Đua nhau làm kinh tế
Ở thành phố chưa có nhà ở, công việc lại bấp bênh nên năm 2016 vợ chồng anh Đào Quang Đạt ở xóm 8, xã Khánh Tiên, huyện Yên Khánh quyết định về quê làm nông nghiệp. Với 4 mẫu ruộng nằm ven dòng sông Đáy, vợ chồng anh đã tiến hành cải tạo, một phần diện tích thì đào ao thả cá, đất vượt lên trồng cây ăn quả, phần còn lại thì nuôi gà, vịt đẻ…
Anh Đạt chia sẻ, ban đầu anh gặp rất nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm và nhất là thiếu vốn để mở rộng sản xuất. Được sự tư vấn, giới thiệu của các đoàn thể, anh tham gia Tổ tiết kiệm và Vay vốn (TKVV) và được vay số tiền 50 triệu đồng từ nguồn vốn giải quyết việc làm.
Nhờ nguồn vốn trên cộng với số tiền tích lũy của gia đình, anh đã đầu tư, xây thêm chuồng trại, mua thêm con giống tốt để chăn nuôi.
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, nhiều hộ dân Ninh Bình đã đầu tư làm trang trại hiệu quả. ảnh: Đức Thịnh
Đến nay, mỗi năm, gia đình xuất bán khoảng 3 tấn cá, 6-7 tấn gà thương phẩm và hàng vạn quả trứng vịt, trừ chi phí thu lãi gần 100 triệu đồng. “Có công ăn việc làm, cuộc sống ổn định, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Nếu được vay thêm vốn, tôi sẽ đầu tư để nuôi cá theo phương thức công nghiệp, khi đó chắc chắn lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều”-anh Đạt nói.
Với diện tích 5ha, quy mô nuôi 8.000 vịt trời đẻ, anh Phạm Văn Nhật là 1 trong những điển hình phát triển kinh tế ở xã Khánh Tiên (Yên Khánh). Anh Nhật cho biết: “Đầu tư chuồng trại, ao nuôi rất tốn kém nên có bao nhiêu vốn cũng không xuể. Năm 2017 được Ngân hàng CSXH tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng tôi sắm thêm một lò ấp trứng, nhờ vậy chủ động hơn trong việc sản xuất con giống”.
Được biết, hiện trang trại nuôi vịt trời của anh Nhật tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Hường - Tổ trưởng TKVV xã Khánh Tiên chia sẻ: Khu vực xóm 7, xóm 8 ven sông Đáy này xưa kia chỉ là vùng đất hoang hóa, chẳng ai nhòm ngó tới. Nhưng vài năm trở lại đây đã trở nên nhộn nhịp hơn, nhà nào nhà nấy đua nhau làm kinh tế. Nhiều hộ trước đây khó khăn được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng CSXH đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng các gia trại, trang trại chăn nuôi, thủy sản, nhờ đó cải thiện được thu nhập, cuộc sống khá lên trông thấy.
Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm của người dân địa phương khá cao nhưng nguồn vốn phân bổ chưa đủ nên đề nghị ngân hàng bổ sung nguồn vốn cho vay chương trình này.
Hơn 96.000 hộ vay vốn ưu đãi
Lãnh đạo Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Khánh cho biết: Xác định nguồn vốn vay giải quyết việc làm là một trong những kênh quan trọng hỗ trợ người dân trên địa bàn huyện phát triển sản xuất, kinh doanh, Phòng giao dịch đã chủ động phối hợp với các xã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tiếp cận nguồn vốn này.
Theo đó, hàng năm, căn cứ vào nhu cầu vốn của các xã, đơn vị sẽ rà soát và phân bổ vốn trên cơ sở ưu tiên những nơi khó khăn, những xã bị thu hồi đất nông nghiệp, hoặc có nhiều làng nghề, sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Đến nay, đã có gần 32.000 lao động trên địa bàn huyện được tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Hiện, dư nợ nguồn vốn chương trình giải quyết việc làm trên địa bàn Yên Khánh là trên 12 tỷ đồng, cho hơn 300 khách hàng vay.
Bà Nguyễn Thị Hằng - Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai thực hiện 10 chương trình tín dụng chính sách với tổng dư nợ đạt trên 2.145 tỷ đồng với 96.034 hộ còn dư nợ, tăng gấp 16,8 lần so với khi mới thành lập. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm là 21,4%/năm.