Dân Việt

Khối ngoại mua 14 triệu cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang có thêm 2.067 tỷ

Nguyên Phương 14/02/2019 19:25 GMT+7
Khối ngoại trên TTCK Việt Nam ngày 14.2 xuất hiện giao dịch đột biến khi mua ròng 1.454,8 tỷ đồng, trong đó, cổ phiếu MSN bất ngờ được khối ngoại mua thỏa thuận hơn 14 triệu cổ phiếu, trị giá 1.189,88 tỷ đồng. Nếu tính cả 4 phiên tăng giá liên tiếp gần đây của cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group đã có thêm 2.067 tỷ đồng.

Khối ngoại bỏ nghìn tỷ mua ròng MSN

Ít phút sau khi chinh phục thành công cột mốc 950 điểm trong phiên giao dịch sáng 14.2, VnIndex bắt đầu chịu áp lực điều chỉnh do tâm lý chốt lời diễn ra ở nhiều cổ phiếu đã liên tục tăng trưởng trong những phiên giao dịch đã qua.

Bước vào phiên chiều, áp lực chốt lời vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều cổ phiếu. Tuy nhiên, sắc xanh ở bộ ba “cổ phiếu họ Vin”, VNM vẫn giúp VnIndex tăng 7,09 điểm (0,75%) lên 952,34 điểm. Còn HNX-Index giảm 0,38 điểm (-0,35%) xuống 106,12 điểm.

img

Sắc xanh ở bộ ba “cổ phiếu họ Vin” giúp VnIndex tăng 7,09 điểm (0,75%) lên 952,34 điểm. (Ảnh: TVSI)

Khối ngoại trên TTCK Việt Nam hôm nay mua ròng với giá trị đột biến, lên tới 1.454,8 tỷ đồng, trong khi khối lượng mua ròng đạt 20,6 triệu cổ phiếu. Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng 21,6 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng 1.468 tỷ đồng.

Cổ phiếu MSN, cổ phiếu này bất ngờ được khối ngoại mua thỏa thuận hơn 14 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 1.189,88 tỷ đồng. Tính cả giao dịch khớp lệnh thì khối ngoại đã mua ròng 14,6 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng giá trị 1.230,8 tỷ đồng. Còn VCB, VNM, HPG lần lượt được khối ngoại mua ròng với giá trị 61 tỷ đồng, 50 tỷ đồng và 42,2 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, VHM đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị bán ròng khoảng 17,7 tỷ đồng. Tiếp theo, DQC và DRC lần lượt bị bán ròng với giá trị 10 tỷ đồng và 8,7 tỷ đồng.

Sau 3 phiên tăng trưởng liên tục, nhiều cổ phiếu chịu áp lực điều chỉnh đã đảo chiều giảm điểm như ACB, PVS, PVD, VPB, PLX…

Đà tăng của chỉ số VnIndex tiếp tục được duy trì nhờ vào sắc xanh ở bộ ba “cổ phiếu họ Vin”. Theo đó, Trong đó, VIC tăng 3,58% lên 112.900 đồng, VHM tăng 2,38% lên 81.900 đồng, VRE tăng 3,62% lên 31.500 đồng.

Một số cổ phiếu vốn hóa lớn khác cũng tăng trưởng tốt là VNM tăng 0,8% lên 139.400 đồng, VCB tăng 0,67% lên 60.200 đồng, SAB tăng 0,8% lên 238.000 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu ngành thép, HPG dù không còn tăng mạnh, nhưng cũng duy trì sắc xanh khi tăng 0,32% lên 31.000 đồng, còn HSG tăng 2,15% lên 7.600 đồng.

img

4 phiên tăng giá liên tiếp gần đây của cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang đã có thêm 2.067 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản của các tỷ phú USD Việt Nam tiếp tục thay đổi. Tài sản tỷ phú Phạm Nhật Vượng tăng 6.239,89 tỷ đồng (3,58%) sau khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày 13.2. Trong khi đó, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận phiên giảm thứ hai liên tiếp với mức giảm 199,74 tỷ đồng (0,9%) xuống 21.901,66 tỷ đồng.

Còn tài sản tỷ phú Trần Đình Long vẫn duy trì đà tăng trưởng, đạt mức 11.828,27 tỷ đồng sau phiên giao dịch ngày 14.2.

Đối với ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group, dù chỉ sở hữu 15 cổ phiếu MSN, song nếu tính cả 4 phiên tăng giá liên tiếp gần đây của cổ phiếu MSN, ông Nguyễn Đăng Quang đã có thêm 2.067 tỷ đồng.

Hiện tại, ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu 26.449 cổ phiếu MCH của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, gián tiếp sở hữu 177.129.697 cổ phiếu MSN thông qua 48,5% cổ phần tại CTCP Masan và 75.057.002 cổ phiếu MSN thông qua 48,5% cổ phần tại Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương. Ngoài ra, ông Quang còn sở hữu 9.403.176 cổ phiếu TCB và 112.920 cổ phiếu tại công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ, Thiết bị và Kiểm định Xây dựng - CONINCO (CNN).

Thép xây dựng Hòa Phát đạt sản lượng gần 250.000 tấn

Ngay trong tháng đầu năm 2019, thép xây dựng Hòa Phát đã đạt mức sản lượng gần 250.000 tấn, tăng 27% so với cùng kỳ. Trong tổng sản lượng trên, khu vực miền Trung và miền Nam đóng góp 48.800 tấn, còn lại là đóng góp của miền Bắc. Theo anh Đinh Quang Hiếu – Trưởng phòng Kinh doanh Thép Hòa Phát, đây là thời điểm các đại lý lấy hàng nhằm chuẩn bị cho tiêu thụ sau tết, phục vụ các công trình xây dựng dân dụng cũng như các dự án.

Thị trường xuất khẩu thép Hòa Phát cũng ghi nhận mức khá cao với 34.600 tấn. Trong đó, Mỹ và Campuchia đóng góp chính vào sản lượng xuất khẩu, lần lượt là 12.000 và 11.772 tấn. Ngoài ra, thép Hòa Phát còn được xuất tới Nhật Bản (7.300 tấn), Indonesia, Lào, Australia và nhiều thị trường khác.

Thép dây cuộn chất lượng cao chiếm 66,4% tổng lượng thép xuất khẩu, chủ yếu đi thị trường Mỹ, Nhật Bản. Một số nhà nhập khẩu từ Nhật Bản cho biết, do quốc gia này đã tự sản xuất được thép thanh và thường chỉ nhập thép dây cuộn chất lượng cao (hàm lượng các bon thấp) vì trong nước chưa sản xuất được. Đây chính là lý do năm vừa qua thép Hòa Phát đã xuất khẩu sang quốc gia này với sản lượng gấp 20 lần so với 2017 và thời gian tới sẽ vẫn còn nhiều tiềm năng.

Với dây chuyền cán thép đầu tiên tại Dung Quất đã hoạt động ổn định và dự kiến dây chuyền thứ 2 của giai đoạn 1 sẽ có sản phẩm trong cuối quý II, Hòa Phát đặt mục tiêu sản lượng 3,3 triệu tấn thép xây dựng các loại trong năm 2019. Riêng trong tháng 1, nhà máy cán thép tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất đã đóng góp 42.700 tấn.