Ngày trước, người ta gọi chợ phiên Tam Lộng là "chợ lứa đôi" ngày áp Tết bởi mỗi năm chợ chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 25 tháng Chạp và đó chính là dịp để những mối tình thầm kín giữa các thanh niên nam nữ Dao trong vùng được công khai thừa nhận.
Nhờ chợ phiên, bao lứa đôi đã thành vợ chồng. |
"Chợ lứa đôi" chỉ họp từ lúc mặt trời lên khỏi ngọn tre đến xế chiều. Người đến chợ ngoài sơn nam, sơn nữ còn có cả ông già bà cả đi cùng. Họ đi chợ không phải để sắm tết, mà để chứng kiến lời giao ước kết bạn trăm năm của con cháu.
Trai gái đến chợ đa phần đã quen nhau và để ý nhau từ trước, chỉ đợi đúng ngày chợ họp để ra mắt, giới thiệu với mẹ cha mong được "bề trên" chứng kiến và "tác thành" cho tình yêu của họ. Các sơn nữ Dao đến chợ, cô nào cũng có xiêm áo mới; yếm màu sặc sỡ; chân, tay, cổ đeo đầy vòng bạc. Trang phục rực rỡ ấy chính là kết quả của cả một quá trình suốt 5 - 6 tháng các cô cần mẫn tự dệt. Còn với những chàng trai đa cảm, để có thể dành đủ tiền mua tặng người bạn đính ước một bộ xà tích bằng bạc, nhiều người phải gắng gỏi đi rừng tìm mật, tìm mây cả năm trước đó.
Gặp nhau ở chợ, họ chuyện trò vui vẻ, mời mọc nhau ăn uống, rồi trao nhau kỷ vật, để rồi khi trời tà bóng xế, đôi bên chia tay, mỗi người mỗi ngả về chuẩn bị ngày hợp hôn. Các cụ cũng theo con cháu ra về, sau khi thỏa thuận với nhau những chi tiết về lễ vật, về ngày giờ hỏi cưới.
Những bậc cao niên nơi đây giải thích rằng, sở dĩ thanh niên Dao tha thiết đón đợi phiên chợ lứa đôi không chỉ vì được chính thức hóa mối tình thầm kín của mình mà đó còn là cơ hội cuối cùng để các cô, các cậu gặp nhau trò chuyện trước khi thành vợ thành chồng. Từ sau ngày đi hỏi, tục lệ bắt đôi bên không được phép gần nhau chuyện trò nữa, dù có gặp nhau giữa đường cũng phải nhìn đi nơi khác. Thời gian có khi kéo dài hàng năm, có khi 5 - 6 tháng, tùy sự thỏa thuận giữa đôi bên cha mẹ.
Vinh Minh