Dân Việt

Giá lúa giảm, nông dân lo, Cần Thơ họp "nóng" sau Tết

Huỳnh Xây 13/02/2019 16:03 GMT+7
Lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ cùng với doanh nghiệp, ngân hàng họp "nóng" sau Tết bàn các giải pháp hỗ trợ khi giá lúa đông xuân 2019 đang rục rịch giảm.

Hôm nay (13.2), lãnh đạo UBND TP.Cần Thơ đã có cuộc họp với các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo và 13 ngân hàng (có chi nhánh tại Cần Thơ) để bàn giải pháp, kế hoạch hỗ trợ người dân trước tình hình giá lúa đông xuân 2019 giảm.

img

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh doanh lúa gạo ở TP.Cần Thơ cho rằng phía ngân hàng cần hỗ trợ thêm về vốn

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NNPTNT TP.Cần Thơ cho biết, hiện nay mới vào đầu vụ thu hoạch lúa đông xuân 2019. Theo đó, đã có 1.123/81.264ha thu hoạch, tập trung nhiều ở các địa phương như Cờ Đỏ, Thốt Nốt và Thới Lai. Thời gian thu hoạch sẽ kéo dài đến hết tháng 2.2019.

"Trong số 81.264ha lúa đông xuân, chỉ có khoảng 21 nghìn ha là có hợp đồng tiêu thụ, số diện tích còn lại chưa có hợp đồng sẽ bị phụ thuộc giá vào thương lái. Tuy nhiên, sau khi ăn tết xong, giá lúa đông xuân đã có xu hướng giảm (giá lúa trong ngày 13.2 chỉ còn khoảng 4.300 đồng/ký, giảm khoảng 100 đồng/ký so với 2 ngày trước đó - PV). Tình trạng này nếu kéo dài sẽ khiến cho doanh nghiệp và người dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, ngành chức năng cần phải có giải pháp hỗ trợ kịp thời" - ông Hè nói.

img

Giá lúa đông xuân trên địa bàn TP.Cần Thơ đang giảm (Ảnh: internet)

Đại diện các doanh nghiệp lớn đang bao tiêu thu mua lúa trong dân cho biết, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng  đủ lớn để thu mua lúa trong dân là rất khó khăn, khiến cho việc thu mua xuất khẩu gặp trở ngại. Đặc biệt trong thời điểm này các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh việc thu mua để các thương lái không có cơ hội "ép giá", đẩy giá thị trường tiếp tục đi xuống.

Các doanh nghiệp còn cho rằng, đang bị thiếu thông tin thị trường, đặc biệt là thị trường lớn là Trung Quốc (thường xuyên thay đổi về chính sách; ngày càng kiểm soát khó hơn về chất lượng sản phẩm).

img

Ngoài vốn vay ngân hàng, các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo còn cho rằng đang bị thiếu thông tin về thị trường

Trước tình trạng trên, phía các ngân hàng cho biết, sẽ có báo cáo khẩn đến cơ quan chủ quản để xin ý kiến cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho các doanh nghiệp. 

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói: "Do là mùa vụ đang thu hoạch nên phải cần hỗ trợ nhanh. Trước mắt, tôi đề nghị chi nhánh các ngân hàng báo cáo khẩn ra cơ quan chủ quản ở Trung ương xem xét cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân như đã nói ở trên. Về phía Hội Nông dân thành phố cũng phải có báo cáo khẩn gửi ra Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và nhờ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có ý kiến gửi sang các ngân hàng nhờ can thiệp, làm sao cho nguồn vốn về sớm".

"Việc nhờ các ngân hàng xem xét cho nâng hạn mức cho vay, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nói ở trên là đối với các doanh nghiệp lớn. Còn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, tôi chỉ đạo Giám đốc Sở Công thương chủ trì một cuộc họp ngay trong ngày 13.2 với cơ quan tín dụng và các cơ quan có liên quan để hỗ trợ vốn thu mua lúa gạo trong dân" - Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ nói.

Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cũng đề nghị Sở Công thương, Sở NNPTNT tiếp cận nắm thông tin thị trường lúa gạo từ các bộ, ngành Trung ương về báo lại cho doanh nghiệp sớm, đặc biệt là các cuộc đàm phán quan trọng, chính sách mới của thị trường có sức ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu như Trung Quốc.

Nhận thấy cần phải có sự hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp, ngày 11.2 vừa qua, ông Võ Thành Thống - Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ đã chỉ đạo các sở, ngành có liên quan kiểm tra tình hình thu hoạch, thu mua lúa gạo trên địa bàn thành phố sau Tết Nguyên đán 2019. Từ đó tham mưu cho lãnh đạo UBND thành phố hướng hỗ trợ hợp lý, kịp thời.