Dân Việt

Vụ tiền nước 23,6 triệu/tháng: Chủ hộ chưa nộp tiền, kiên quyết làm đến cùng

Triệu Quang 18/02/2019 15:55 GMT+7
Bất ngờ với việc tiền nước lên tới hơn 23,6 triệu đồng/tháng, chủ căn hộ tập thể ở Hà Nội vẫn chưa chịu nộp tiền mà tiếp tục làm đơn phản ánh.

img

Chị Thu – chủ căn hộ số 106B – C1 khu tập thể Nghĩa Tân.

Liên quan đến vụ việc hóa đơn tiền nước phải trả tháng 1/2019 lên đến hơn 23,6 triệu đồng, ngày 18/2, chị Vũ Thị Thu (chủ hộ 106B – C1 Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, chị vẫn chưa nộp tiền nước và sẽ làm đến cùng sự việc.

Theo chị Thu, gia đình chị mua lại căn tập thể số 106B – C1 Nghĩa Tân từ ông Nguyễn Quốc Quân vài năm trước. Tuy căn hộ có bể ngầm nhưng sau khi mua, gia đình chị không dùng mà làm lại đường ống nước nổi đi vào 2 téc nước, tổng dung tích là 1,5m3.

Chị Thu sử dụng căn hộ làm quán lẩu. Từ ngày sử dụng, lượng nước tiêu thụ hàng tháng của quán chị Thu dao động từ 22 – 72m3. Chính vì vậy, khi nhận được hóa đơn tiền nước tháng 1/2019 với số nước tiêu thụ là 940m3, tổng tiền thanh toán là hơn 23,6 triệu đồng, chị Thu rất “sốc”.

“Tôi đã kiểm tra và khẳng định đường ống nước nhà tôi không vỡ, tôi cũng không dùng nước vào việc gì bất thường. Tôi sẽ mang đồng hồ đi kiểm định và làm đến cùng vụ việc”, chị Thu chia sẻ.

Chị Thu cho rằng, đường ống nước nhà chị là phi 21, chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay. Thêm nữa, chị theo dõi thấy Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy chỉ bơm nước khoảng 8h/ngày.

“Mỗi giờ bơm, nước chảy qua đồng hồ được 3m3; mỗi ngày cũng chỉ bơm được 24m3; 1 tháng 30 ngày thì cũng chỉ đến mức 720 m3. Nếu thế có bị vỡ đường ống nước hay vừa bơm vừa xả cũng không hết 940m3 nước”, chị Thu nhẩm tính.

Để kiểm tra đồng hồ nước nhà mình, chị Thu đã khóa van trước đồng hồ lúc Xí nghiệp đang bơm nước thì thấy đồng hồ vẫn quay. Trả lời báo chí về việc này, ông Trần Xuân Cương - Giám đốc Xí nghiệp kinh doanh nước sạch Cầu Giấy (đơn vị cấp nước) cho rằng, có thể do khách hàng đóng van trước đồng hồ chưa chặt.

Ông Cương cho biết nguyên nhân của việc số nước nhà chị Thu tăng vọt là do đường ống sau đồng hồ, ở trong nhà khách hàng bị vỡ. Đường ống nước ở trước đồng hồ do Xí nghiệp quản lý, còn từ đồng hồ trở vào do các hộ gia đình chịu trách nhiệm.

img

Đường ống nước qua đồng hồ vào nhà chị Thu chỉ nhỏ bằng 2 ngón tay.

Cùng với đó, ông Cương khẳng định, Xí nghiệp thực hiện một ngày bơm nước 12 tiếng, nhân viên làm việc có sổ giao ca, chứ không phải bơm 8 tiếng/ngày như chị Thu phản ánh.

Tuy nhiên, trao đổi với PV, ông Bùi Hoàng Trường – Tổ trưởng Tổ dân phố số 16, phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cùng các hộ dân tại khu tập thể C1 Nghĩa Tân khẳng định, một ngày, Xí nghiệp nước bơm nước không quá 10 tiếng. Buổi sáng thường từ 6h30 đến muộn nhất có hôm là 11h; buổi chiều từ 14h đến muộn nhất có hôm 18h. 

img

Hóa đơn chốt số nước thấp nhất và cao nhất nhà chị Thu từng đóng, trước khi đồng hồ tăng vọt thêm 940m3 nước trong tháng 1/2019.

Ông Trường cũng rất sửng sốt vì số nước mà gia đình chị Thu tiêu thụ. Ông cho rằng, một hộ gia đình sử dụng đến 940m3 nước là điều khó xảy ra.

Theo ông Trường, chỉ có một khả năng duy nhất có thể xảy ra. Đó là nhà chị Thu ở tầng 1, các đường thoát nước đấu thẳng vào đường thoát nước của tòa nhà. Vì thế, nếu đường ống vỡ, nước sẽ chảy thông thiên, bao nhiêu cũng hết mà không tràn lên.

Thế nhưng, ông Trường vẫn khẳng định: “Kể cả có hở hay vỡ đường ống thì với đường ống rất bé, khó mà lên đến con số 940m3 nước như vậy. Nó bằng cả mấy trăm hộ ở khu tập thể này”.

Hà Nội: ”Choáng” thông báo tiền nước 23,6 triệu đồng/tháng, không nộp cắt nước

Không tin vào mắt mình, chị Thu ngay lập tức đã làm đơn trước việc khối lượng nước tăng bất thường này.