Dân Việt

Chính sách cho HTX - nhiều vẫn cứ thiếu

Trần Thế 17/02/2019 06:15 GMT+7
Thời gian qua, TP.HCM đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm hỗ trợ các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp phát triển, nhưng với tình hình thực tế, chính sách thiếu vẫn cứ thiếu…

Theo Sở NNPTNT TP.HCM,  trong giai đoạn 2016-2018, thành phố đã vận động thành lập mới 20 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp tại các xã xây dựng nông thôn mới (NTM).

“Nước” về vùng trũng…

img

Nuôi tôm tại HTX Hiệp Thành (Nhà Bè, TP.HCM).  Ảnh: T.T.Đ

Được biết, UBND TPHCM đã giao Sở Xây dựng lấy ý kiến của các sở ngành và địa phương để soạn dự thảo xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp trên đất nông nghiệp trình UBND TP để tìm hướng tháo gỡ khó khăn cho các HTX.

Cũng theo Sở NNPTNT TP.HCM, cũng trong thời gian này, thành phố đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển HTX, như: Chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho HTX; chính sách hỗ trợ cán bộ có trình độ về làm việc tại HTX; chính sách hỗ trợ lãi vay cho HTX khi tham gia vay vốn từ quỹ trợ vốn xã viên HTX... Đặc biệt là chính sách hỗ trợ ứng dụng, đổi mới nâng cao trình độ khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm cho HTX.

Theo đó, các HTX đã được hỗ trợ 50 mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, như: Mô hình canh tác rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP; mô hình nhà lưới trồng rau có sử dụng phân sinh học và hệ thống tưới tự động; mô hình nuôi cá kiểng, cá thịt, cá giống, nuôi tôm, nuôi cua; mô hình cơ giới hóa trong chăn nuôi bò sữa,... thành phố cũng hỗ trợ chứng nhận VietGAP cho các HTX: Tân Đức (quận 9), Xuân Lộc (quận 12), Hóc Môn Đơn Dương (huyện Hóc Môn), Phước An (huyện Bình Chánh), Tổ hợp tác rau Trung Hiệp Thạnh (xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi). Hỗ trợ xây dựng mô hình truy xuất nguồn gốc rau cho HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi), HTX Phước An (huyện Bình Chánh).

“Sau khi được hỗ trợ, hiệu quả hoạt động của một số HTX được lựa chọn xây dựng HTX điển hình, tiên tiến đã nâng lên rõ rệt. 3/7 HTX tiên tiến đã thực hiện thu mua 80-100% sản phẩm do hộ thành viên cung cấp. Từ việc chỉ thu mua sản phẩm thô, nay HTX đã thực hiện sơ chế chế biến, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm”- ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh văn phòng Điều phối NTM thành phố nhận xét.

Phó Giám đốc HTX Phước Khanh - ông Đào Văn Đức cho biết, tham gia sản xuất rau an toàn cho HTX, nông dân được hỗ trợ về cây giống, thuốc BVTV, phân bón. Với việc HTX liên kết với một số doanh nghiệp, siêu thị cho đầu ra của sản phẩm, thời gian qua HTX đã thu mua hết 100% sản phẩm cho thành viên.

Thiếu cái trọng yếu

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Thành ủy về Chương trình xây dựng NTM thành phố, các HTX nông nghiệp tại các xã xây dựng NTM đã góp phần cùng các thành phần kinh tế khác cung cấp nguồn nông sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng trong và ngoài thành phố. Tuy nhiên, một số HTX đang có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất nông nghiệp, như: Nhà lưới, chuồng, trại chăn nuôi,  nhà kho để vật tư, nông sản, nhà sơ chế... do vướng quy định chỉ xây dựng các công trình trên đối với “đất nông nghiệp khác” nên đang gặp khó khăn về giấy phép xây dựng.

Thời gian qua, tại nhiều cuộc họp của thành phố, nhiều kiến nghị đã đưa ra nhằm giải quyết các vướng mắc này cho HTX nhưng vẫn chưa có lời giải. Ròng rã nhiều năm cầm đơn đi xin địa phương, sở ngành hỗ trợ xây dựng nhà sơ chế, nhà chứa vật tư trên đất nông nghiệp, nhưng nay lãnh đạo HTX Phước An đã quyết định bỏ cuộc.

Trải qua nhiều năm, nhà sơ chế của HTX đã quá cũ, đồng thời diện tích quá nhỏ so với quy mô sản xuất nhưng không thể mở rộng thêm, trong khi theo quy định chuẩn VietGAP cần phải có nhà kho, nhà sơ chế tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Thích - Giám đốc HTX Phước An, vừa qua, Sở Xây dựng thành phố hướng dẫn nếu muốn xây dựng nhà sơ chế phải chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. HTX buộc phải tháo dỡ toàn bộ nhà sơ chế cũ trả lại hiện trạng ban đầu là đất trống, mới được chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác. Nhưng nếu làm vậy lại vướng Luật Đất đai. Ông Thích cho biết thêm, HTX đang muốn xây dựng trụ sở làm việc mới nhưng cũng lại vướng đất đai không đúng quy hoạch.

Giám đốc HTX Phú Lộc Trần Văn Chánh cũng than thở, muốn chuyển đổi sang đất nông nghiệp khác thì cơ sở hạ tầng trên đất phải trả nguyên trạng, trong khi hầu hết đất canh tác hiện nay là đất thuê của người dân, càng khiến thủ tục thêm rắc rối.