Lễ hội Lồng Tồng (hay còn gọi là lễ hội xuống đồng) là lễ hội truyền thống của dân tộc Tày. Đây cũng là lễ hội quy tụ những sắc thái văn hóa đặc trưng nhất của các dân tộc như Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu,... nhằm cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, đời sống ấm no.
Đánh trống khai hội.
Lễ hội Lồng Tồng được chính thức phục dựng từ năm 2002. Kể từ đó đến nay, cứ đến ngày mồng 10 tháng Giêng hằng năm, nhân dân 8 dân tộc anh em sinh sống tại thủ đô kháng chiến ATK Định Hóa (Tày, Nùng, Dao, Sán Chay, Sán Dìu, Hoa, Kinh và Mông) lại nô nức tổ chức lễ hội Lồng tồng tại xã Phú Đình (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên).
Năm nay, lễ hội có sự tham gia của đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và du khách thập phương. Lễ hội mang tính giáo dục truyền thống tốt đẹp, sôi nổi lành mạnh và thiết thực, là nét sinh hoạt mang tính cộng đồng thể hiện sự đoàn kết, tinh thần gắn bó giữa các dân tộc cũng như thể hiện các giá trị văn hóa, tôn vinh bản sắc các dân tộc.
Điểm đặc biệt của lễ hội năm nay là có sự kết hợp hài hòa giữa các yếu tố văn hóa truyền thống và yếu tố văn hóa mới.
Tại lễ hội có sự xuất hiện của những nghi lễ truyền thống có từ lâu đời của các dân tộc như: Lễ cầu mùa của dân tộc Tày, dân tộc Sán Chay; lễ cầu phúc của dân tộc Dao; lễ xuống đồng; các trò hội dân gian như hội tung còn, hội múa lân, bịt mắt bắt dê, đi cầu thăng bằng…
Lễ xuống đồng
Thi giã bánh giầy
Thi bắn nỏ
Đi cầu thăng bằng
Ngoài ra đến với lễ hội, du khách còn được đắm mình trong những điệu hát then, điệu hát ví mượt mà của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Định Hóa và đặc biệt là được thưởng thức hương vị đậm đà của trà Định Hóa. Đây sẽ là dịp để du khách tìm về với những giá trị lịch sử của khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, Thái Nguyên.