Dân Việt

Con tôm gồng mình gánh kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD năm 2019?

Nguyên Vỹ 16/02/2019 19:04 GMT+7
Năm 2019, sứ mệnh của ngành sản xuất, chế biến tôm phải đạt giá trị xuất khẩu 4,2 tỷ USD để kim ngạch xuất khẩu toàn ngành thủy sản tiến gần mục tiêu 10 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2018, xuất khẩu tôm giảm gần 8%, chỉ đạt 3,55 tỷ USD. Vì thế, dù xuất khẩu tôm chiếm giá trị cao nhất nhưng tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu bị giảm từ 46% (năm 2017) xuống còn 40% năm 2018.

img

Năm 2018, ngành xuất khẩu tôm tăng trưởng không ổn định. Ảnh: Nguyên Vỹ

Trong khi đó, cá tra tăng trưởng 26,5%, đạt 2,26 tỷ USD, nâng tỷ trọng trong tổng xuất khẩu thủy sản từ 21% lên 26% năm 2018.

Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho rằng con tôm đã có 1 năm tăng trưởng không ổn định. Trong năm qua, con tôm gặp không ít khó khăn khi chưa kiểm soát tốt nguồn nguyên liệu, việc sử dụng hóa chất kháng sinh cấm trong chăn nuôi cũng như bơm chích tạp chất chưa được kiểm soát tốt.

Sức cạnh tranh yếu khi giá tôm nguyên liệu của Việt Nam vẫn đang cao hơn các nước trong khu vực cùng việc tăng giá các yếu tố chi phí đầu vào cũng ảnh hưởng đến giá thành và sức cạnh tranh.

Theo ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Thuận Phước, để đạt mục tiêu 4,2 tỷ USD, ngành tôm đã và sẽ gặp nhiều thách thức. Tại thị trường Mỹ và châu Âu, mùa đông vừa qua tình hình tiêu thụ chậm nên tồn kho vẫn đang còn, tổng cầu năm 2019 sẽ nhỏ lại. Vấn đề thứ 2 là đồng USD có xu hướng tăng cao cũng gây ít nhiều trở ngại khi VND ổn định không đổi.

Thứ ba là sức ép cạnh tranh của Ấn Độ đang ngày càng lớn với Việt Nam. Cuối cùng là vấn đề giá thành sản xuất trong nước còn cao trong khi các hàng rào kỹ thuật, các yêu cầu nguyên tắc xuất xứ ngày càng khắt khe hơn.

Ông Hòe đánh giá cả năm 2018, toàn ngành tăng 6% là tương đối thấp so với thực lực. Trong khi đó, ngành thủy sản hoàn toàn có thể đạt mức tăng trưởng 10 - 12%. Với các tiềm năng chưa phát huy hết cùng các lợi thế thương mại sắp tới, mục tiêu đưa kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD là hoàn toàn có thể.

img

Kim ngạch xuất khẩu 4,2 tỷ USD là sứ mệnh của ngành tôm trong năm 2019. Ảnh: Nguyên Vỹ

Và cần thiết, mỗi ngành phải thực hiện mục tiêu riêng để đảm bảo mục tiêu chung. “Trong đó 4,2 tỷ USD là sứ mệnh của ngành tôm. Việc hoàn thành mục tiêu của ngành tôm sẽ giúp ngành thủy sản tiến sát hơn mục tiêu 10 tỷ USD”, ông Hòe cho biết.

Bên cạnh đó, với thế mạnh và lợi thế sẵn có ngành cá tra sẽ củng cố mức xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD. Và hy vọng khi gỡ bỏ được thẻ vàng IUU, ngành hải sản có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD.

VASEP đặt ra kế hoạch cụ thể cho từng ngành. Trong đó, các doanh nghiệp ngành tôm cần có kế hoạch tăng tỷ lệ xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng cao để không bị áp thuế chống bán phá giá.

Các doanh nghiệp cần rà soát và tập trung kế hoạch cho sản phẩm tôm có chứng nhận ASC; lấy yếu tố lòng tin của khách hàng vào các chứng nhận ASC “thật sự” làm yếu tố chủ đạo. Từ đó mở rộng xuất khẩu tôm sang châu Âu.

Thứ 3, năm 2019, mục tiêu phấn đấu để EU trở thành thị trường nhập khẩu chính của tôm Việt với kim ngạch đạt 1 tỷ USD từ các lợi thế của FTA mang lại. 4 thị trường còn lại là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc đều tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu với mức cộng dồn của các thị trường này ở mức 3 tỷ USD.