Cấu rực rỡ sắc màu

20/01/2012 06:50 GMT+7
Dân Việt - Vốn nổi tiếng là khu chợ phiên tấp nập nhất nhì Lào Cai, trong không khí những ngày giáp Tết này, chợ Cán Cấu lại càng nhộn nhịp và rực rỡ hơn bao giờ hết.

Chợ của “nàng” Mông Hoa

Chợ Cán Cấu nằm trên địa phận xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, cách thành phố Lào Cai 90km, và cách thị trấn Bắc Hà khoảng 15km về phía bắc.

img
Không khí tấp nập tại chợ Cán Cấu

Chợ họp vào ngày thứ Bảy hàng tuần, là nơi giao lưu buôn bán của đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Si Ma Cai.

Ngay từ lúc tinh mơ, dòng người từ các làng bản đã nô nức kéo nhau đi họp chợ. Trong những ngày giáp Tết này, những gian hàng váy vóc, quần áo và thực phẩm khô đắt khách hơn cả. Ai cũng muốn gia đình mình có một cái Tết đủ đầy, ấm no, để bắt đầu một năm mới hạnh phúc.

Với mỗi chiếc váy dệt và thêu tay của người Mông Hoa, giá bán dao động từ 150-250 nghìn đồng. Phụ nữ háo hức thử váy, ngay cả những “bà đầm Tây” cũng bị váy thêu người Mông… hớp hồn.

img
Say sưa với chiếc váy vừa mua

Trong khi đó, tại một khoảng đất rộng rất gần khu chợ chính, những người đàn ông đang mải mê bán trâu, tậu trâu và… đếm tiền. Đối với nhà nông, con trâu đúng là đầu cơ nghiệp. Vì thế, lựa trâu và mua trâu sao cho đáng đồng tiền bao giờ cũng phải được cân nhắc cẩn trọng.

Theo kinh nghiệm, người dân thường xem răng để đoán tuổi trâu, nhìn lông, vai, cổ, sừng và móng để đoán sức trâu. Thông thường, giá trâu ở chợ Cán Cấu thường ở khoảng từ 7-25 triệu đồng/con.

Thật thà như chợ Cán Cấu

Hỏi tới 10 người “Cán Cấu nghĩa là gì?”, từ những ông già, bà cả cũng đều lắc đầu chịu thua. Chỉ biết rằng, khu chợ này đã có từ rất lâu, mỗi năm thêm sầm uất, khách Tây khách ta đủ cả, nhưng nét đơn sơ, mộc mạc vẫn được gìn giữ vẹn nguyên.

img
Ớt khô – một đặc sản ở Si Ma Cai

Vừa dắt xe vào bãi, tôi đang ngơ ngác không biết bác bảo vệ ở đâu, anh hướng dẫn viên cho đoàn khách Tây đã nhanh nhẹn nói: “Em cứ khóa cổ xe vào thôi. Ở đây, không có người trông đâu, cũng chẳng mất được mà sợ”. Tôi gật đầu lia lịa, cảm ơn và răm rắp làm theo. Bộ quần áo mưa lấm lem bùn sình tôi cũng vắt tạm lên yên. Xe còn chẳng lo mất, chẳng lẽ lại tiếc bộ áo mưa. Với lại, nhìn xung quanh, ai cũng làm thế cả …

Dù tất bật ngồi bán gừng tươi, nhưng khi bị hỏi, chị Pà cũng nhiệt tình tiếp chuyện tôi khá dài. Chị kể, từ khi biết đi họp chợ tới nay, chị chưa từng nghe tới chuyện ai bị mất xe, mất đồ bao giờ cả. Ngay cả việc bán giá cắt cổ cho khách du lịch chị cũng chưa từng làm.

“Bán đắt cho người ta, mình về nhà sẽ thấy áy náy, tối ngủ không ngon rồi sinh bệnh ra. Tốt nhất là không làm thế”, chị Pà tâm sự.

Có lẽ trường hợp như chị Pà không phải là đặc biệt ở khu chợ vùng cao này.Vì thế, việc mặc cả cũng không khiến ai đó cảm thấy đau đầu nhức óc, chỉ đơn giản là “đánh nhời” kéo giá xuống một chút cho… vui chợ mà thôi.

Giữa tiết trời lạnh giá, những bàn tay trở nên run rẩy, tím tái, nhưng nụ cười vẫn nở, ánh mắt vẫn ấm áp tình người. Đó là ấn tượng sâu đậm nhất về chợ Cán Cấu đọng lại trong lòng khách du lịch bốn phương.