Dân Việt

Dịch tả lợn châu Phi tiến sát biên giới, vẫn "trên nóng dưới nguội"

Anh Thơ 19/02/2019 06:17 GMT+7
Từ cuối năm 2018 đến nay, trong khi dịch lở mồm long móng hoành hành ở nhiều địa phương thì dịch tả lợn châu Phi cũng đang ngấp nghé sát biên giới. Tuy vậy, theo đánh giá của Bộ NNPTNT, nhiều địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Dịch bệnh bủa vây

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ ngày 1.1 đến 14.2.2019, bệnh cúm gia cầm (CGC) đã xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 8.875 con.

Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus cúm A/H5N6, chính quyền và cơ quan chuyên môn của các địa phương đã xử lý, tiêu hủy  toàn bộ đàn gà mắc bệnh và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, khử trùng tiêu độc. Hiện, cả nước có 1 dịch bệnh CGC tại Khánh Hòa (đã qua 16 ngày).

img

Theo Bộ NNPTNT, cần tăng cường biện pháp tiêu độc khử trùng phòng chống dịch tả lợn châu Phi.  Ảnh: T.l

“Đặc biệt, khi phát hiện ổ dịch cần thực hiện tiêu hủy ngay toàn đàn, chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi phải hoàn thành việc tiêu hủy để phòng tránh lây lan”.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Với bệnh lở mồm long móng (LMLM), từ ngày 1.1 – 14.2.2019, bệnh đã xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu do lợn chưa được tiêm phòng vaccine tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Kon Tum..., tổng số gia súc mắc bệnh là 757 con lợn, trong đó có 679 con đã được tiêu hủy.

Hiện cả nước còn một số cơ sở chăn nuôi tại Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Kon Tum có lợn mắc bệnh và đã được xử lý, tiêu hủy nhưng chưa qua 21 ngày.

Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn do Bộ NNPTNT tổ chức ngày 15.2, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh LMLM trong thời gian tới là rất cao vì mầm bệnh lưu hành trong đàn gia súc rất nhiều và có ở hầu khắp các địa phương trong cả nước; chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, trong khi việc phòng bệnh bằng vaccine và các biện pháp an toàn sinh học chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Việc buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia súc tăng trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán; thời tiết thay đổi gây bất lợi cho đàn vật nuôi nhưng tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ngay sát biên giới Việt Nam, có nguy cơ lây lan vào Việt Nam bất cứ lúc nào. Theo thông tin từ Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), chỉ tính từ ngày 3.8.2018 đến 14.2.2019, Trung Quốc thông báo có tới 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh, đã có hơn 950.000 con lợn các loại buộc phải tiêu hủy.

Cục Thú y nhận định, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao do tình trạng buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là ở các tỉnh phía Bắc diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Văn Long – Trưởng phòng Dịch tễ (Cục Thú y) cho rằng, nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh, chỉ cần phát hiện có dịch tả lợn châu Phi thì con đường xuất khẩu thịt lợn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vẫn trên nóng dưới nguội

Mặc dù dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan cao, nhưng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhiều nơi chính quyền địa phương chưa vào cuộc một cách quyết liệt.

img

Người dân Hà Nam đẩy mạnh chăm sóc đàn lợn trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn ra phức tạp. Ảnh: I.T

“Chúng tôi vừa đi kiểm tra công tác phòng chống dịch LMLM, việc tuyên truyền, đền bù cho bà con rất kém. Mặc dù chính sách đã có từ lâu nhưng bà con không biết nên khi lợn bệnh vì tiếc vẫn cố tình bán ra ngoài mà không đợi đền bù, tiêu hủy, do đó phải rà soát lại cách làm” – ông Tiến nói.

Thừa nhận việc này, ông Nguyễn Huy Đăng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hà Nội cho biết, dịch bệnh LMLM bùng phát trên địa bàn thành phố thời gian qua chủ yếu xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không tuân thủ nghiêm quy trình tiêm vaccine. Các hộ này không chủ động báo cáo dịch mà tuồn lợn chết ra ngoài thị trường nên làm ảnh hưởng đến nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Luật Thú y đã quy định rất rõ về vấn đề phòng chống dịch bệnh nhưng rõ ràng công tác tuyên truyền thực hiện luật chưa tốt.

“Chúng ta phải tích cực tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người dân, từ thụ động đối phó sang chủ động phòng chống dịch bệnh” – ông Dương nói.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chúng ta phải quyết liệt phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm mới có kết quả. Hiện, Bộ NNPTNT đã chỉ đạo cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.

Trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam; giám sát chặt các cửa khẩu, đường mòn lối mở và tuyên truyền đến cộng đồng dân cư để người dân không tham gia các hoạt động nhập lậu gia súc, gia cầm.