Dân Việt

Máy bay Vietjet gặp sự cố, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 800 tỷ đồng

Hoàng Nhật 15/02/2019 19:16 GMT+7
Tuần giao dịch đầu năm mới Kỷ Hợi 2019 diễn ra không mấy suôn sẻ đối với cổ phiếu VJC của Vietjet Air. 3 phiên giảm điểm liên tiếp của cổ phiếu VJC đã khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 800 tỷ đồng.

VnIndex đánh mất đà tăng, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo giảm 800 tỷ đồng

Sau những phiên tăng điểm liên tiếp, TTCK Việt Nam bắt đầu đối mặt với gặp áp lực chốt lời kể từ thời điểm chỉ số VnIndex vượt ngưỡng 950 điểm trong phiên giao dịch nsáng 14.2.

Bước sang phiên giao dịch sáng 15.2, VnIndex về dưới mốc 950 điểm trong bối cảnh nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn đã chìm trong sắc đỏ và thị trường không còn nhận được sự hỗ trợ tích cực của bộ ba “cổ phiếu họ Vin” là VIC, VHM, VRE.

Sự phân hóa mạnh ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn là nét nổi bật trong phiên giao dịch chiều 15.2. Trong khi các cổ phiếu như VJC, VCB, SHB, MSN, HDB chìm trong sắc đỏ thì các cổ phiếu BID, HPG, HSG, GAS tiếp tục duy trì sắc xanh.

Tuy nhiên, sắc xanh ở một số ít cổ phiếu vốn hóa lớn là không đủ để duy trì đà tăng trưởng của chỉ số VnIndex. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15.2, VnIndex giảm 1,45 điểm (0,15%) xuống 950,89 điểm. Còn HNX-Index vẫn giữ mức 106,11 điểm.

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 15.2, VnIndex giảm 1,45 điểm (0,15%) xuống 950,89 điểm. (Ảnh: TVSI)

Khối ngoại trên TTCK Việt Nam tiếp tục mua ròng đạt 7,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng là 132,8 tỷ đồng. Trên sàn HoSE, khối ngoại có phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp.

Trong đó, HPG tiếp tục dẫn đầu danh sách mua ròng với mức mua ròng 106,2 tỷ đồng. Tiếp đó, E1VFVN30 được khối ngoại mua ròng 43,7 tỷ đồng. Còn PVD và VNM lần lượt được mua ròng 26 tỷ đồng và 21,6 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, DHG đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại với giá trị bán ròng đạt 30,4 tỷ đồng. CII và VNM bị bán ròng lần lượt 17,6 tỷ đồng và 15 tỷ đồng.

Trong phiên giao dịch hôm nay, việc bộ ba “cổ phiếu họ Vin” đảo chiều giảm điểm đã tạo tác động không nhỏ tới chỉ số VnIndex. Trong đó, VIC giảm 0,8% xuống 112.000 đồng, VHM giảm 0,9% xuống 81.200 đồng, VRE giảm 1,7% xuống 30.950 đồng.

Ở chiều ngược lại, VNM, GAS, HPG lại đóng vai trò là trụ đỡ giúp ngăn đà giảm của VnIndex. Cụ thể, GAS tăng 1,6% lên 94.000 đồng, VNM tăng 0,6% lên 140.200 đồng, HPG ghi nhận phiên điểm tăng thứ 5 liên tiếp với mức 1,9% lên 31.600 đồng.

img

Giá trị giao dịch của VJC đã giảm 4.600 đồng/cổ phiếu sau 3 phiên khiến tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 800 tỷ đồng. (Ảnh: Internet)

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là VJC tiếp tục có phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp trong. Trong hai phiên trước, bất chất thị trường tăng mạnh, VJC vẫn giảm giá. Còn ở phiên giao dịch ngày 15.2, VJC giảm 2.100 đồng xuống 121.300 đồng.

Như vậy, giá trị giao dịch của VJC đã giảm 4.600 đồng/cổ phiếu sau 3 phiên khiến tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo “bốc hơi” 800 tỷ đồng. Diễn biến tiêu cực của cổ phiếu VJC diễn ra sau khi máy bay của Vietjet Air bị bục lốp tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) vào sáng 12.1.

Đại diện Vietjet Air cũng đã xác nhận thông tin trên và cho biết thêm đây là chuyến bay từ Phú Quốc đi TP.HCM hạ cánh lúc 7h33 sáng ngày 12.2 năm 2019. Đây là sự cố thứ 2 liên quan đến máy bay của VietJet kể từ đầu năm Kỷ Hợi và là sự cố thứ 2 liên quan đến lốp máy bay trong hơn 2 tháng qua.

Vietjet Air tăng trưởng chậm lại

Đà tăng trưởng này của Vietjet bất ngờ chững lại trong năm 2018 dù hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty (vận tải hành khách) đạt kỷ lục.

Cụ thể, báo cáo tài chính quý IV.2018 của Vietjet cho biết quý cuối cùng trong năm 2018 hãng hàng không này ghi nhận 18.453 tỷ đồng doanh thu. Dù ở mức cao so với những quý trước đó, so với cùng kỳ, chỉ số này đã giảm 7%.

Trong quý IV.2018, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng gấp đôi. Nhờ cắt giảm được giá vốn và hoạt động tài chính tăng gấp 3,5 lần, Vietjet vẫn thu về khoản lợi nhuận trước thuế tăng 11%, đạt 1.961 tỷ đồng.

Do phải tính toán lại chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại của năm 2018 trên cơ sở thuế suất áp dụng từ năm 2019 là 20% nên khoản lợi nhuận sau khi đã trừ hết thuế và các chi phí liên quan của Vietjet đã giảm 12% so với cùng kỳ năm trước.

Tính trong cả năm 2018, hãng hàng không này thu về 52.388 tỷ đồng doanh thu, tăng 24% so với doanh số đạt được năm trước đó. Giá vốn cùng chi phí tài chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến Vietjet chỉ tăng trưởng 10% về lợi nhuận, đạt 5.829 tỷ đồng.

So với những năm trước, tốc độ tăng trưởng của Vietjet đã chậm lại. Giai đoạn 2015-2017, hãng vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu lần lượt 39% và 54% trong khi lợi nhuận tăng trưởng 131% và 96%.